Sau hai năm thực thi EVFTA, doanh nghiệp đã tận dụng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu sang EU. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu sang EU nhích lên 15%, đạt 83 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng nông sản như thủy sản, gạo, cà phê đều tăng trưởng mạnh.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD, tăng 15%.
Trong đó, một số mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh như cà phê với 75%, hồ tiêu 56%, lâm sản 10-15%…
Tọa đàm “Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng”
Cũng như mặt hàng rau củ quả, ngành thủy sản cũng có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Cụ thể, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam nhưng sau đó tụt xuống vị trí thứ 4 bởi xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm mạnh từ năm 2010, xuất khẩu hải sản gặp rào cản thẻ vàng IUU.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang EU đang dần khôi phục sau khi thị trường này mở cửa hậu COVID, doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi thuế quan.
Tính đến hết quý II, xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 700 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính như tôm tăng 48%, cá tra cũng tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2021.
Cũng nắm bắt cơ hội từ EVFTA, một doanh nghiệp gạo đã tăng cường xuất khẩu gạo thơm sang EU, thu về lãi đậm.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết kể từ tháng 8/2021, số lô gạo xuất khẩu sang EU của doanh nghiệp tăng lên trông thấy. Cho đến thời điểm này, châu Âu đang là thị trường xuất khẩu chính của Trung An, doanh nghiệp tập trung vào phân khúc gạo thơm, giá cao.
Theo báo cáo tài chính quý II của Trung An, lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty có doanh thu 1.723 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế 50,6 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Phạm Thái Bình chia sẻ hiện công ty đang phát triển các sản phẩm sau gạo như bún khô, phở khô… và được thị trường EU tích cực đón nhận.
“Về tiền năng của gạo và các sản phẩm sau gạo của Việt Nam là rất có điều kiện và rất có cơ hội, nhưng vấn đề tăng trưởng nhanh hay chậm, nhiều hay ít là do các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bình nói.
Trước việc doanh nghiệp tận dụng lợi thế thuế quan, gia tăng xuất khẩu vào EU, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng doanh nghiệp đã biết thay đổi tư duy, định hướng thị trường, mặt hàng thế mạnh nhưng thị phần của nông sản Việt tại EU vẫn còn khiêm tốn.
“Nhìn vào thị phần rau quả chưa đến 4%, thủy sản 8%. Còn xuất khẩu gạo vào EU rất thấp, bởi chúng ta mới có EVFTA, trước đây không cạnh tranh được với gạo các nước từ Campuchia. Qua đó thấy, dư địa xuất khẩu nông sản sang EU còn rất lớn”, ông Khanh nói.
Ông Khanh nói thêm, hiện tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang EU của các tỉnh trọng điểm vẫn chỉ ở mức 15-20%. Điều này có nghĩa chúng ta đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống – Đông Á, trong khi đó dư địa, lợi thế ở EU rất lớn thì chưa được chú trọng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình cho rằng Việt Nam nằm trong top đầu các nước xuất khẩu gạo của thế giới, tuy nhiên lượng gạo xuất khẩu sang EU vẫn còn rất nhỏ.
Trong khi đó, Hiệp định EVFTA mới được ký với hai quốc gia ở Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore, Singapore lại không có gạo để xuất khẩu. Như vậy, các doanh nghiệp gạo vẫn chưa tận dụng được hết hiệu quả của Hiệp định EVFTA.
Nguyên nhân là văn hoá thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam, nếu ở thị trường châu Âu chỉ có gạo Trung An thì chưa thể tạo dựng được thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường này.
“Do vậy, chúng ta cần có một chương trình hợp tác và các doanh nghiệp Việt cần tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường này. Trong đó, đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng… để hạn chế những vụ việc như hàng hoá bị trả về do vi phạm các tiêu chuẩn ở thị trường này”, ông Bình nói.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...