Lâm Đồng đang tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá để thiết lập các bản đồ quy hoạch các vùng sản xuất hữu cơ cho từng địa phương trong tỉnh.
Mở rộng vùng sản xuất hữu cơ
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, đến nay, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ người dân, tổ chức nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Tính đến cuối năm 2021, địa phương đã hỗ trợ và xây dựng các mô hình như mắc ca hữu cơ với quy mô 5ha tại Công ty TNHH Mắc ca Việt (huyện Di Linh, Lâm Đồng); cà phê hữu cơ quy mô 5,6ha tại Tổ hợp tác cà phê hữu cơ Đỗ Tùng (xã Hòa Bắc, huyện Di Linh); mô hình sản xuất măng tây hữu cơ tại HTX măng tây Langbiang (huyện Lâm Hà) với quy mô 4,8 ha…
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang hỗ trợ, xây dựng mô hình sản
xuất sầu riêng hữu cơ tại huyện Đạ Huoai với quy mô 10ha
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng hỗ trợ, xây dựng mô hình lúa hữu cơ với quy mô 10ha tại huyện Cát Tiên, mô hình rau ăn củ hữu cơ quy mô 1ha tại TP Đà Lạt và mô hình sản xuất sầu riêng hữu cơ tại HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) với quy mô 10ha.
Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho hay, ngoài việc xây dựng mới các mô hình, Lâm Đồng tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ tại các mô hình đã được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, bao gồm bò sữa hữu cơ quy mô 137ha với khoảng 2.000 bò sữa tại Trang trại bò sữa hữu cơ Organic Đà Lạt; 10ha sản xuất rau tại Trang trại Thiên Sinh (huyện Đơn Dương); 14ha rau tại Công ty TNHH Univer Farm Đơn Dương; 20ha sản xuất điều tại vườn gia đình ông Nguyễn Công Nhương (huyện Đạ Tẻh)…
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua, Lâm Đồng đã tổ chức điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng sản xuất hữu cơ trên toàn địa bàn. Qua đó xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện để mở rộng sản xuất hữu cơ. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang hoàn thiện 1 bản đồ tổng thể thể hiện thông số về các loại cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh với tỷ lệ 1/100.000. Đồng thời thực hiện 12 bản đồ thể hiện thông số các loại cây trồng, vật nuôi và vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho từng huyện, thành phố với tỷ lệ 1/50.000.
Ngành nông nghiệp tỉnh này cũng thực hiện phân tích 200 mẫu, trong đó có 120 mẫu đất, 60 mẫu nước, 20 mẫu không khí tại các vùng để làm cơ sở hoạch định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo bản đồ quy hoạch.
Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho hay, cùng với việc xây dựng bản đồ, khảo sát, đánh giá, đơn vị đã xây dựng dự thảo 17 quy trình về sản xuất hữu cơ của các loại cây trồng vật nuôi chủ yếu. Trong đó bao gồm quy trình sản xuất rau ăn lá, ăn quả, ăn củ hữu cơ; quy trình sản xuất lúa, chè, cà phê vối, cà phê chè hữu cơ; quy trình sản xuất sầu riêng, bơ, chuối, mắc ca hữu cơ; quy trình sản xuất atiso, đương quy, nấm rơm hữu cơ; quy trình chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng hữu cơ.
Trang trại bò sữa Vinamilk Organic Đà Lạt (Công ty Vinamilk) tại
xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng
Cùng với đó, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và chuyển giao các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ nông nghiệp, doanh nghiệp, bà con nông dân. “Nội dung tập huấn giới thiệu tổng quan về Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; các quy trình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ phù hợp với từng địa phương. Qua các lớp tập huấn, cơ bản cán bộ nông nghiệp cấp huyện, xã, thị trấn, bà con nông dân đã nắm được những kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với trồng trọt, chăn nuôi hiện nay”, ông Trần Văn Tuận chia sẻ.
Mục tiêu 1.600ha sản xuất hữu cơ
Về lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, ông Trần Văn Tuận cho hay, Lâm Đồng đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi và có quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn. Đây là lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ mà ít địa phương nào có được.
Ngoài ra, nông dân có trình độ canh tác cao, tiếp thu nhanh công nghệ mới và đã hình thành thói quen sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc trong sản xuất. “Đây là những thuận lợi, tiền đề và là cơ hội rất lớn để Lâm Đồng phát triển nông nghiệp hữu cơ”, ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thổ lộ.
Cũng theo ông Tuận, địa phương có tiềm năng và lợi thế lớn nhưng việc phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2020 – 2021, các sản phẩm hữu cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do tác động của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, thị trường trong và ngoài nước đang có sự cạnh tranh gay gắt và chứng nhận hữu cơ Việt Nam chưa được quốc tế công nhận nên việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm hữu cơ còn nhiều khó khăn.
Mô hình rau hữu cơ tại trang trại Thiên Sinh, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng
Với tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng hướng đến mục tiêu phát triển khoảng 70ha diện tích cây trồng hữu cơ với tổng sản lượng khoảng 690 tấn sản phẩm, 500 bò sữa đạt chuẩn hữu cơ với tổng sản lượng sữa ở vào khoảng 1.500 tấn.
Riêng trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức hỗ trợ xây dựng và cấp 6 giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam cho cán bộ nông nghiệp các cấp, doanh nghiệp, nông dân.
Cũng trong năm 2022, ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ xây dựng 4 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với các sản phẩm cà phê, mắc ca, dược liệu, bò thịt và 1 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản sản phẩm hữu cơ để người dân tham quan học tập, nhân rộng.
“Hiện nay, thị trường cho sản phẩm hữu cơ là vấn đề lớn. Do vậy, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ người dân xây dựng 2 thương hiệu sản phẩm hữu cơ. Về phương thức, chúng tôi sẽ hỗ trợ về chi phí thiết kế bao bì sản phẩm, chi phí in ấn, phát hành bao bì. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ trong 3 cuộc xúc tiến thương mại theo hình thức hỗ trợi chi phí vận chuyển hàng hóa, thuê gian hàng mở hội chợ, triển lãm ở các hội chợ trong nước và quốc tế”, ông Trần Văn Tuận chia sẻ và cho biết thêm, trong năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ người dân xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...