Giữa bạt ngàn cát trắng, tưởng chừng chỉ có phi lao, tràm gió tồn tại được nhưng người dân Yên Hòa đã ươm nên mầm xanh của rau củ quả, màu vàng của đàn gà…

Cát trắng “đẻ” tiền trăm, bạc tỷ

Yên Hòa là tên xã mới sau khi huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) thực hiện sáp nhập 2 đơn vị hành chính Cẩm Hòa và Cẩm Yên theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau sáp nhập địa giới hành chính, xã này mở rộng diện tích lên hơn 23km2, trong đó dải đất cát ven biển kéo dài gần 4km trở thành “mỏ tiền” để người dân khai thác.

Ông Trần Viết Chu, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ Hoàng Chu –

 người ươm mầm xanh cho dải đất cát ven biển huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND xã Trần Đình Cúc chia sẻ: Xưa, người dân Yên Hòa tham gia nghề biển khá đông đảo nhưng sau khi chính quyền các cấp hỗ trợ nhiều chính sách phát triển kinh tế trên đất cát, cộng với đặc thù nghề biển bấp bênh, lắm hiểm nguy nên thời điểm này toàn xã chỉ còn 250 hộ dân ở 3 thôn Bắc Hòa, Phú Hòa, Mỹ Hòa bám biển.

Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung, huyện Cẩm Xuyên nói riêng, tình trạng nông dân ly nông, ly hượng khá phổ biến. Họ ra đi vì mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” không thể giúp họ khấm khá lên. Còn ở Yên Hòa, rất đáng tự hào khi người già, người trẻ, người trong độ tuổi hay ngoài độ tuổi lao động, hầu hết đều có việc làm, thu nhập ổn định, thậm chí làm giàu trên chính tấc đất của gia đình.

“Trên bản đồ phát triển kinh tế của huyện Cẩm Xuyên, Yên Hòa là một trong những xã bãi ngang giàu có cả về con người và các loại hình nghề nghiệp, nhất là phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên đất cát. Đó là chăn nuôi gà dưới tán rừng, nuôi tôm công nghệ cao, trồng rau, củ, quả tập trung quy mô lớn…”, ông Cúc tự hào.

3ha củ cải mỗi năm đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho HTX Hoàng Chu

Hiện nay, Yên Hòa đã phát triển được 120 mô hình chăn nuôi gà trên cát quy mô từ 500 con trở lên, số hộ nuôi gà dưới 500 con không đếm xuể. Ngoài ra, toàn xã phát triển 35ha nuôi tôm công nghệ cao; 2 HTX chăn nuôi tổng hợp là Hà Trung và HTX Hoàng Chu trồng rau củ quả trên 15ha đất cát rất hiệu quả…, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương tăng lên hơn 38 triệu đồng/người/năm.

Giữa cái nắng oi ả những ngày trung tuần tháng chín, ông Trần Viết Chu và vợ là bà Nguyễn Thị Khương vẫn miệt mài lên luống, gieo những hạt củ cải tí hon xuống bãi cát rộng gần 3ha. Dù là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ Hoàng Chu (HTX Hoàng Chu) nhưng cái nắng và gió “đặc sản” của Hà Tĩnh đã khiến người đàn ông 62 tuổi này đen nhẹm, già nua đúng chất nông dân hay lam hay làm.

Ông Chu bảo, những năm trước 2014, bãi cát thôn Phú Hòa chỉ có phi lao và tràm gió tồn tại loe ngoe, không mang lại bất kỳ giá trị kinh tế nào. Sau khi HTX Hoàng Chu ra đời, cả vùng bãi cát đã phủ kín màu xanh của củ cải, mướp, dưa hấu…

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được đầu tư phục vụ sản xuất rau, củ, quả trên cát

Lúc bấy giờ, hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt; máy cày, phay, lên luống; nhà điều hành; các kênh kết nối tiêu thụ… đều được HTX đầu tư bài bản. Vụ sản xuất củ cải đầu tiên, cả huyện, cả tỉnh trầm trồ khi cây trồng phát triển tốt, cho năng suất vượt cả trồng trên đất thịt hay đất thịt pha cát.

“Những năm đầu sản xuất, doanh thu bình quân đạt từ 1 – 2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do thị trường tiêu thụ không ổn định nên hiệu quả sản xuất giảm đáng kể. Tuy nhiên, phải khẳng định nếu không có mô hình trồng rau trên cát này, vợ chồng tôi và 7 thành viên trong HTX không thể cáng đáng nổi chi phí nuôi con cái ăn học hay dựng nhà, mua xe”, ông Chu trải lòng.

Đối với HTX Chăn nuôi tổng hợp Hà Trung, dù “sinh sau đẻ muộn” hơn HTX Hoàng Chu nhưng các thành viên không chỉ mạnh tay đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm thiết bị máy móc, nhà xưởng mà còn mạnh dạn trồng thí điểm cây dừa để thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế. Hiện diện tích dừa đang phát triển khá tốt.

Phải kiên trì lắm vợ chồng ông Chu, bà Khương mới biến vùng đất cát “đẻ” ra tiền

“Thủ phủ” nuôi gà dưới tán rừng

Có tuổi đời lâu năm hơn nghề trồng rau, củ, quả trên cát là phong trào nuôi gà dưới tán rừng. Với lợi thế diện tích đất vườn rộng lớn, chủ yếu là cát, hoạt động chăn nuôi gà những năm qua tại Yên Hòa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người sản xuất mà còn hạn chế tác động đến môi trường.

Dù đã ngoài tuổi lao động nhưng lợi nhuận mỗi năm vợ chồng ông Chỉ thu

về từ chăn nuôi gà dưới tán rừng không dưới 200 triệu đồng

Toàn bộ phân gà trong quá trình sản xuất được thu gom, bán cho các HTX, hộ sản xuất rau màu trên cát, những hộ nào lượng phân còn dư sau khi khử trùng bằng vôi sẽ lấp cát lên nhằm đề phòng dịch bệnh trước khi thả nuôi lứa mới.

Dù đã ngoài tuổi lao động nhưng giá trị kinh tế mỗi năm vợ chồng ông Phan Danh Chỉ, bà Nguyễn Thị Khương ở thôn Phú Hòa làm ra bỏ xa nhiều cặp vợ chồng trẻ, thậm chí là những hộ đi xuất khẩu lao động các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hai ông bà có hơn 5.000m2 đất cát ven biển của cha ông để lại, cả khu vườn được che mát bởi rừng phi lao chắn cát. Gần 20 năm trước, ông Chỉ theo thuyền đi biển. Thu nhập bấp bênh, tháng nhiều tháng ít, thậm chí có những thời điểm “treo niêu”, cuộc sống của gia đình 5 miệng ăn hết sức chật vật.

Khoảng năm 2007, nhận thấy tiềm năng nuôi gà trên đất cát, dưới tán rừng không ảnh hưởng đến môi trường, ông Chỉ mua 200 con gà về nuôi thử nghiệm. Sau 3 tháng xuất bán lãi một gấp đôi, từ đó, ông bỏ hẳn nghề biển, mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên 2 chuồng, 5 chuồng rồi 7 chuồng, với tổng đàn thời điểm cao nhất đạt hơn 4.000 con.

Thương hiệu gà Yên Hòa đã nổi danh khắp tỉnh Hà Tĩnh

“Trung bình mỗi lứa, tôi nuôi khoảng 3.000 con theo hình thức cuốn chiếu. Vì thế tháng nào cũng có gà để bán. Mỗi lứa xuất từ 800 – 1.000 con, thu lãi tầm 30 – 50 triệu đồng”, ông Phan Danh Chỉ vừa cười vừa chỉ tay vào ngôi nhà mới xây dựng hết 1,5 tỷ đồng bảo “nhờ nuôi gà mà chúng tôi có căn nhà khang trang để ở”.

Quả thật, đứng giữa hàng ngàn con gà đang tung tăng bới cát tìm kiếm thức ăn đã mắt vô cùng. Đáng nói, môi trường trong khu vực chăn nuôi rất sạch sẽ, không hề hôi thối. Đặc biệt, gà Yên Hòa thịt chắc, thơm ngon nên thương lái rất ưa chuộng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Ngoài ông Chỉ, đi dọc dải cát ven biển thôn Yên Hòa, Bắc Hòa, Phú Hòa, dễ dàng điểm mặt hàng chục cái tên mỗi năm thu lãi từ 100 đến 300 triệu đồng từ nghề chăn nuôi gà dưới tán rừng, đó là ông Nguyễn Hữu Dương, ông Hồ Xuân Hùng, bà Trương Thị Công, Nguyễn Thị Chiến, bà Nguyễn Thị Hợi, ông Trương Hữu Công

Chăn nuôi gà trên cát hạn chế được tác động đến môi trường

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

 

 

Chia sẻ bài viết

Nuôi 'gà chạy bộ' trên đồi, thịt săn chắc thơm ngon nổi tiếng
Cà phê thiết lập những kỷ lục mới, hứa hẹn tiếp tục khởi sắc trong vụ 2022-2023

Bài viết mới nhất