Vụ sản xuất Tết năm nay thời tiết nắng nhiều, rất thuận lợi cho bà con làm miến. Người trồng dong riềng và làm miến ở Côn Minh lại có mùa sản xuất bội thu…

Xã Côn Minh (huyện Na Rì) là thủ phủ trồng cây dong riềng và nghề làm miến dong của tỉnh Bắc Kạn, nghề làm miến đã có từ nhiều đời nay. Mỗi dịp Tết đến khắp các bản làng, không khí sản xuất, buôn bán nhộn nhịp, thương lái từ nhiều nơi đổ về lấy hàng phục vụ người tiêu dùng khắp các tỉnh thành

Người dân xã Côn Minh thu hoạch củ dong riềng

Để làm ra những sợi miến vừa dẻo vừa thơm, ông trời đã phú cho vùng đất Côn Minh khí hậu và thổ nhưỡng tuyệt vời để trồng cây dong riềng. Ở Bắc Kạn không có nơi nào cây dong riềng phát triển tốt, chất lượng củ dong cao như ở đây. Trước đây, người dân chỉ trồng dong riềng ở trên triền đồi, nhưng giờ trồng cả ở dưới ruộng, năng suất đạt đến 80 tấn/ha.

Quy trình chế biến miến ở đây cũng có nhiều điểm đặc biệt, củ dong thu hoạch về được rửa sạch, sau đó nghiền thành bột, bột dong sau nhiều lần lọc sẽ cho vào bể để lắng. Sau khoảng 10 lần lọc, bột dong nguyên chất sẽ được người dân đem đi tráng, sau đó phơi khô và thái thành sợi miến. Trước đây, người dân chỉ làm bằng tay, nhưng nay nhiều cơ sở đã tráng và thái miến bằng máy nên sản lượng ngày càng lớn.

Thu nhập từ làm miến dong giúp gia đình ông Triệu Văn Đoàn xây dựng được cơ ngơi khang trang

Những ngày giáp Tết, chúng tôi đến gia đình ông Triệu Văn Đoàn ở thôn Lủng Vạng (xã Côn Minh), gia đình ông đã làm miến dong hơn 20 năm, bình thường mỗi tuần chỉ sản xuất khoảng 5 tạ miến, nhưng giáp Tết, mỗi ngày xuất bán từ 2 đến 3 tạ.

Ông Đoàn cho biết, ngoài bán lẻ, gần Tết nhiều thương lái đến mua một lúc từ 5 đến 7 tạ nên gia đình phải phải sản xuất liên tục mới đủ cung cấp. Dù miến bán thuận lợi nhưng giá bán chỉ 60.000 đồng/kg, không tăng so với ngày thường.

Gần Tết, thời tiết nắng nhiều, rất thuận lợi cho người dân phơi miến

Ghé thăm HTX Tài Hoan, một trong những đơn vị đầu tiên xuất khẩu miến dong sang châu Âu, không khí làm việc nhộn nhịp, hối hả. Dù mới thành lập được hơn 3 năm nhưng miến dong của HTX đã có tiếng trên thị trường, gần Tết mỗi ngày đơn vị xuất đi hàng tấn sản phẩm.

“Dịp gần Tết nguyên đán chúng tôi phải tuyển thêm công nhân thời vụ, tăng ca sản xuất mới làm đủ các đơn hàng. Nếu như trước đây chỉ bán trong tỉnh thì nay sản phẩm miến của chúng tôi đã có mặt tại các siêu thị lớn ở nhiều tỉnh thành”, bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan phấn khởi thông tin.

Nhiều HTX ở xã Côn Minh quan tâm đầu tư máy móc hiện đại để làm miến

Dù là xã miền núi, dân cư thưa thớt, nhưng đến nay Côn Minh đã có 7 cơ sở, trong đó có 4 hợp tác xã (HTX), 3 cơ sở tư nhân và 40 hộ làm miến chuyên nghiệp. Nghề làm miến không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo, mà nhiều hộ đã vươn lên khá giả, làm nhà, tậu xe. Đến thủ phủ miến dong Côn Minh bây giờ, dọc 2 bên Quốc lộ 3B nhiều ngôi nhà mới mọc lên, đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang.

Bà Nông Thị Sen, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết, với đặc thù là xã thuần nông, bộ mặt của xã thay đổi như hôm nay có sự đóng góp rất lớn từ nghề làm miến dong. Khi các hộ làm miến có thu nhập cao cũng kéo theo người trồng dong riềng yên tâm, giá bán củ dong cao giúp nhiều hộ thoát nghèo. Vụ sản xuất Tết năm nay thời tiết nắng nhiều, rất thuận lợi cho bà con làm miến.

Bà Nông Thị Sen, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết, nghề làm miến dong

đem lại thu nhập ổn định, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán thu nhập của người dân tăng cao

Để giúp phát triển nghề làm miến dong, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm xây dựng, bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, nhờ đó nhiều năm nay giá bán miến cao và ổn định. Tết Quý Mão năm nay, người trồng dong riềng và làm miến ở Côn Minh lại có thêm một mùa sản xuất bội thu, ăn Tết no đủ, đầm ấm…

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Dẻo thơm cốm nếp vải Ôn Lương
Bừng dậy 'thành phố tôm' bên dòng Mỹ Thanh

Bài viết mới nhất