Sau 4 tháng chăn nuôi lợn an toàn sinh học, trừ chi phí giống, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y,… mô hình chăn nuôi 316 con lợn cho lãi gần 140 triệu đồng.
Mô hình sau khi triển khai được người dân quan tâm, có thể nhân rộng
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 2 hộ dân với quy mô 316 con tại xã Chiến Thắng, huyện An Lão và xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy.
Hộ dân tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% giá trị giống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, vắc xin, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, hóa chất sát trùng.
Mặt khác, được tập huấn về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và phòng trị bệnh trên lợn theo quy trình VietGAHP và hướng dẫn các hộ tham gia mô hình ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xanh Vinh Phát.
Riêng mô hình tại xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã phối hợp với Công ty Agrihightech Việt Nam thử nghiệm Máy khử mùi chuồng trại chăn nuôi AT-01 có nguồn gốc từ Đài Loan.
Kết quả đo nồng độ các khí độc trong chuồng nuôi kết quả cho thấy các chỉ số (H2S, CH4 và các đồng đẳng của NH3, CH4) giảm rõ rệt, chuồng trại đã giảm mùi hôi rõ rệt, môi trường chăn nuôi được cải thiện.
Ông Cao Đức Tỏi bày tỏ sự hài lòng với mô hình
Qua quá trình triển khai cũng cho thấy kết quả theo dõi đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, sức đề kháng cao với một số bệnh thông thường hoặc khi thay đổi thời tiết bất thường.
Ông Cao Đức Tỏi, hộ dân tham gia mô hình cho biết, tỷ lệ nuôi sống cao đạt 98,5%, cao hơn so với ngoài mô hình 3,3%. Khối lượng lúc 4 tháng nuôi dự kiến đạt 115 kg cao hơn so với ngoài mô hình 2kg/con, tiêu tốn thức ăn 2,28 kg/kg tăng khối lượng, thấp hơn so với ngoài mô hình 0,23kg.
Trước đây nuôi theo kinh nghiệm, thất thoát về đầu con lớn, sản phẩm kém chất lượng. Sau khi nuôi theo mô hình thì được doanh nghiệp thu mua tại chỗ, được hướng dẫn về chuồng trại, các quy trình kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao“, ông Cao Đức Tỏi khẳng định.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, điểm khác biệt của các hộ khi tham gia mô hình là được tập huấn về quy trình kỹ thuật theo VietGAHP, có phân tích mẫu nước uống của lợn, mẫu thức ăn, mẫu nước thải, mẫu nước tiểu lợn, thực hiện đầy đủ quy trình làm vắc xin cho lợn.
Bên cạnh đó, người dân biết cách sử dụng các chế phẩm sinh học, acid hữu cơ để hạn chế lạm dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, chỉ sử dụng kháng sinh khi thật cần thiết cũng như tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng kháng sinh trước khi xuất bán. Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi không sử dụng chất cấm như Ractopamine, là cơ sở để tạo đầu ra đảm bảo an toàn và chất lượng.
Người dân tham quan mô hình chăn nuôi của ông Cao Đức Tỏi, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy
Trong quá trình thực hiện mô hình các hộ chăn nuôi đã thực hiện rất nghiêm túc việc ghi chép nhật ký như nhập vật tư chăn nuôi, tiêm vắc xin, cho ăn, phun khử trùng, điều trị bệnh, các hoạt động hằng ngày của trại,… hồ sơ được lưu trữ để phục vụ truy xuất sản phẩm VietGAHP, đồng thời còn phục vụ cho việc đúc rút kinh nghiệm cho các lứa nuôi về sau.
Trừ chi phí giống, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng, điện nước, khấu hao chuồng trại, công lao động,… mô hình 316 con lợn cho lãi 139.842.000 đồng/4 tháng nuôi, hiệu quả kinh tế tăng so với chăn nuôi thông thường 61.303.000 đồng.
Mô hình đạt năng suất, sản lượng và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật vượt mức so với thuyết minh ban đầu, cụ thể là tỷ lệ nuôi sống đạt 98,5% vượt mức 0,3%; khối lượng xuất chuồng trong 4 tháng nuôi đạt 120kg, tiêu tốn thức ăn 2,28kgTA/kg, đạt yêu cầu đề ra ban đầu.
Sau khi kết thúc mô hình, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi ngoài mô hình là trên 40% đặc biệt có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp nên đầu ra ổn định.
“Thông qua mô hình chăn nuôi theo VietGAHP từng bước thay đổi hành vi như ghi chép nhật ký giúp người chăn nuôi theo dõi đàn lợn được chính xác trong suốt quá trình nuôi, ghi nhớ quá trình phòng và điều trị bệnh, hạch toán kinh tế … đồng thời cũng là hồ sơ để truy suất nguồn gốc sản phẩm”, ông Nguyễn Ngọc Đam – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng khẳng định.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...