Sáng ngày 09/12, văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội và UBND huyện Đông Anh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đông Anh năm 2022

Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Đông Anh (Hà Nội) đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tạo sức lan tỏa, khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường cả nước và có mặt tại nhiều thị trường nước ngoài.

Các thành viên trong Hội đồng Thành phố, cấp huyện và đại diện Đơn vị tư vấn cùng tham quan và đánh giá các sản phẩm tham dự chương trình OCOP. Ảnh: CheckVN

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của UBND TP Hà Nội. Năm 2022, Hội đồng OCOP Thành phố Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng 40 sản phẩm thuộc 12 chủ thể huyện Đông Anh vào ngày 09/12/2022.

Các sản phẩm dự thi chương trình OCOP năm nay chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm rau quả và thực phầm tươi sống; Rau quả và thực phẩm đã chế biến; Nhóm đồ thủ công mỹ nghệ. Đây đều là các nhóm sản phẩm thế mạnh của huyện Đông Anh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của huyện Đông Anh và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chủ thể trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về Chương trình OCOP năm 2022.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn phát biểu.

Năm 2022, thành phố Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Cũng theo ông Ngọ Văn Ngôn, năm 2022, thành phố Hà Nội chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của làng nghề, đặc sản vùng miền. Cùng với phát triển về số lượng, dự kiến thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát sau đánh giá nhằm kịp thời chấn chỉnh thiếu sót của các chủ thể, đưa Chương trình OCOP đi vào hiệu quả, thực chất.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết: “Qua nhiều năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo được động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế về tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chương trình, sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận”.

Tại huyện Đông Anh, Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau sạch Đông Anh và Hợp tác xã Ba Chữ là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất thực phẩm sạch. Với mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm rau sạch, hai đơn vị đều sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh trong quá trình sản xuất và luôn đảm bảo tạo ra những sản phẩm rau tươi ngon và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP của Hợp tác xã Rau sạch Đông Anh.

Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ cùng các sản phẩm tiêu biểu của đơn vị. Ảnh: CheckVN

Các sản phẩn rau quả và thực phẩm chế biến bao gồm các đơn vị Bò khô Kim Ngân, Cơ sở sản xuất thực phẩm Tuấn Anh Food, HTX Nông nghiệp Dược liệu Công nghệ cao KOVI, Cơ sở sản xuất Chay Chúc Hạnh, HTX Dịch vụ Nông nghiệp thôn Đoài ( xã Việt Hùng), Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng. Các sản phẩm chế biến cũng là một trong những thế mạnh đặc trưng để phát triển kinh tế  của huyện Đông Anh.

Anh Ngô Quốc Hưng_Giám đốc HTX NN Dược liệu Công nghệ cao KOVI. Ảnh: CheckVN

Đơn vị Hộ kinh doanh Tuấn Khanh cùng các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng

Đặc biệt, khi nhắc đến làng nghề mộc truyền thống ở huyện Đông Anh, chắc hẳn ai cũng nói ngay đến làng nghề Thiết Úng thuộc thôn Thiết Úng, xã Vân Hà. Khác với những làng nghề gỗ khác, Thiết Úng được xem là một trong những cái nôi của chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng. Trải qua gần 400 năm, nghề mộc không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến nay làng nghề vẫn được các nghệ nhân gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ về sau. Năm 2022, các sản phẩm chạm khắc gỗ tham gia chương trình OCOP với các sản phẩm nổi bật như Song ngưu sinh tài, Tượng phật Đại thế chí Bồ tát, Cá chép hóa rồng, Voi mẹ con, Sen ếch, Lá sen thu, Chóe nước, Bộ chú tiểu Cầm kỳ thi họa, Tháp trầm liên hoa đài,….

Một số sản phẩm đánh giá, phân hạng tại hội nghị. Ảnh: CheckVN

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng OCOP thành phố, Tổ tư vấn, giúp việc Hội đồng OCOP thành phố đã đánh giá từng sản phẩm theo các tiêu chí cụ thể. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng đối với các sản phẩm dự thi thuộc nhóm nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống để xét nghiệm đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có thể thấy, qua 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năm của địa phương. Chương trình khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển sản phẩm hàng hoá theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy lợi thế từ các làng nghề truyền thống.

CHECKVN – NỀN TẢNG SỐ – PHÁT MINH CỦA NGƯỜI VIỆT

Chia sẻ bài viết

Gắn sao OCOP cho nông đặc sản
Japfa Việt Nam đưa vào vận hành nhà máy ấp trứng gia cầm tại Đắk Lắk

Bài viết mới nhất