Trước thực trạng quyền và lợi ích của người tiêu dùng bị vi phạm thông qua giao dịch thương mại điện tử và những bài học thực tiễn của bản thân về câu chuyện niềm tin trong thương mại điện tử, người phụ nữ nhỏ bé ấy – Th.S Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển – đã bỏ ra nhiều năm suy nghĩ, tìm hiểu và học hỏi, rồi thực hiện thành công ước muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đồng nghiệp, cũng như quyền lợi của chính người tiêu dùng sản phẩm. Và chị đã chia sẻ những điều tâm huyết của mình với SK&MT về lĩnh vực Sở hữu trí tuệ.


Th.S Phạm Thị Lý

*Tại hội thảo về Sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc gia, tôi thấy chị rất say sưa với vấn đề này? Chị có thể cho biết lý do vì sao? Cơ duyên nào đã đưa chị đến với SHTT?

*Th.S Phạm Thị Lý: Năm 2010 tôi bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về thương mại điện tử (TMĐT) và những tác động tích cực của loại hình này với đời sống xã hội. Tôi thấy TMĐT kết nối trên diện rộng rất hữu ích và đem lại lợi ích cho cả người bán và người mua. Nhưng điều làm tôi băn khoăn đó là điều gì đảm bảo được quyền lợi cho người mua từ các giao dịch TMĐT? Làm sao để khẳng định niềm tin với khách hàng và bảo vệ quyền lợi khách hàng qua giao dịch TMĐT

Năm 2011 tôi đã bắt đầu thành lập công ty và thiết lập một trang TMĐT với tên miền baotinland.vn để đăng thông tin kết nối người mua và người bán bất động sản với slogan “Kết nối thành công”. Sau đó tôi và cộng sự đã không thành công với các mô hình hệ thống thông tin điện tử kết nối qua internet với nhiều nguyên nhân (bao gồm cả nguyên nhân để mất ý tưởng) qua các tên miền Shopingpro.vn, ketnoikinhdoanh.vn, vntime.vn

Năm 2013, tôi sáng lập Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển – một đơn vị trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để tiếp tục ý tưởng “kết nối thành công” của mình với tầm nhìn rộng hơn về sản phẩm hàng hóa của người Việt trong hội nhập. Để đảm bảo thành công cho một hệ thống kết nối thông tin với nhiều đặc điểm nổi trội và đặc biệt là ý tưởng kết nối có sự tham gia của cộng đồng, chống lại sự giả mạo thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của nhà sản xuất. Xa hơn là tạo ra một hàng rào kỹ thuật kết nối chặt chẽ người sản xuất, người tiêu dùng và nhà quản lý để bảo vệ thị trường nội địa trước sự sâm lấn của hàng ngoại trong bối cảnh VN đã ký các hiệp định thương mại tự do. Tôi đã đăng ký SHTT cho sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” (Tên thương mại là công nghệ CheckVN). Từ sáng chế này, tôi và cộng sự đã được bảo hộ một quy trình từ cập nhật thông tin, lưu giữ thông tin, bảo mật thông tin, kết nối thông tin và xác thực chống giả thông tin; một thuật toán định danh duy nhất cho từng sản phẩm; các thiết bị kết nối để xác thực chống giả…Hiện công nghệ đang được nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Đăk Nông, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình…áp dụng xây dựng Hệ thống TXNG cấp tỉnh. Bộ Nông nghiệp và PTNT áp dụng CheckVN xây dựng Hệ thống TXNG cho toàn ngành Nông nghiệp; Tập đoàn Điện lực EVN áp dụng xây dựng bộ mã định danh quản trị tài sản và khách hàng trong toàn ngành. Nhiều tập đoàn lớn như Dầu nhờn Petrolimex, Việt Tiệp, Xuân Hòa, Hiệp Hội Mía Đường, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ…đã áp dụng CheckVN thành công vào quản trị, kết nối cung cầu, chống giả…

CheckVN đã được Bộ KHCNN, Tổng cục cCanhr sát hình sự và Viện KHKT Hình sự Bộ Công an đánh giá, giám định và thẩm định về độ bảo mật, chống giả, an ninh TMĐT và Logistics.

Lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và DN KHCN – Bộ KHCN và lãnh đạo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp – Bộ NNPTNT thăm xưởng in tem chống giả CheckVN

*Tại doanh nghiệp của chị, vấn đề SHTT đã được quan tâm như thế nào? Lợi ích của việc đăng ký SHTT đối với các sản phẩm của Công ty thể hiện ở chỗ nào?

* Th.S Phạm Thị Lý:

Tại Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển cũng như các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái của chúng tôi, SHTT và đổi mới sáng tạo được ưu tiên hàng đầu trong mỗi phương án kinh doanh mới. SHTT với chúng tôi là bùa hộ mệnh chống lại cạnh tranh không lành mạnh, khẳng định uy tín, thương hiệu, khả năng lao động, trí tuệ và sự nghiêm túc của chúng tôi.

Ví dụ: Với nền tảng công nghệ CheckVN, khi áp dụng vào thực tiễn chúng tôi xác lập được 2 bản quyền công nghệ:

Một là sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”, Bằng độc quyền sáng chế số 16036 do Cục SHTT cấp theo Quyết định số: 61711/QĐ-SHTT, ngày:30/9/2016. Trong đó chúng tôi được bảo hộ 4 điểm trong sáng chế của mình cho một quy trình xác thực chống lại sự làm giả thông tin với thuật toán bảo mật định danh duy nhất cho từng sản phẩm.

Hai là Giải pháp hữu ích “Hệ thống quản lý và theo dõi thông tin nguồn gốc thực phẩm ở cấp độ nhà quản lý và người dùng”, Bằng độc quyền GPHI số 3341, Cục SHTT cấp theo Quyết định số: 61655/QĐ-SHTT.ip, ngày 15/8/2023. Ở giải pháp hữu ích này chúng tôi được bảo hộ cho một hệ thống công nghệ bao gồm nhiều môđun với các chức năng khác nhau đảm bảo quản lý và theo được thông tin nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng xác lập bản quyền tác giả cho logo THV (Tự hào thương hiệu hàng hóa Việt Nam) cho nhận diện con tem chống giả và bản quyền nhãn hiệu nhận diện công nghệ CheckVN.

Nhờ nghiêm túc, bài bản trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, tới thời điểm hiện tại CheckVN đã được áp dụng xây dựng nền tảng quản lý cơ sở dữ liệu nguồn cung và hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. CheckVN cũng được áp dụng xây dựng hệ thống TXNG của Hà Nội, Quảng Ninh, Cần Thơ, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đăk Nông, Vĩnh Long và nhiều địa phương trên cả nước. Hiệp hội Mía Đường, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam là các tổ chức đã áp dụng CheckVN xây dựng hệ thống TXNG, chống giả và bảo vệ thương hiệu dùng chung cho tổ chức mình. Các tập đoàn, thương hiệu lớn như Dầu nhờn Petrolimex, Xuân Hòa, Việt Tiệp, EVN, CP Hà Nội… đã áp dụng thành công CheckVN vào hoạt động quản lý tài sản, quản trị dòng hàng, điều nghiên thị trường, chống giả, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi khách hàng.

CheckVN là nền tảng công nghệ không chỉ được bảo hộ bản quyền công nghệ mà còn được đánh giá, giám định về an toàn thông tin, bảo mật chống giả, TXNG bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Cảnh sát Hình sự và Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự (C54) – Bộ Công an từ trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai thí điểm ứng dụng ban đầu.

CheckVN đồng hành bảo vệ thương hiệu vải thiểu Thanh Hà

Mô hình vườn ươm cây Nhất Huyết Mộc dưới tán cây ăn quả tại Tiên Dương, Đông Anh, HN

*Mới đây, tại hội thảo về Tinh dầu lần đầu tiên được tổ chức tại Cục Thông tin KHCN, chị đã có tham luận về “Đa dạng hệ sinh thái rừng quế”, chị có thể cho biết rõ hơn về điều này? Chị có định đăng ký SHTT đối với công trình này không? Tại sao?

*Th.S Phạm Thị Lý:

Đa dạng sinh thái rừng quế là một cách làm hay, nâng giá trị kinh tế cho người trồng quế. Tôi phát hiện điều này từ chính quá trình bảo tồn và phát triển cây Nhất Dương Sinh trong khu bảo tồn của tôi.

Để thực hiện giải pháp này đơn giản và không khó khăn, các yếu tố tính mới, tính sáng tạo để đảm bảo được bảo hộ sáng chế hay GPHI không cao. Nếu muốn có thể viết một bài viết theo dạng tài liệu hướng dẫn hoặc bài báo gửi đăng ký bản quyền tác giả tác phẩm tại Cục Bản quyền tác giả tác phẩm. Tuy nhiên tôi chưa có ý định đăng ký SHTT cho giải pháp đa dạng sinh thái rừng quế mà muốn cống hiến và chia sẻ ý tưởng đó cho cộng đồng, chỉ mong sao người trồng quế có thêm thu nhập là rất vui rồi. Đặc biệt việc chia sẻ trong hội nghị khoa học vừa qua, tự tôi đã đánh mất tính mới của giải pháp, đây là một trong những điều cần cân nhắc khi muốn đăng ký SHTT và cũng là điểm sơ hở của chính các tác giả thường hay gặp phải.

*Trân trọng cảm ơn chị và chúc Trung tâm của chị tiếp tục thành công trong hành trình sáng tạo mới.

Chia sẻ bài viết

CheckVN giải Pháp truy xuất nguồn gốc cho Sản Phẩm xuất đi Trung Quốc tuân thủ Thông Tư 02/2024/TT-BKHCN.
Hội nghị tập huấn Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Bài viết mới nhất