Tham gia dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại Than Uyên, Lai Châu, người dân thu lời tới 120 triệu đồng với mỗi lồng cá rô phi từ 100m3.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

kiểm tra mô hình nuôi cá rô phi tại Lai Châu

Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có 6.920ha diện tích mặt nước, trong đó riêng hồ thủy điện Bản Chát có diện tích 6.050ha. Đây được xem là tiềm năng lớn cho việc phát triển thủy sản trên lồng bè.

Anh Đỗ Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết, tổng số lồng nuôi cá trên địa bàn huyện hiện có 657. Con số này tiếp tục tăng nhanh và dự kiến đạt khoảng 1.500 lồng vào năm 2025.

Dù mới phát triển trên địa bàn huyện, người dân Than Uyên rất kỳ vọng vào nghề nuôi cá lồng. Thông qua Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đảm bảo an toàn thực phẩm bằng lồng trên sông và hồ chứa năm 2022” do Trung tâm Khuyến nông Khuyến nông Quốc gia triển khai tại xã Mường Kim, Mường Cang, người dân thu lời tối thiểu 500.000 đ/1m3 lồng sau khi trừ tất cả các chi phí.

“Các hộ tham gia dự án được chọn lựa kỹ lưỡng, từ vùng lòng hồ nuôi thả cho đến con giống. Đặc biệt, mỗi lồng nuôi cần đảm bảo tối thiểu 50m3 để đủ không gian cho cá sinh trưởng. Sau mỗi vụ, người dân có thể thu lời ít nhất 30 triệu đồng mỗi lồng”, anh Tú chia sẻ.

Với những lồng lớn, từ 100m3 trở lên, lợi nhuận có thể cao hơn nhiều lần. Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên, trọng lượng cá trung bình tại các lồng dạng này đạt 1kg/con, tổng sản lượng mỗi lồng khoảng 8,5 tấn. Với giá bán khoảng 40.000 đ/kg cá rô phi, người dân thu nhập khoảng 340 triệu đồng một lồng. Trừ chi phí, lợi nhuận cầm về khoảng 120 triệu đồng.

Từ chỗ nuôi quảng canh, hiệu quả thấp, thiếu bền vững, dịch bệnh xâm nhiễm, người dân Than Uyên giờ đã biết lựa cá giống phải do các đơn vị được phép sản xuất, kinh doanh, không bị dịch bệnh, không còi cọc, không xây xát, bong vẩy, không dị hình và đồng đều. Ngoài ra, thức ăn nổi công nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu như hàm lượng protein 24%, độ ẩm 11%, chất xơ thô 7%…

Anh Hoàng Văn Xuân, người dân tộc Khơ Mú, trú tại xã Mường Cang, một trong các hộ tham gia dự án cho biết, anh được hỗ trợ con giống, thức ăn và men vi sinh. Ngoài ra, gia đình anh còn được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật, tư vấn phòng trị bệnh cho cá cặn kẽ.

“Trước đây, tôi chỉ biết đánh cá, bắt con tôm, con tép làm kế sinh nhai qua ngày. Giờ thì khác rồi. Cả đàn cá rô phi 40.000 con đang phát triển rất tốt. Trọng lượng con nào vớt lên cũng đạt hơn nửa cân/con”, anh Xuân chia sẻ.

Chị Lò Thị Dung, một trong các hộ tham gia dự án nuôi cá rô phi tại huyện Than Uyên, Lai Châu

Cách lồng nhà anh Xuân không xa là lồng bè của gia đình của chị Lò Thị Dung, trú tại xã Mường Kim. Dù mới tham gia triển khai dự án, thành viên trong nhà hiện nay đều làm không hết việc.

Ý thức được tiềm năng to lớn của thủy điện Bản Chát, chị Dung còn thuê một số người dân trong bản để cải tạo cơ sở lồng bè, nhằm tận dụng phát triển du lịch. Chính tại bè cá, gia đình chị xây dựng một sân khấu nhỏ để làm nơi biểu diễn văn nghệ, đồng thời phục vụ tại chỗ du khách có nhu cầu ẩm thực, kết hợp du lịch lòng hồ thủy điện.

Đến thăm mô hình nuôi cá rô phi tại Than Uyên hồi tháng 10/2022, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá: “Kết quả từ các dự án sẽ được tuyên truyền, nhân rộng nhằm phát triển hơn nữa nghề nuôi cá lồng trên sông hồ tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo”.

Ông Lê Quốc Thanh cũng cho rằng, với thu nhập ổn định, bền vững, người dân sẽ được nâng cao nhận thức, hạn chế phá rừng, giảm các tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống. Đồng thời, sản phẩm làm ra có giá trị gia tăng cao, cả cho thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

An Lão đầy tiềm năng phát triển cây dược liệu
Trồng cam hữu cơ, khó làm nhưng giá cao gấp đôi

Bài viết mới nhất