Nhà vườn Hưng Yên đang tất bật chuẩn bị vào vụ thu hoạch nhãn. Việc sử dụng thuốc BVTV được quản chặt để đảm bảo chất lượng phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu.
Quản chặt việc sử dụng thuốc BVTV
Bà Nguyễn Thị Thu, quyền Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hưng Yên) cho biết: Năm 2022, diện tích nhãn toàn tỉnh trên 5.000ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 4.800ha, sản lượng ước đạt 45.000 – 47.000 tấn.
Trà nhãn chín sớm cho thu hoạch từ 15 – 30/7 (sản lượng chiếm khoảng 5 – 7%); trà chính vụ thu hoạch từ 5 – 25/8 (sản lượng chiếm khoảng 80 – 85%); trà chín muộn thu hoạch từ 30/8 – 20/9 (sản lượng chiếm khoảng 10 – 15%). Đến nay, diện tích nhãn đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 1.200ha (chiếm 25% tổng diện tích) tại 81 cơ sở, vùng sản xuất nhãn trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ
, khoảng 25% tổng diện tích nhãn Hưng Yên đã đạt tiêu chuẩn VietGAP
Ông Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hưng Yên thông tin: Hiện toàn tỉnh đã cấp được 27 mã số vùng trồng cho 17 vùng trồng nhãn, diện tích 170ha. Nhãn quả Hưng Yên hiện đang xuất khẩu đi thị trường các nước như Trung Quốc, Úc, Mỹ, Hàn Quốc…
Theo ông Nam, với chủ trương đa dạng hóa các thị trường để giảm áp lực, nâng cao hiệu quả tiêu thụ, ngoài thị trường trong nước, nhãn Hưng Yên sẽ hướng tới chinh phục các thị trường khác nhau trên thế giới. Để làm được điều này, các cơ quan chuyên môn liên tục khuyến cáo người dân tăng cường sản xuất theo hướng an toàn, thực hiện tốt công tác giám sát mã số vùng trồng để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.
Trong đó, đặc biệt chú ý hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học; thay thế bằng phân bón hữu cơ vi sinh, các thuốc BVTV sinh học thế hệ mới, chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu bệnh ít độc hại tới sức khỏe và ảnh hưởng môi trường cũng như giảm thiểu nguy cơ tồn dư trên sản phẩm phân bón sinh học, hữu cơ.
Trong trường hợp phải sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng những loại thuốc trong danh mục cho phép, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp), đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Đối với những vườn nhãn đang trong thời kỳ quả chín mà bệnh có xu hướng phát triển, chỉ sử dụng chế phẩm nano bạc, đồng nhằm phòng bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thời điểm này, nhãn đã bước vào giai đoạn cách ly chuẩn bị cho thu hoạch nên tất cả các
thành viên trong HTX không sử dụng thuốc BVTV để phun phòng, trị bệnh,
dọn cỏ bằng tay, sử dụng chế phẩm nano bạc, đồng để bảo vệ quả
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng (Thành phố Hưng Yên) cho biết: Hiện tại, HTX có 40ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP, vụ nhãn năm nay dự kiến sản lượng thu được 200 tấn. HTX được cấp 3 mã vùng trồng với diện tích 30ha phục vụ xuất khẩu đi thị trường Đông Âu.
Theo ông Mý, để đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn của nước xuất khẩu, ngay từ đầu vụ, HTX đã hướng dẫn các thành viên quy trình chăm sóc, tỉa cành, sử dụng thuốc BVTV theo quy định.
Hiện tại, nhãn đã bước vào giai đoạn cách ly chuẩn bị cho thu hoạch nên tất cả các thành viên trong HTX không sử dụng thuốc BVTV để phun phòng, trị bệnh. Thay vào đó, các hộ sử dụng chế phẩm nano bạc, đồng để tiêu diệt nấm, vi khuẩn gây bệnh, giúp quả sáng mã, chống nám đen trên vỏ quả, không gây tồn dư trên sản phẩm khi thu hoạch…
Sản xuất an toàn, hữu cơ không thể nóng vội
Bà Trần Thị Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (Thành phố Hưng Yên) chia sẻ: HTX có 15ha trồng nhãn đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giai đoạn đầu triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp rất nhiều khó khăn do thói quen canh tác theo kinh nghiệm truyền thống đã ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của người dân. Có hộ hễ thấy cây xấu hay chớm có sâu, bệnh là phun thuốc, bón phân vô tội vạ, sau khi sử dụng xong thì bao bì vứt bừa bãi trong vườn…
Khi các hộ chấp nhận thay đổi, cùng canh tác theo một quy trình, phun thuốc BVTV được triển khai đồng loạt trong một thời gian nhất định nên hiệu quả phòng trừ cao, số lần sử dụng thuốc BVTV giảm xuống. Từ đó, giảm được chi phí mua thuốc, phân bón, công lao động, sức khỏe được nâng cao…
Theo bà Trần Thị Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam
(Thành phố Hưng Yên), việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ
giá thành vẫn tương đối cao nhưng hiệu quả mang lại có tính lâu dài.
Về phân bón, hiện tại 70% thành viên HTX đang sử dụng phân bón hữu cơ được ngâm ủ từ đậu tương, ngô, cá bằng các chế phẩm sinh học thay thế việc sử dụng phân bón hóa học để giảm hiện tượng đất bị chai.
Theo bà Bắc, mặc dù nếu tính toán chi ly thì giá thành, công sản xuất phân bón hữu cơ theo phương pháp ngâm ủ tương đối cao, tuy nhiên hiệu quả mang lại có tính lâu dài vì “sức khỏe đất” được cải thiện. Sản phẩm nhãn quả tạo ra mẫu mã đẹp hơn, khi lấy mẫu đi test dư lượng thuận lợi, luôn đáp ứng các tiêu chuẩn, từ đó thu hút được doanh nghiệp thu mua nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá thành bán nhãn được nâng cao.
“Muốn canh tác an toàn, bền vững, yếu tố đầu tiên phải thay đổi được nhận thức của người dân. Bởi lẽ chỉ khi người dân nhận thức được những lợi ích mà các kỹ thuật canh tác mới mang lại cho sức khỏe, kinh tế, môi trường thì họ sẽ tự giác thực hiện.
Tuy nhiên, khi người dân tự giác thực hiện rồi thì các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần tích cực hỗ trợ khâu tiêu thụ để họ nhận thấy rằng việc mình đầu tư sản xuất an toàn là xu thế mà toàn xã hội đang hướng tới, giá trị mang lại cao hơn phương thức sản xuất truyền thống. Từ đó, họ sẽ chăm chuốt, đầu tư hơn cho sản phẩm do mình tạo ra.
Hiện nay, một thực tế là người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm sản xuất an toàn, đâu là sản phẩm đại trà nên những sản phẩm chất lượng chưa tìm được vị thế thực sự. Người sản xuất ra sản phẩm đó nhận thấy kết quả thu được chưa tương xứng với công sức, chi phí mình bỏ ra nên không quyết tâm làm tới cùng, việc này cần phải sớm được giải quyết”, bà Bắc nhấn mạnh.
Để đảm bảo tiêu chuẩn nhãn xuất khẩu, yếu tố tiên quyết là phải tuân thủ nghiêm
ngặt quy trình sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng thuốc BVTV
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thế, Đại diện HTX Nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: Hiện tại, HTX được cấp 3 mã số vùng trồng đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2021, HTX xuất khẩu được 100 tấn nhãn đi các thị trường.
Theo ông Thế, mỗi thị trường có một yêu cầu riêng biệt về tiêu chuẩn đối với sản phẩm, do đó yếu tố tiên quyết để họ đồng ý nhập hàng là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng thuốc BVTV.
Do đó, muốn làm tốt việc sản xuất theo quy trình an toàn, các HTX cần có sự phân định rõ ràng ngay từ ban đầu. Hộ sản xuất nào đảm bảo được các điều kiện, yếu tố kỹ thuật sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu thì đặt vấn đề ký kết hợp đồng cam kết về sản lượng, chất lượng…
Nguồn bài viết : Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...