Dù đã thu hoạch xong cách đây 2 tháng, nhưng đến nay, quả bí xanh thơm tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tiêu thụ rất khó khăn, lượng bí xanh thơm còn tồn lớn.
Năm 2022, huyện Ba Bể trồng được khoảng 185ha bí xanh thơm, sản lượng đạt khoảng 5.000 tấn. Trong đó, xã Địa Linh trồng được trên 80ha bí xanh thơm và là địa phương có diện tích trồng bí xanh thơm lớn nhất của huyện Ba Bể. Đối với những diện tích trồng sớm, hiện nay, bà con nông dân đã thu hoạch quả bán cho thương lái. Thời điểm đầu vụ, giá bí xanh thơm khá cao, trung bình từ 15.000 – 20.000đ/kg. Nhưng đến nay, cơ bản các hộ dân trung bình còn tồn khoảng 1/3 số bí đã thu hoạch.
Vụ sản xuất năm nay, gia đình bà Hà Thị Yến, thôn Tát Dài, xã Địa Linh thu được khoảng 5 tấn bí xanh thơm, nhưng đến nay mới bán được 2 tấn. Do đã thu hái từ lâu, không được bảo quản tốt nên một số quả bí đã có dấu hiệu bị thối.
Lượng bí xanh thơm chưa tiêu thụ và được người dân bảo quản tại nhà hiện còn rất lớn
Bà Yến cho biết: Năm nay năng suất thấp hơn năm ngoái nhưng tư thương đến mua ít, chỉ bán lẻ cho khách đi đường hoặc bán ở chợ phiên nên quả bí xanh còn tồn nhiều.
Hiện nay, chỉ một phần nhỏ diện tích trồng bí được các hợp tác xã cam kết thu mua, còn lại đều phụ thuộc vào tư thương. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó khăn.
Ông Dương Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã Địa Linh cho rằng, việc phát triển cây bí xanh thơm là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, do đầu ra chưa đảm bảo nên việc tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích cần xem xét thấu đáo để đảm bảo cung cầu.
Từ những năm 2017 trở lại đây, cây bí xanh thơm đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho một số xã của huyện Ba Bể và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm bí xanh thơm chưa ổn định, chỉ một phần diện tích trồng bí được các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết bao tiêu sản phẩm, còn lại bà con vẫn đang bán tự do cho tư thương đến thu mua tại địa phương.
Năm 2022, toàn huyện Ba Bể trồng khoảng 185ha bí xanh thơm, sản lượng đạt khoảng 5.000 tấn
Do huyện Ba Bể chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ bí xanh thơm, nên lãnh đạo địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp tiêu thụ. Các chương trình tổ chức quảng bá, kết nối người trồng với các nhà phân phối, các hệ thống siêu thị lớn được thực hiện. Tuy nhiên, chưa có nhiều hợp đồng tiêu thụ được ký kết, sản lượng tồn đọng vẫn còn cao.
Ông Trung Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, để giúp bà con tiêu thụ bí xanh thơm thuận lợi, huyện Ba Bể đã tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại bí xanh thơm. Trong đó có phối hợp tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn năm 2022, đưa hoạt động trải nghiệm vùng sản xuất bí xanh thơm thôn Bản Váng, xã Địa Linh để quảng bá hình ảnh của địa phương. Huyện cũng tạo điều kiện kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...