Kể từ đầu tháng 7 cho đến nay, giá lợn hơi cả nước tăng dần từng ngày và dần đuổi kịp giá thức ăn chăn nuôi cùng những chi phí chăn nuôi khác trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua khảo sát các vùng chăn nuôi trọng điểm, người nuôi lợn vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn lợn hoặc đầu tư thêm, bởi hầu hết đều lo ngại trước biến động giá.

Nỗi lo hụt vốn

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần, tương đương tăng khoảng 35%. Các chi phí đầu vào khác như con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc thú y, sát trùng, chi phí vận chuyển… đều tăng khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, trong suốt 6 tháng qua, giá lợn hơi không có chuyển biến lớn, chính vì vậy, có nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang các loại đối tượng nuôi khác hoặc giảm đàn, thậm chí treo chuồng.

Tuy nhiên, giá lợn hơi biến động bất ngờ trong 10 ngày qua và được dự báo có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg là sự phấn khởi cho người chăn nuôi lợn. Mặc dù vậy, diễn biến giá cả thị trường hiện nay là điều rất khó đoán, người nuôi lợn cũng không chắc chắn có thể trụ được lâu dài nếu tái đàn như trước.

Ông Trương Chí Nguyện, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ trước đây, lúc nào chuồng nhà ông cũng có từ 60 đến 70 con lợn thịt, nhưng nhiều tháng nay chỉ duy trì từ 30 đến 40 con cho an toàn. khoảng 1 năm nay, gia đình ông không dám nuôi nhiều lợn như trước đây.

Nguyên nhân giá lợn thời gian qua luôn ở mức khá thấp và thường sụt giảm khi cung vượt cầu. Thêm vào đó, giá thức ăn và thuốc thú y từ giữa năm 2021 đến nay không ngừng tăng đội chi phí đầu vào gần gấp đôi so với thời điểm trước đó. Giá 1 bao thức ăn giờ gần gấp đôi so với năm trước.

Giá thuốc thú y cũng tăng nhiều nhưng giá lợn cả năm qua chỉ quanh quẩn mức 4,7 đến 5,5 triệu đồng/100 kg heo hơi nên người nuôi rất dễ thua lỗ. Vì vậy, cho dù giờ giá lợn hơi có tăng, nhưng ông Nguyện chỉ nuôi với số lượng ổn định để có thu nhập phục vụ hàng ngày.

Không chỉ riêng ông Nguyện, mà nhiều người nuôi lợn khu vực khác cũng có tâm lí e dè với việc tái đàn, tăng đàn lợn trước cơ hội lợn hơi tăng giá. Bà Trần Thị Huyền, xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng cho biết, gia đình có truyền thống nuôi lợn dù số lượng nhỏ, trong thời gian giá lợn hơi thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gia đình bà chỉ nuôi cầm cự cho có việc làm và thu nhập chút ít.

Hiện nay dù biết giá lợn hơi tăng nhưng biến động các giá khác, chi phí phát sinh vẫn chưa ổn định, chi phí đầu tư có thể bị mất nữa nên bà Huyền vẫn quyết định không tăng đàn.

Bình ổn để phát triển

Lý giải cho việc giá lợn hơi tăng cao trong 10 ngày qua, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, giá lợn hơi tăng thời gian qua là bình thường và hợp lý vì giá thành chăn nuôi tăng rất cao. Khi cả hai chi phí đầu vào và đầu ra đều tăng thì người chăn nuôi chưa thể gọi là có lãi lớn, bởi bão giá đã “ăn” phần lợi nhuận của người chăn nuôi.

Khi giá lợn hơi tăng mạnh, sẽ tác động đến giá thực phẩm thịt thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trong nước. Điều này đã được chứng minh từ những năm trước, thời điểm giá lợn hơi cao ngất ngưỡng đã làm cho khẩu phần dinh dưỡng trong bữa ăn của người lao động bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, dù biết rằng với diễn biến giá lợn hiện nay vẫn chưa giúp người nuôi lợn “gỡ gạc” được khi giá lợn hơi xuống thấp, nhưng việc giữ giá lợn hơi ổn định sẽ giúp ổn định đời sống của người tiêu dùng trong giai đoạn bão giá hiện nay.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2022, đàn lợn cả nước tăng trưởng 3,8% và sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan này dự báo giá lợn hơi có thể chỉ tăng thêm 3.000-6.000 đồng/kg, tương đương từ 5 – 10% trong quý III năm nay.

Thời gian tới, khả năng giá lọn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi, giá xăng dầu ở mức cao… nhưng khó có thể tăng đột biến. Đây là điểm đáng mừng vì người tiêu dùng sẽ không phải gồng mình chi tiêu với giá thịt lợn tăng cao.

Trước diễn biến giá lợn hơi hiện nay, dù chưa xác định sẽ biến động tới đâu, nhưng để ổn định cuộc sống người dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng, Chính phủ đã có động thái chỉ đạo các cơ quan chức năng các địa phương có biện pháp đảm bảo cân đối cung, cầu thịt lợn.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường.

Các địa phương cũng có các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi.

Không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Xuất khẩu cá tra có thể thiết lập kỷ lục 2,6 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp báo lãi khủng
Cà phê Việt Nam tràn ngập thị trường Thái Lan

Bài viết mới nhất