Truyền thống làm nông nghiệp của người dân Việt Nam rất linh động, linh hoạt và người nuôi tôm sẽ tự biết phải làm gì trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay nguồn cung không đứt gãy hoàn toàn mà chỉ bị giảm sút

và hoàn toàn có khả năng tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ông Hồ Quốc Lực, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành nuôi tôm nói riêng của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ông Lực cho biết, hiện nay, người nuôi tôm rất khó có thể tiếp cận với những nguồn lực để tiếp tục triển khai việc thả nuôi lứa giống mới. Cộng với việc khó khăn trong di chuyển, giá cả bấp bênh khiến người nuôi tôm băn khoăn không biết có nên tiếp tục thả giống hay không.

“Theo khảo sát hiện nay, các cơ sở cung ứng giống đưa ra những ưu đãi rất cao, giảm giá đến 50%, chứng tỏ là mức tiêu thụ tôm giống cũng như thức ăn cho tôm đang giảm mạnh”, ông Hồ Quốc Lực nhận định.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay, các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang hồi phục kinh tế rất nhanh sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, nhất là mặt hàng tôm, cũng tăng cao. Nếu có thể tận dụng, nắm bắt thời cơ, ngành thủy sản vẫn đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021.

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng truyền thống làm nông nghiệp của người dân Việt Nam rất linh động, linh hoạt và người nuôi tôm sẽ tự biết phải làm gì trong bối cảnh hiện nay.

“Trong thời gian tới nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân có thể triển khai một vụ nuôi trái vụ, với kĩ thuật nuôi tiến bộ như hiện nay, người nuôi hoàn toàn có thể tự tìm cách đối đầu với những rủi ro để đi tắt đón đầu việc tôm sẽ tăng giá sắp tới”, ông Lực nhận định.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có nhiều năm kinh nghiệm, bản lĩnh trên thương trường để có thể vượt qua những khó khăn như hiện nay.

Hiện nay nguồn cung không đứt gãy hoàn toàn mà chỉ bị giảm sụt và hoàn toàn có khả năng tăng trưởng trở lại trong thời gian tới. Các doanh nghiệp lớn đang dự trữ tôm thành phẩm để làm nguyên liệu chế biến cho quý 4 năm 2021. Nguồn tôm này đã được các đơn tích lũy từ những tháng cao điểm, khoảng tháng 5 – 7 vừa qua.

Chia sẻ về vấn đề huy động lực lượng lao động, đảm bảo sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay, ông Hồ Quốc Lực phân tích: “Chúng ta không thể để đứt gãy hoàn toàn chuỗi cung ứng. Tôm vẫn phải nuôi, chế biến vẫn phải hoạt động. Hiện nay nhiều người lao động không thể tới nhà máy, mặt khác, chỗ ăn, nghỉ tại nhà máy cũng có hạn. Thế nhưng cho dù có đi làm hay không thì người dân vẫn cần thu nhập để đảm bảo cuộc sống cá nhân và gia đình”.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, hiện nay có một lượng không nhỏ những người lao động, trước đây phải làm ăn xa, nay đã về địa phương, bối cảnh có thể tác động đến suy nghĩ của họ rằng sắp tới nên tìm những công việc gần hơn, an toàn hơn. Vì thế các doanh nghiệp ở ĐBSCL không khó để thu hút lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp sớm trở lại bình thường với điều kiện khống chế tốt dịch bệnh.

“Thực tế cho thấy việc thu hút lượng lớn lao động sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Theo đó, các doanh nghiệp cần chấp nhận, để có thể phòng chống dịch hiệu quả thì cần kéo dài thời gian phục hồi sản xuất, kinh tế, chỉ nhận một lượng có giới hạn người lao động”, ông Hồ Quốc Lực nêu quan điểm.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Đánh thức nông đặc sản Bắc Kạn
Giống lúa TBR97 'vững chân' trên đất Quảng Ngãi

Bài viết mới nhất