Được chứng kiến cách làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, tiết kiệm chi phí khi còn ở Cộng hòa Séc, chị Hoan đã quyết về quê lập nghiệp bằng chính mô hình này.

Ấp ủ cách làm ở xứ người

Sau hơn 20 năm bôn ba xứ người, chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương, Thanh Hóa) mang theo dự định xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn cho riêng mình và về nước lập nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hoan, thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương, Thanh Hóa),

người tiên phong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn ở địa phương

Chị Hoan chia sẻ: Trong thời gian sinh sống tại Cộng hòa Séc, được tận mắt chứng kiến cách làm, thụ hưởng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, đã dấy lên trong chị suy nghĩ “tại sao mình không học hỏi, đưa cách làm nông nghiệp của họ về quê hương, vừa tạo được sản phẩm khác biệt trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm lúc bấy giờ đang rất nhức nhối, vừa tạo điều kiện cho những người thân của mình được sử dụng những sản phẩm chất lượng, an toàn”.

Năm 2015, vợ chồng chị về nước, kết hợp cùng một số người bạn đầu tư xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp tổng hợp trên cánh đồng trũng, người dân để hoang hóa tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương). Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, sự khác nhau về tư duy, định hướng không làm cho chị thỏa được ước mơ ấp ủ bấy lâu nay.

Đến năm 2019, chị quyết định tách ra làm riêng, tự xây dựng cho mình một trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Với kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được, chị đấu thầu diện tích gần 2ha, đầu tư gần 3 tỷ đồng cải tạo đường giao thông; xây mới chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, ốc, cá, giun quế; lắp đặt 8.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới để sản xuất dưa lưới và các loại rau ăn lá, rau gia vị.

Chị Hoan đầu tư xây dựng 500m2 chuồng nuôi giun quế để làm phân bón

cho cây trồng, thức ăn cho chăn nuôi

Tiết kiệm 60% chi phí phân bón

Theo chị Hoan, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học về lâu dài không những làm tăng chi phí sản xuất mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gây nên hiện tượng chai đất, ô nhiễm môi trường… Do đó, để tạo ra sản phẩm chất lượng, tất cả các yếu tố trong quá trình canh tác đều phải được kiểm soát chặt chẽ.

Về đất trồng, đối với dưa lưới, trước khi đóng giá thể, đất được bổ sung phân giun quế, mùn cưa, men vi sinh, phơi kỹ lưỡng… Đối với vườn rau, đất được cày, phơi ải, diệt khuẩn, bón bổ sung phân đã ủ hoai mục, phân giun quế cho tơi xốp rồi mới tiến hành xuống giống.

Về nước tưới, chị khoan giếng với độ sâu hơn 100m, bơm qua hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất rồi mới đưa vào hệ thống tưới tự động cho cây.

Để tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, trang trại của chị Hoan

sử dụng thuốc BVTV sinh học, nhổ cỏ bằng tay

Về phân bón, trang trại sử dụng toàn bộ bằng phân giun quế và phân bón hữu cơ. Ngoài ra, chị tận dụng, thu mua chuối, đu đủ chín ngâm ủ với men vi sinh thành dịch để tạo kali tự nhiên bón cho cây trồng.

“Phương pháp nuôi giun quế làm phân bón chị phải lên tận Phú Thọ để học. Cái hay của giun quế là sức ăn càng nhiều thì lượng phân tạo ra càng lớn. Chỉ với 500m2 nhà nuôi giun quế, trung bình mỗi năm trang trại của chị thu được tới khoảng 30 tấn phân, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 60% chi phí so với việc sử dụng toàn bộ bằng phân bón hóa học”, chị Hoan chia sẻ.

Để phòng chống sâu bệnh gây hại, chị sử dụng các loại bẫy, thuốc BVTV sinh học để phun cho cây.

Vòng tuần hoàn khép kín

Chị Hoan cho biết: Để tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo vệ môi trường xung quanh và tiết kiệm chi phí sản xuất, chị đã xây dựng trang trại theo hướng tuần hoàn khép kín. Các chất thải, phế phụ phẩm của trồng trọt sẽ được tận dụng triệt để để làm nguyên liệu cho chăn nuôi và ngược lại.

“Phân thải từ chăn nuôi lợn, gà, được đẩy xuống bể, ủ hoai mục cùng với men vi sinh dùng làm thức ăn cho giun quế và bón cho cây ăn quả, ngô… Phân của giun quế; thân giun (ngâm làm dịch giun) sử dụng bón cho dưa lưới, rau, làm thức ăn cho gà; rau, củ, quả loại, ngô, lúa được tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi…, cứ như vậy tạo thành một vòng tròn khép kín, không có chất thải ra ngoài môi trường”, chị Hoan cho hay.

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, các sản phẩm của

trang trại luôn trong tình trạng “cháy hàng”

Cũng theo chị Hoan, nhờ cách làm này mà các sản phẩm của trang trại từ chỗ ít người biết đến, hiện tại luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì lượng đặt mua không ngừng tăng lên. Theo thống kê, trung bình 1 năm trang trại của chị xuất bán ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ các loại; hơn 20 tấn dưa vàng; 20 tấn lợn thịt; 6 tấn gia cầm, ốc giống hàng vạn con… Doanh thu trung bình của trang trại đạt gần 3 tỷ đồng/năm (chưa trừ chi phí); tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 6 lao động thời vụ.

Đặc biệt, năm 2020, trang trại của chị được cấp chứng nhận VietGAP. Năm 2021, sản phẩm dưa kim hoàng hậu của trang trại được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Luân canh màu trên đất lúa, thu nhập tăng gấp đôi
Ngỡ ngàng mô hình nông nghiệp xanh xứ Lạng

Bài viết mới nhất