Mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận…
Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như sự chủ động của cộng đồng DN trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế sẽ tạo động lực cho thành công mới của xuất khẩu nông sản trong năm 2022.
Lạc quan tốc độ tăng trưởng
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%.
Cũng trong 5 tháng đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: Cà phê đạt gần 2 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12,0%); cá tra đạt 1,2 triệu USD (tăng 91,2%), tôm đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 42,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%)…
Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Tiền Giang
Đáng chú ý, cá tra là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất khi trong 5 tháng qua đạt 1,2 tỷ USD, tăng 91,2% so với cùng kỳ năm trước. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Thị Tường Lan cho biết, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các DN chế biến trong nước cạnh tranh tốt và mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga.
Dự báo, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 – 25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đang phục hồi, tăng trưởng tốt, chủ yếu ở 4 nhóm gồm: Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), CPTPP (13%) và EU (6,6%).
Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường lớn nhất vẫn thuộc về Mỹ, đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 28,0% thị phần. Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 4,1 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm 20,8. Xếp ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD (chiếm 7,0%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ nhiều nhất (chiếm 43,8%). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD (chiếm 4,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44,2%.
Phân tích về thị trường xuất khẩu, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu.
Đơn cử như mặt hàng cao su, trong giai đoạn 2022 – 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt trong năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19. Còn theo các tham tán thương mại tại nhiều nước, thị trường, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trái cây tươi. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê, trái cây tươi Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan.
Hướng tới thị trường giá trị cao, khó tính
Mặc dù từ đầu năm đến nay xuất khẩu nông sản có được đà tăng trưởng tốt, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động này trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch Covid-19, lạm phát và đặc biệt là tình hình xung đột giữa Nga – Ukraine.
Đáng nói, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao… vẫn là những thách thức mà các DN xuất khẩu nông sản phải đối mặt trong năm 2022.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, cùng với việc chú trọng theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước trong điều kiện mới, Bộ NN&PTNT đang triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc.
“Bộ luôn sát sao chỉ đạo đơn vị chuyên môn tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, Mỹ. Riêng thị trường Trung Quốc với chính sách “Zero Covid”, thực tế vẫn có các lô hàng của DN Việt Nam bị cảnh báo liên quan tới Covid-19. Vì vậy, các DN cần đặc biệt lưu ý đến khâu bao gói, xếp hàng lên container… để đảm bảo trong kiểm soát dịch” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.
Xác định rõ việc kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch mà còn để mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở những thị trường mang lại giá trị cao, khó tính. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường cập nhật, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho DN, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu.
Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ không ngừng thúc đẩy các hoạt động mở cửa thị trường. Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ chuẩn bị nội dung làm việc song phương với cơ quan chức năng của các nước: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Đơn cử, trong tháng 6/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã thống nhất phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch Covid-19; tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.
Đưa ra giải pháp về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại số, Bộ tiếp tục hỗ trợ DN nói chung và DN xuất khẩu nông sản đẩy mạnh khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu; các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đặc biệt là chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông sản của Việt Nam vào những thị trường này. Ngoài ra, hai Bộ cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ DN vừa khai thác tốt thị trường truyền thống vừa tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông sản.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...