Quyết tâm khôi phục các giống lúa mùa, anh Tư Việt canh tác hoàn toàn theo cách truyền thống xưa, không sử dụng bất kỳ loại phân bón vô cơ và thuốc BVTV nào.
Quyết tâm “hồi sinh” các giống lúa mùa
“Mỗi năm, trước khi vào vụ sản suất, trên trang Sinh thái lúa mùa – luamua.net đều đăng kế hoạch khung thời gian hoạt động cụ thể của trang trại, từ khi gieo mạ, dắm mạ, nhổ cấy bằng tay, chăm sóc, thu hoạch, đập lúa, phơi, xay gạo thủ công…, và cuối cùng là nấu cơm, thưởng thức với các loại rau dại mọc quanh bờ ruộng, cá đồng.
Trang trại lúa mùa Tư Việt sản xuất hoàn toàn hữu cơ và lao động thủ công truyền thống
Đó là cách sản xuất lúa khác lạ của anh Lê Quốc Việt (ở khu phố Minh Phú, Thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) mà mọi người vẫn quen gọi là “Tư Việt lúa mùa”. Cách đây gần chục năm, gia đình anh Việt quyết định từ bỏ thâm canh lúa Thần Nông 2 – 3 vụ/năm, sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học để có năng suất cao, quay trở lại làm lúa mùa hữu cơ theo cách truyền thống, mỗi năm chỉ 1 vụ. Từ 2,5 ha đất nhà, rồi mướn thêm xung quanh, hợp tác với các hộ nông dân khác cùng làm, diện tích dần mở rộng lên hàng chục ha.
Anh Việt tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn từ nền văn hóa lúa mùa nên nó đã ăn sâu vào máu thịt. Vì vậy, khi thấy văn hóa lúa mùa ngày càng mai một, mình tiếc lắm. Trong thâm tâm cứ ấp ủ nguyện vọng một ngày nào đó sẽ đầu tư, xây dựng một trung tâm bảo tồn văn hóa lúa mùa. Thế nhưng cũng phải mất hơn mười năm “thai nghén” mới có điều kiện để làm”.
Tiếp lời chồng, chị Nguyễn Thị Thanh Vân – vợ anh Việt bảo: “Với 2,5 ha nếu làm lúa 3 vụ/năm thì cũng kiếm được lợi nhuận trên trăm triệu đồng nhưng làm lúa mùa là tâm nguyện của anh nên vợ chồng cũng đồng lòng làm, dù thu nhập có giảm đi”.
Nhiều người tìm đến trang trại lúa mùa Tư Việt tham gia vào các khâu
sản xuất, trải nghiệm lại các hoạt động văn hóa lúa mùa xưa
Anh Việt cho biết, cái khó hiện nay là nhiều giống lúa mùa đã bị mai một, rất khó tìm. “Tôi phải đích thân lên Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (thuộc Đại học Cần Thơ) mới chia được năm loại giống lúa mùa là: Một Bụi, Ba Bụi, Chim Rơi, Trắng Tép và Nếp Than, nhưng mỗi thứ cũng chỉ được ít hạt về nhân giống”, anh Việt tâm sự.
Để bảo tồn các giống lúa, mỗi năm anh Tư Việt sưu tầm và trồng khoảng 10 giống lúa mùa khác nhau. Sau khi thu hoạch, sẽ nấu cơm mời bà con cùng thưởng thức, đánh giá, chọn ra những giống cho loại gạo ngon để tiếp tục trồng. Anh Việt bảo: “Lúa mùa bây giờ không chỉ khan hiếm giống mà còn đứng trước thách thức là phải cạnh tranh với nhiều giống lúa cao sản mới được lai tạo, cho chất lượng gạo thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng”.
Đoàn làm phim Hành trình cây lúa Việt Nam về trang trại lúa mùa Tư Việt quay tư liệu khi nơi đây thu hoạch lúa.
Canh tác thuận tự nhiên
Mỗi năm chỉ gieo cấy 1 vụ lúa vào thời điểm thời tiết thuận lợi, còn lại là cho đất nghỉ, phục hồi nhờ các chất hữu cơ tự phân hủy sau quá trình canh tác. Theo anh Việt, vụ lúa mùa thường kéo dài khoảng 6 tháng mới cho thu hoạch. Nếu gieo mạ cấy sớm có khi kéo dài tới 7 tháng. Còn nếu làm trễ thì cũng phải 5 tháng. Tuy nhiên, nếu làm quá trễ, cây lúa chưa kịp phát triển, chưa tích lũy đủ tinh khí của đất trời đã trổ bông thì năng suất kém mà chất lượng gạo cũng không ngon.
Anh Lê Quốc Việt (bên phải), thường được gọi là “Tư Việt lúa mùa” cùng người dân tham gia đập lúa.
Với việc canh tác thuận theo tự nhiên, nên ruộng lúa của anh Tư Việt rất ít khi bị sâu, bệnh hại. Mà nếu có anh cũng nhất quyết không phun xịt bất cứ loại thuốc hóa học nào. “Để chống lại sâu, rầy và ốc bươu vàng, tôi nuôi cá đồng và thả thêm vịt trời trong ruộng lúa cho chúng ăn. Trên bờ ruộng trồng thêm các loại hoa sinh thái để dẫn dụ thiên địch. Riêng chuột phá hoại thì dùng rập bẫy và xây tường rào xung quanh để hạn chế chúng xâm nhập”, anh Việt chia sẻ.
Với mong muốn biến trang trại của mình thành điểm đa dạng sinh học, anh Tư Việt không thiên về phát triển du lịch sinh thái, mà chủ yếu đón tiếp những người đến đây học tập, nghiên cứu về văn hóa lúa mùa. Đã có nhiều sinh viên của các trường đại học tại Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang tìm đến đây nghiên cứu, làm đề tài tốt nghiệp. Ngoài ra, còn có nhiều đoàn, chủ yếu là những người lớn tuổi đến trang trại Lúa mùa Tư Việt để tìm lại những kỷ niệm một thời về văn hóa lúa mùa xưa. Họ cùng tham gia làm tất cả các khâu trong sản xuất để trải nghiệm.
Nhiều người thích thú tham gia trải nghiệm xay lúa bằng cối xay thủ công xưa tại trang trại lúa mùa Tư Việt
Quy trình canh tác lúa hữu cơ của anh Tư Việt là “ngày xưa ông bà mình làm sao thì giờ làm vậy, hoàn toàn tự nhiên, không dùng bất cứ loại hóa chất nào. Ngay cả việc cơ giới hóa cũng không, thay vào đó là kéo bằng sức trâu. Vì vậy, sản phẩm gạo lúa mùa hữu cơ làm ra cũng chẳng cần qua đơn vị chức năng nào kiểm định, cấp chứng nhận. Với cách giới thiệu và mời khách hàng cùng tham gia sản suất nên họ rất tin tưởng vào chất lượng hạt gạo làm ra”.
Mới đây, anh Tư Việt đã đem sản phẩm gạo lúa mùa tham gia giới thiệu tại Hội chợ Khuyến mại năm 2021, do Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ và Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V – Vĩnh Long 2021.
“Đây là dịp tốt để mình giới thiệu về sản phẩm gạo lúa mùa hữu cơ cho nguời dân Sài Gòn và vùng ĐBSCL. Qua đó, cho thấy còn rất nhiều người lớn tuổi nhớ về gạo lúa mùa, muốn tìm mua thưởng thức. Ngoài ra, còn có những nhóm trẻ yêu thích tự nhiên, sống hòa mình với thiên nhiên cũng rất thích các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn văn hóa lúa mùa”, anh Tư Việt tâm sự.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...