Giá phân bón hóa học tăng quá cao nên phong trào tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp ủ phân hữu cơ đang lan rộng, đi vào ý thức của từng nông dân.

Tiết kiệm ít nhất 1/3 chi phí phân bón

Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm nông sản hữu cơ, Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS FIVE A (làng Dur, xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) đã theo đuổi sản xuất nông nghiệp an toàn được hơn 4 năm. Diện tích trang trại có hơn 28,5 ha với ba dòng sản phẩm chính là bơ HASS, sầu riêng và nấm linh chi. Toàn bộ các sản phẩm của nông trại Five A được sản xuất theo tiêu chuẩn Organic – hữu cơ toàn diện, không dùng chất hoá học.

Sản phẩm nấm linh chi của Công ty VOS FIVE A với quy trình sản xuất hữu cơ

Ông Trương Văn Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS FIVE A cho biết, toàn bộ nông trại dùng phân hữu cơ Komix Thiên Sinh từ nguồn tự nhiên (phân chuồng tổng hợp, than bùn, bánh dầu) đã qua xử lý bằng công nghệ vi sinh để cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Ngoài ra, trang trại cũng tận dụng toàn bộ cỏ tự nhiên cắt phơi tại chỗ để tạo cho đất có độ ẩm, xốp và nhiều vi sinh vật có lợi cho cây trồng.

“Chính bởi sử dụng phân hữu cơ nên sản phẩm của Công ty được xuất khẩu thẳng vào thị trường Nhật, Singapore, Ấn Độ, Mỹ và một số nước châu Âu. Lợi thế nữa của sản phẩm chúng tôi là có nguồn gốc rõ ràng và chi tiết, đối tác kiểm tra trực tiếp tại nơi sản xuất. Vì vậy, hàng khi xuất khẩu luôn đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu và được thông quan nhanh”, ông Công chia sẻ.

Ông Công cũng cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ tiết kiệm chi phí đến 1/3 so với sản xuất có sử dụng phân hoá học. Hơn nữa, sản phẩm đạt chuẩn Organic được khách hàng lựa chọn và bán giá cao gấp nhiều lần.

Cũng trong định hướng sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, HTX Thương mại và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đăk Đoa) thời gian qua đã đẩy mạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các thành viên về sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất.

Đầu tháng 5 hàng năm là giai đoạn chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, cũng là thời điểm thích hợp cho việc bón phân cho cây trồng. Vì vậy, thời điểm này HTX đang bước vào giai đoạn sản xuất phân bón hữu cơ để tăng cường bón cho cây trồng. Hơn 200 khối phân hữu cơ được sản xuất ra đợt đầu tiên đã đến tay các thành viên.

Vườn tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ sinh thái của thành viên HTX Nam Yang.

Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HĐQT HTX Thương mại và Dịch vụ Nam Yang cho biết, hiện tại đơn vị có trên 80 ha hồ tiêu và 130 ha cà phê giai đoạn kinh doanh, chi phí về phân bón mỗi năm trên dưới 60 tấn. Nếu tính theo giá phân bón hóa học hiện tại thì chi phí lên tới trên 1 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cách đây 2 năm. Chính vì vậy, đơn vị đã liên hệ với chuyên gia nông nghiệp từ TP.HCM về hỗ trợ ủ phân hữu cơ từ phân chuồng, vỏ cà phê, tro trấu và các phụ phẩm được thải ra từ nhà máy chế biến tiêu sọ và cà phê nhân của HTX.

“Trước đây, chúng tôi đã từng làm phân bón hữu cơ, nhưng ở quy mô nông hộ. Xét thấy nhu cầu và phụ phẩm nông nghiệp đang thừa thãi và rẻ nên đây là năm đầu tiên HTX đưa vào sản xuất theo quy trình chuẩn hơn để triển khai rộng rãi cho bà con. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tăng cường bồi bổ cho cây trồng lượng đạm hữu cơ, xác bã thực vật, tạo độ mùn cho đất. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nuôi lại dần hệ vi sinh cho đất, nuôi lại hệ thống vi sinh kháng sâu bệnh tự nhiên, không phải phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật”.

Chính bởi “nói không” với phân hoá học và thuốc BVTV độc hại, nhiều sản phẩm của HTX Nam Yang đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch vào thị trường Mỹ, châu Âu.

Phong trào ủ phân hữu cơ lan tỏa từng nông hộ

Câu chuyện sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai như một làn gió mới. Từ khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tới địa phương làm nông nghiệp hữu cơ, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con nông dân thấy vậy cũng bắt đầu học theo mô hình và đã đem lại những kết quả khả quan.

Phân chuồng đang được nhiều người dân huyện Mang Yang  chú trọng tự ủ để sử dụng.

Thăm quan mô hình tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ sử dụng phân bón hữu cơ của gia đình chị Hoàng Thị Trúc (xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang), chúng tôi ngỡ ngàng với lượng phân của 50 con bò thải ra mỗi tháng. Chị Trúc cho biết, trước đây, phân bò chu yếu được gia đình bán tươi. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, học theo bà con trong thôn, phân bò được ủ cùng vỏ cà phê, trấu rồi bón cho vườn cà phê rất hiệu quả.

Theo chị Trúc, trước đây khi chỉ bón phân hóa học, vườn cà phê của gia đình thường phải mất tổng số tiền trên dưới 70 triệu đồng. Nhưng nhờ tự ủ được phân chuồng, chi phí phân bón cho cà phê nay đã cắt giảm chỉ còn 1/3, tiết kiệm được gần 50 triệu đồng.Quan trọng hơn, năng suất cà phê không giảm, chất dinh dưỡng trong đất lại dần được cải thiện.

Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Chủ tịch UBND xã Đăk Jrăng (huyện Mang Yang) cho biết, địa phương có khoảng 18.000 ha cây trồng các loại và tổng đàn gia súc trên 2.000 con. Việc giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học là nội dung quan trọng trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo đó, nhiều năm nay, xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, khuyến khích bà con nông hộ tự làm phân hữu cơ từ các nguyên liệu sẵn có trong chăn nuôi và trồng trọt như: Phân trâu, bò, ngựa, heo kết hợp với vỏ cà phê, tro trấu, hoặc những thực vật có sẵn ở Tây Nguyên như cây dã quỳ trộn cùng men vi sinh.

Từ việc vỏ cà phê và nhiều phụ phẩm nông nghiệp bị vứt bỏ gây ô nhiễm, hiện nay các đơn vị,

doanh nghiệp và cả nông dân ở Gia Lai đã tận dụng thu gom để sản xuất phân hữu cơ.

Sau quá trình ủ men, các phế phụ phẩm nông nghiệp này sẽ bị phân huỷ, trở thành chất có lợi cho cây trồng, đồng thời sâu bệnh hại cũng bị tiêu diệt. Theo ông Điệp, thực tế tại địa phương cho thấy, chi phí để làm 1 tấn phân hữu cơ chưa tới 2 triệu đồng, rẻ chỉ bằng 1/10 so với mua 1 tấn phân hoá học hiện nay.

“Những nhà có 5 đến 7 con bò, bà con, đặc biệt phần lớn người dân tộc thiểu số đã biết tận dụng phân của đàn bò, tận dụng vỏ cà phê, trấu, có người đi phát thêm cỏ bỏ vào để làm phân hữu cơ, giảm sử dụng phân hoá học. Hiện 8 thôn làng trên địa bàn xã đã áp dụng mô hình này, tự ủ phân hữu cơ để chăm bón cho cây trồng trong vườn nhà”, ông Điệp nói và cho biết, xã đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đi tham gia mô hình vườn cây của người dân, cho thấy đại đa số phát triển tốt.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

 

Chia sẻ bài viết

Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh 'bão giá'
Cam Hàm Yên mất mùa nhưng không mất giá

Bài viết mới nhất