Chè shan tuyết, mật ong, bò vàng… là những nông sản nổi tiếng của tỉnh Hà Giang và đang được tỉnh chú trọng đầu tư về khoa học công nghệ để bảo tồn, khai thác.

Năm 2022, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây chè shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh. Đề tài thực hiện điều tra và xác định được 100 cây chè cổ thụ đầu dòng. Qua đó, đến nay quần thể chè Tây Côn Lĩnh được công nhận quần thể di sản; xây dựng mô hình thâm canh, chăm sóc chè shan tuyết cổ thụ 5ha.

Chè shan tuyết hữu cơ là niềm tự hào của nông sản Hà Giang

Với vùng chè hữu cơ khổng lồ, Hà Giang cũng là địa phương có diện tích chè được công nhận cây di sản lớn nhất cả nước với hơn 1.600 cây. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm bảo tồn, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu của cây chè shan tuyết ở Hà Giang là việc được quan tâm đặc biệt trong mấy năm trở lại đây.

Ông Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Giang cho biết, qua dự án nghiên cứu, khai thác, bảo tồn giống chè shan tuyết, đã giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, bảo tồn và khai thác chè shan tuyết cổ thụ. Đồng hành với Sở KH-CN Hà Giang, ngành NN-PTNT Hà Giang luôn hỗ trợ thực hiện dự án với mục tiêu cao nhất là bám sát nhu cầu thực tiễn của địa phương, nâng cao nhận thức của người dân và nâng tầm giá trị của cây chè shan tuyết.

Bên cạnh cây chè shan tuyết, bò vàng cũng là giống đặc sản bản địa của tỉnh Hà Giang. Nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển giống bò vàng địa phương, từ tháng 7/2019 đến nay, tỉnh Hà Giang đã triển khai dự án Ứng dụng công nghệ sinh sản xây dựng mô hình phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang.

Quá trình thực hiện dự án, đã sản xuất được 46.800 liều tinh, cung ứng cho 4 huyện vùng cao nguyên đá. Qua đó, dự án đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 400 con bò cái bằng tinh nhân tạo tự sản xuất, 100% số bò có chửa và sinh được 375 con.

Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp nâng cao thể trạng, tầm vóc của giống bò vàng ở Hà Giang

Anh Vàng Mí Và, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cho biết, gia đình anh chăn nuôi bò vàng bản địa nhiều năm nay. Cũng như người dân địa phương trước đây, việc khai thác đàn bò vàng còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nên nảy sinh nhiều bất cập, không phát huy hết giá trị. Việc bán hoặc giết thịt một số lượng lớn bò giống tốt đã gây suy thoái chất lượng đàn bò. Từ khi anh tham gia mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái giống của gia đình, đàn bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn khoảng 20 – 25% so với phương pháp truyền thống trước đây tại địa phương.

Để nông sản Hà Giang có thể tiếp cận được với những thị trường khó tính và nâng cao giá trị, trong niên vụ 2021 – 2022, tỉnh Hà Giang đã cấp 4,8 triệu tem truy xuất cho sản phẩm cam; tạo 27 mã QR code cho sản phẩm cam, mật ong, thảo quả, cơm cháy, chè, gà đen, thịt lợn treo, củ cải sấy cho 17 HTX, hộ sản xuất..

Ngành KH-CN tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 11 lớp tập huấn duy trì và đánh giá nội bộ quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các đơn vị áp dụng trên địa bàn tỉnh; thẩm định, cấp gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm mật ong bạc hà…

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Trở ngại lớn nhất của nông sản hữu cơ là giá thành
Xuất khẩu thuỷ sản 9 tháng đầu năm đạt 85% kế hoạch 2022

Bài viết mới nhất