Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khai thác giá trị cây sen Đồng Tháp chỉ đơn thuần về kinh tế, mà còn các giá trị sâu hơn về văn hóa, tinh thần…

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chế biến sâu và giải pháp phát triển giá trị sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp”. Tham gia hội thảo có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trồng sen trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) phát biểu tại hội thảo.

Sen là biểu tượng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp và là 1 trong 6 sản phẩm chủ lực được tỉnh chọn tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, cùng với việc nâng cao hình ảnh sen, những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để nâng tầm giá trị cho cây sen, tuy nhiên hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm sen của tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Hạn chế về công nghệ, quy mô, chất lượng, sự liên kết chưa bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân khiến hiệu quả kinh tế sản phẩm sen mang lại chưa như mong đợi. Về mặt sản phẩm, hiện sen chỉ được khai thác ở khía cạnh thực phẩm, trong khi các lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch mang lại giá trị rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cây sen không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế mà rộng hơn, sâu hơn còn có các giá trị về văn hoá, giá trị vô hình để làm nền cho các giá trị hữu hình về kinh tế. Theo Bộ trưởng, nếu nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân biết viết tiếp “giấc mơ sen” một cách sâu hơn, sẽ tạo ra giá trị khác cho mặt hàng sen.

“Tôi biết mỗi người dân Đồng Tháp đều có một tình yêu đặc biệt đối với sen, nhưng để biến “giấc mơ sen” thành hiện thực, chúng ta hãy yêu say mê hơn nữa, vì khi có tình yêu thật sự, chúng ta sẽ có cách xây dựng, tạo ra giá trị mới cho sen. Khi đó, câu chuyện về sen sẽ nghĩ theo một hướng cao hơn, đó là chúng ta bán sen là bán giá trị tinh thần chứ không đơn thuần là bán sản phẩm” Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi gắm.

Nông dân huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thu hoạch sen.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được gợi mở để nâng cao giá trị mặt hàng sen như: Các giải pháp định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong các sản phẩm chế biến từ cây sen để ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, cây sen còn được định hướng nghiên cứu, chiết xuất tinh chất và ứng dụng trong ngành mỹ phẩm. Đồng thời, cập nhật xu hướng chế biến thực phẩm của thế giới để mở thêm hướng đi cho việc phát triển sản phẩm sen…

Trước đây, sen chỉ để ngắm khi còn rực rỡ trên đồng. Nông dân trồng sen chỉ sống nhờ thu hoạch gương sen, ngó sen, củ sen.

Theo thời gian, giờ đây sen trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo ra nhiều sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, sữa sen, son sen, thảo dược từ sen, quà tặng… Cũng từ đó, nhiều sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp từ sen ra đời, mang lại giá trị kinh tế cho Đồng Tháp. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp về sen gắn với phát triển du lịch cũng đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân… Rũ bùn vươn lên, sen lại càng gắn bó nhiều hơn trong đời sống của người dân Đồng Tháp.

Những bức tranh làm từ lá sen khô do nghệ nhân Bảy Nghĩa (quê ở Đồng Tháp) làm, giờ đây đã có mặt ở các quốc gia trên thế giới như: Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Với nghệ nhân Bảy Nghĩa, ông luôn tỉ mỉ, tạo cái hồn cho mỗi bức tranh từ lá sen khô với hi vọng qua những bức tranh này, nhiều người sẽ biết đến xứ sở Đất Sen Hồng

Từ hoa sen, lá sen, gương sen vốn quen thuộc nay trở thành những

sản phẩm thông dụng, độc đáo mang đậm chất Việt Nam

Anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Khởi Minh Thành Công ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết: Với khát khao “đem hồ sen đi khắp thế gian”, anh đã dần mang sản phẩm chất lượng làm từ sen chinh phục thế giới.

Từ hoa sen, lá sen, gương sen vốn quen thuộc, nay trở thành những sản phẩm thông dụng, độc đáo mang đậm chất Việt Nam. Và ý tưởng “đem hồ sen đi khắp thế gian” ấy chắc chắn sẽ từng bước trở thành hiện thực qua những lần sản phẩm sen được giới thiệu ở các quốc gia. Và còn rất nhiều những sản phẩm chế biến từ sen khác đã và đang được xuất khẩu, góp phần mang lại giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập của người dân, đồng thời quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Người tiên phong trồng mãng cầu Thái ở Ninh Thuận
Vùng chè shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ

Bài viết mới nhất