Ít ai biết, “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2024 – Thạc sĩ Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (Hà Nội), người tạo ra những giải pháp công nghệ làm thay đổi giá trị nông sản cho hàng vạn nông dân, lại có xuất phát điểm là một thủ khoa trường điện ảnh và một nhà thiết kế thời trang thành công.
Hành trình của Nhà khoa học của nhà nông Phạm Thị Lý là một chuỗi những “cú rẽ” ngoạn mục, được thúc đẩy bởi những lần “giác ngộ” sâu sắc, và giờ đây là khát vọng “đánh thức” những cánh rừng dược liệu quý của Việt Nam.

Sự hoảng loạn trên đỉnh thành công

Những năm cuối thập niên 80, cô sinh viên Phạm Thị Lý tốt nghiệp thủ khoa Trường Điện ảnh Việt Nam, chuyên ngành tuyên truyền với 2 cơ hội chọn lựa: Hoàn thiện hồ sơ ở lại trường làm trợ giảng hay đăng ký đi tu nghiệp ở nước ngoài. Thế nhưng, bà đã gác lại những ước mơ, sự nghiệp để gánh vác gia đình.

Với kiến thức mỹ thuật từ trường điện ảnh và nghề may gia truyền của bố mẹ, bà Lý nhanh chóng trở thành một nhà thiết kế thời trang có tiếng ở Hà Nội. Cơ sở thời trang của bà có thời điểm nuôi sống 21 người thợ.

Nhà khoa học của nhà nông -Thạc sĩ Phạm Thị Lý (giữa), Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (Hà Nội) kiểm tra những cây trà hoa vàng cổ thụ trồng sâu ở trong những cánh rừng tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hồng Liên.

Thành công trong sự nghiệp riêng và có một gia đình hạnh phúc, nhưng sâu thẳm bên trong, bà lại cảm thấy một nỗi sợ vô hình. “Bố mình vẫn bảo không ai được tất cả mọi mặt, mình lại thấy mình được rất nhiều… và mình bắt đầu lo xa lo gần rồi theo mọi người hay đi lễ gần lễ xa, tìm tới các cửa Chùa lễ Phật”- bà Lý bộc bạch.

Chính trong những ngày tháng đó lời dạy của người cha như một luồng sáng khai thông cho bà. Thấy con gái hướng thiện biết chăm chút công ăn việc làm cho thợ thuyền, chia sẻ với anh em gia đình nội ngoại, ông căn dặn: Muốn tích lũy “Công – Đức” con không phải đi cầu mà được, con cần nhớ: “Công” chính là công sức lao động để tạo ra một thành quả cụ thể, hữu hình. Còn “Đức” là sự tổng hòa của đức tin, uy tín và đức hạnh. Chỉ khi “Công” tạo ra giá trị và “Đức” để lại tiếng thơm, hai thứ đó cộng hưởng lại mới là di sản thực sự để lại cho đời.

Lời dạy của cha cùng với việc nhận ra mình chỉ đang mải mê vun đắp cho hạnh phúc gia đình riêng, bà Lý quyết định phải thay đổi. Bà “giác ngộ” ra rằng mình không thể ngủ yên trong “vỏ bọc hạnh phúc” mãi được.

Từ những cây trà hoa vàng Hakodae cổ thụ, bà Phạm Thị Lý đã phát triển thành công giống cây trồng trà hoa vàng mới mang tên Hakodae Orgavina. Ảnh: NVCC

Cú rẽ định mệnh và sáng chế từ lòng tự tôn dân tộc

Vốn có kiến thức về truyền thông, tại thời điểm quyết định thay đổi (năm 2010) bà quan tâm đến thương mại điện tử (TMĐT) khi TMĐT bắt đầu du nhập vào Việt Nam và đăng ký theo học ngành luật, sau đó là quản trị.

Năm 2013, bà thành lập Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) một tổ chức khoa học công nghệ thuộc Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và bắt đầu hoàn thiện những ý tưởng sáng tạo về việc thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin khắc phục được nhược điểm về niềm tin trong giao dịch thương mại điện tử.

Sau chặng đường loay hoay từ ý tưởng đến tìm đồng đội rồi thử nghiệm, thất bại, lại rút kinh nghiệm và thử nghiệm lại… xây đi đập lại tới 5 lần thì bà và cộng sự cũng hoàn thành được sáng chế đầu tiên của người Việt về một “Quy trình xác thực chống hàng giả”. Sáng chế đã được cấp Bằng độc quyền số 16036 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp tại Quyết định số 61711/QĐ – SHTT ngày 30.9.2016Tên thương mại của công nghệ sáng chế là công nghệ CheckVN.

Năm 2016, bà Lý vinh dự dẫn đầu đoàn đại biểu các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dự chương trình ngoại giao kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt Nam – Thái Lan.

Năm 2024, khi sản phẩm Trà hoa vàng Hakodae Orgavina của bà Phạm Thị Lý được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao

Chuyến đi này đã tác động rất nhiều đến các quyết định của bà về áp dụng công nghệ CheckVN hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nhập kinh tế.

Tại đây, bà nghe một công bố gây sốc: 8% GDP của Việt Nam đang chảy vào túi doanh nhân Thái Lan thông qua việc họ đã thâu tóm các hệ thống bán lẻ lớn. Cú sốc này, cùng với thực trạng hàng giả trà trộn khắp nơi, đã thôi thúc bà phải hành động. Bà Lý nhận ra, gốc rễ của vấn đề nằm ở việc không thể minh bạch thông tin sản phẩm.

Để có tiền đầu tư cho công nghệ bà đã bán đi căn nhà của gia đình tại địa chỉ 1084 Đê La Thành với giá gần 5 tỷ đồng vào năm 2015. Với nỗ lực vượt bậc của IDE và sự vào cuộc của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệ &PTNT Hà Nội, giai đoạn 2017 -2019, Công nghệ CheckVN nhanh chóng được hơn 3.000 doanh nghiệp trên 41 tỉnh, thành phố ứng dụng để bảo vệ thương hiệu cho hơn 11.000 sản phẩm, chủ yếu là nông sản.

Khi đi sâu vào truy xuất nguồn gốc, bà Lý có một phát hiện lớn lao: “Chỉ có rau, dưa, củ, quả của Việt Nam mình mới đang sản xuất thực sự, lĩnh vực nông nghiệp mới có chuỗi sản xuất từ trồng, sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Khi áp dụng công nghệ CheckVN, số hóa quá trình sản xuất nông nghiệp theo chuẩn, người ta có thể truy ngược lại từng khâu, từng bước, từng công đoạn trong chuỗi sản xuất”.

Bà Lý nhận ra nông nghiệp mới chính là thế mạnh cốt lõi, là “mỏ vàng” chưa được khai phá đúng mức của đất nước. Bà càng ngạc nhiên hơn khi biết các chế phẩm sinh học để sản xuất hữu cơ đều phải nhập khẩu với giá rất cao (tại thời điểm những năm 2016 và 2017).

Vận dụng kiến thức từ khoa học đến cả triết lý đạo Phật, bà cùng các nhà khoa học hàng đầu đã nghiên cứu và tạo ra một chế phẩm vi sinh hoàn toàn mới, giúp nông dân tự nhân sinh khối, hạ giá thành sản phẩm từ 400.000 – 800.000 đồng (sản phẩm nhập ngoại) xuống chỉ còn 15.000 đồng cho một lượng sử dụng tương đương.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm (thứ 2 bên phải) thăm mô hình trà hoa vàng của Thạc sĩ Phạm Thị Lý tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NVCC.

Khát vọng hồi sinh trà hoa vàng

Từ một người “ngoại đạo”, bà Lý đã dấn thân, đông hành cùng các nhà quản lý, giúp vải thiều Thanh Hà, bưởi Đan Phượng, trà xanh Võ Nhai… và nông dân nhiều vùng khác tăng giá trị nông sản gấp nhiều lần. Để thấu hiểu sâu sắc, bà Lý còn trực tiếp thành lập HTX, trở thành một người nông dân thực thụ để lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn mà nông dân phải đối mặt.

Nhưng không dừng lại ở đó, Thạc sĩ Phạm Thị Lý tiếp tục dấn thân vào một hành trình mới đầy tham vọng: Dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu Nam dược Nhất Dương Sinh. Bà đã chọn những vùng đất còn nhiều gian khó ở Thái Nguyên, Sóc Sơn… để khởi sự, với niềm tin “đánh thức” tiềm năng của rừng.

Cầm trên tay chén trà màu vàng hổ phách sóng sánh, hương thơm thoang thoảng, chúng tôi được bà Lý từ tốn giới thiệu: “Đây là trà hoa vàng, một trong những dược liệu quý nhất mà rừng xanh ban tặng cho chúng ta”.

Hành trình tìm hiểu của chúng tôi không chỉ dừng lại ở chén trà thơm. Bà Lý đã trực tiếp đưa chúng tôi lội bộ vào sâu trong những cánh rừng tại xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Tại đây, dưới những tán cây cổ thụ, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cây Trà hoa vàng hàng vài chục năm tuổi đang được bảo vệ, chăm sóc cẩn thận, vững chãi như một minh chứng sống cho một khát vọng lớn lao.

Theo y học, loài trà quý này là một kho tàng với hơn 400 hợp chất hóa học, có tác dụng phòng chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, mỡ máu và u bướu. Thế nhưng, một nghịch lý đau lòng là nó lại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị khai thác quá mức.

PGS.TS Trần Ninh và Thạc sĩ Phạm Thị Lý đã dành nhiều tâm huyết để khôi phục và bảo tồn nhiều loại trà hoa vàng bản địa quý hiếm. Ảnh: NVCC. 

Nỗi trăn trở này đã thôi thúc PGS.TS Trần Ninh dành trọn 30 năm tâm huyết để lặn lội khắp các cánh rừng Việt Nam, phát hiện và công bố 25 loài trà hoa vàng mới. Trong đó, khám phá quan trọng nhất là loài trà hoa vàng bản địa Hakodae Ninh tại Thái Nguyên, loài có dược tính cao và được ưa chuộng bậc nhất.

Nếu PGS.TS Trần Ninh là người đặt nền móng khoa học, thì bà Phạm Thị Lý Lý chính là người “đỡ đầu”, người kiến tạo và hiện thực hóa khát vọng bảo tồn trà hoa vàng bản địa Thái Nguyên – “Nữ hoàng trà Việt”.

Bà Lý đã khởi động dự án vào năm 2020 tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, với mục tiêu sưu tầm và bảo tồn tất cả 7 loài trà hoa vàng bản địa của tỉnh. Đến nay, hàng chục ngàn cây trà đã được trồng trên diện tích hơn 10ha.

Từ những cây trà hoa vàng Hakodae cổ thụ, bà Phạm Thị Lý đã phát triển thành công giống cây trồng trà hoa vàng mới mang tên Hakodae Orgavina. Thành quả ngọt ngào đã đến vào đầu năm 2024, khi sản phẩm trà hoa vàng Hakodae Orgavina được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, mở ra một chương phát triển mới đầy hứa hẹn.

Không chỉ có trà hoa vàng, trong quá trình này, “Nhà khoa học của nhà nông” cùng các cộng sự còn phát hiện, giải trình tự gen và xác lập bản đồ lục lạp cho loài dược liệu quý của Việt Nam – dược liệu Nhất Dương Sinh, được công nhận là một loài mới vào năm 2020; Cục Trồng trọt cấp Bằng bảo hộ độc quyền giống cây trồng mới năm 2022.

Trở lại với chén trà trên tay, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn câu chuyện đằng sau nó. Đó là hành trình nghiên cứu miệt mài của một vị Phó giáo sư một nhà giáo nhân dân, được tiếp nối bởi khát vọng và hành động quyết liệt của một “Nhà khoa học của nhà nông” Phạm Thị Lý. Họ, bằng tất cả tâm huyết, đang cùng nhau gìn giữ và đánh thức những báu vật của rừng xanh, để tinh hoa Nam dược Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn vươn xa, mang lại giá trị cho sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của quê hương.

Năm 2024, những đóng góp của bà Phạm Thị Lý đã được ghi nhận và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.

Nói về danh hiệu cao quý này, bà Lý xúc động chia sẻ: “Chị cũng khóc thầm đấy, bởi vì chị làm việc này chị không nghĩ đến những điều đó. Chưa bao giờ nghĩ rằng làm để ai ghi nhận mình…”.

Chia sẻ bài viết

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chống hàng giả: Giải pháp đột phá từ CheckVN
Xu hướng truy xuất nguồn gốc : AI đổi cuộc chơi cho SME cùng CheckVN

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan