Từ bỏ nghề đã học, anh Toản về quê ‘đánh bạc’ với nghề nuôi ong mật. Hiện gia đình anh có khoảng 700 đàn ong, mỗi năm thu từ 8.000 – 10.000 lít mật.
Nuôi ong lấy mật là nghề phát triển mạnh tại Yên Bái, mật ong đa dạng, nhiều loại mật theo các mùa hoa khác nhau trong năm. Trong số đó mật ong Mù Cang Chải là một trong những đặc sản của Yên Bái. Từ lâu, mật ong Mù Cang Chải đã được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, với diện tích rừng tự nhiên trên 80 ngàn ha, độ cao trên 900m. Sự phân bố đa dạng của các loài cây, khí hậu trong lành, nhiều rừng và thảm thực vật phong phú, nhiều loài cây có nguồn hoa cho mật quý như sơn tra, thảo quả, mơ, mận… nên mật ong Mù Cang Chải có chất lượng tốt, sánh đặc.
..
Anh Nguyễn Văn Toản kiểm tra đàn ong mật.
Nuôi ong ở Mù Cang Chải mỗi năm có 2 kỳ cho thu hoạch mật chính. Mật ong xuân từ tháng 2 đến tháng 4 có màu vàng cam, lỏng, sánh và trong suốt, mùi thơm đặc trưng, rõ mùi, dễ chịu, vị ngọt đậm, mát tự nhiên. Mật ong thu tháng 9 – 11 có màu trắng sữa, lỏng, sánh, mùi thơm dịu, vị ngọt nhẹ, thanh mát tự nhiên.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Toản tại xã Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải), anh cho biết: Hiện gia đình anh có khoảng 700 đàn ong đang cho khai thác mật, mỗi năm thu từ 8.000 – 10.000 lít mật.
Anh Toản vốn là cử nhân ngành công nghệ thông tin, nhưng quyết tâm đến với nghề nuôi ong mật. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp, không giống như bao bạn bè khác, người xin vào nhà nước, người xin vào doanh nghiệp, anh trở về lập nghiệp trên quê hương Mù Cang Chải với nghề nuôi ong lấy mật.
Mới đầu, gia đình phản đối khi thấy anh từ bỏ sự nghiệp để lao vào tìm hiểu nghiên cứu cách nuôi ong. Ai cũng bảo ở đây dân họ nuôi nhiều rồi nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Từ những tìm tòi, học hỏi, anh đã dần nắm vững kiến thức cơ bản về con ong mật. Anh lên các bản làng trên địa bàn huyện tìm mua những đàn ong người dân đi bắt trên rừng về nuôi. Lúc đó ong được nuôi theo phương pháp tự nhiên, đi chặt những cây gỗ rỗng về cho ong sinh sống. Nhưng theo cách này sẽ khó khăn trong việc khai thác mật.
Người dân đang khai thác mật ong
Thay vào đó, anh lên rừng tìm những cây gỗ ong hay ở đem về xẻ đóng thùng gỗ, làm cầu cho ong ở. Khi khai thác mật, dùng thùng quay chứ không cắt hết cầu ong như trước đây. Từ đó, việc khai thác mật dễ dàng và mang lại hiệu quả cao hơn.
Nghĩ là dễ nhưng nuôi ong cũng không phải đơn giản. Mới đầu chưa hiểu rõ về tập tính của con ong nên anh Toản gặp không ít khó khăn. Một số bệnh phổ biến ở ong như: Thối ấu trùng, ong bị sâu bánh tổ, bị tiêu chảy… Mùa ong chia tổ, tách đàn lúc nào anh cũng phải loanh quanh bên vườn ong mà không hết việc. Nhiều lúc nắng nóng, mệt mỏi, anh cũng thấy nản lòng.
Sau những thất bại ban đầu, đàn ong dần đi vào ổn định và mang lại thu nhập hiệu quả. Với giá bán từ 200.000 – 250.000đ/lít, mỗi năm gia đình anh Toản thu về từ 250 – 300 triệu đồng. Ngoài tiền bán mật ong, anh còn thu về một khoản khá nhờ xuất bán ong giống cho các vùng lân cận như: Phong Thổ, Tam Đường (Lai Châu)… Trong năm 2020 và 2021, anh đã xuất bán khoảng 4.000 đàn ong giống cho các tỉnh.
Thấy nuôi ong mang lại lợi ích cao, anh Toản đã thành lập HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải (có trụ sở tại xã Dế Xu Phình) với 7 thành viên tham gia để xây dựng sản phẩm mật ong Mù Cang Chải thành sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, anh Toản còn cung ứng ong giống, hỗ trợ các thành viên kỹ thuật nuôi, chăm sóc đàn ong và đứng ra thu mua mật cho các thành viên trong HTX.
Mật ong Mù Cang Chải đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao
Anh Giàng A Tính, thành viên HTX chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có nuôi 1 – 2 đàn ong để lấy mật dùng và làm thuốc, từ khi anh Toản thành lập HTX, tôi đăng ký tham gia. Với 120 đàn ong, mỗi năm tôi thu về khoảng 2.000 lít mật, sau khi trừ mọi chi phí, tôi thu về khoảng 100 triệu đồng. So với trồng lúa, nghề nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 – 4 lần. Ngoài thời gian chăm sóc đàn ong, những lúc rảnh rỗi tôi vẫn có thể làm việc phụ giúp gia đình”.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Toản hiện đang có dự định sẽ mua thêm máy hạ thủy phần về để phục vụ đóng chai và bảo quản sản phẩm. Máy sẽ giúp việc bảo quản mật được tốt hơn, chất lượng mật được đảm bảo tuyệt đối.
Là mật ong hoa tự nhiên, nuôi trên núi cao có khí hậu trong lành, mát mẻ nên có độ tinh khiết cao, không có tạp chất. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Mật ong Mù Cang Chải”, UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này gồm các xã là: Cao Phạ, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Hồ Bốn, Dế Xu Phình, Khao Mang, Kim Nọi, La Pán Tẩn, Lao Chải, Mồ Dề, Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông và Thị trấn Mù Cang Chải.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...