Nghề nuôi ong đã giúp nhiều bà con tại xã Đa Lộc thoát nghèo. Mật ong từ rừng ngập mặn đang được địa phương xây dựng để trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Đa Lộc là xã ven biển của huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có hơn 4 km bờ biển đã được phủ xanh bằng 500 ha rừng ngập mặn và dải phi lao chạy tít tắp dọc chân đê. Những cánh rừng sú, vẹt, bần không chỉ là “lá chắn xanh” ngăn triều cường, chống sạt lở và nước biển xâm thực, giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản.
Đặc biệt, nhờ có dải rừng ngập mặn sú, vẹt, nên nghề nuôi ong mật tại tại xã Đa Lộc rất phát triển. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của địa phương, nhiều hộ dân đã nuôi thử nghiệm, tiến đến mở rộng mô hình nuôi ong ra toàn xã. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong mật.
Xã Đa Lộc có hàng trăm ha rừng ngập mặn và phi lao chạy ven chân đê.
Đây là điều kiện để địa phương phát triển nghề nuôi ong
Ông Trần Duy Trái (thôn Đông Thành, xã Đa Lộc), hộ dân có hơn 20 năm làm nghề nuôi ong cho biết: “Cây sú, vẹt ra hoa từ tháng 4 cho tới tháng 7, cây bần chua cho hoa quanh năm là nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Do đó, người nuôi ong không phải tốn quá nhiều công sức để chăm sóc, tìm kiếm nguồn thức ăn cho ong”.
Cũng theo ông Trái, nghề nuôi ong tuy không giàu, nhưng so với các ngành nghề khác ở nông thôn thì hơn hẳn. Chi phí bỏ ra để đầu tư nuôi ong không đáng bao nhiêu, trong khi đó rủi ro thì hầu như không có. Với 30 đàn ong, mỗi năm nghề nuôi ong đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 60-70 triệu đồng.
“Việc chăm sóc đàn ong không khó, miễn sao người nuôi hiểu rõ đặc tính sinh học của nó. Quan trọng nhất là người nuôi ong phải nắm được thời điểm nào nên san đàn. Bên cạnh đó, khi thời tiết chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đông, hoa lấy mật dần khan hiếm, người nuôi cần bổ sung thức ăn cho ong. Ong thường bị bệnh thối ấu trùng và đường ruột, cho nên người nuôi cần quan sát kỹ các biểu hiện của ong để có biện pháp chữa trị kịp thời”, ông Trái chia sẻ kinh nghiệm.
Rừng ngập mặn xã Đa Lộc tạo ra nguồn hoa khổng lồ làm thức ăn cho ong
Với sự phát triển của nghề nuôi ong, năm 2017, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc ra đời. Toàn xã hiện có hơn 200 hộ gia đình thực hiện mô hình nuôi ong. Các hội viên trong tổ hợp tác được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu trong nước và quốc tế. Hiện nay, xã Đa Lộc đang xây dựng thương hiệu mật ong rừng ngập mặn là sản phẩm đạt chuẩn OCOP để nâng cao thương hiệu sản phẩm và giá trị thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số hộ nuôi ong trên địa bàn xã Đa Lộc, mặc dù nghề nuôi ong tại địa phương thu hút được nhiều người tham gia, thế nhưng bà con nông dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, thiết bị kỹ thuật để duy trì hoạt động và phát triển thương hiệu sản phẩm mật ong.
Ông Vũ Tấn Sửu, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc cho biết: “Việc nuôi ong lấy mật tại xã Đa Lộc đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống rõ rệt cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi ong lấy mật tại đây vẫn còn theo mô hình tự phát, kỹ thuật nuôi chủ yếu do kinh nghiệm bản thân. Bên cạnh đó, nguồn vốn để duy trì hoạt động và phát triển thương hiệu sản phẩm vẫn còn thiếu. Hiệu quả thu nhập chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Sản phẩm mật ong rừng ngập mặn chưa trở thành hàng hóa quy mô lớn. Do đó, để đề nghề nuôi ong phát triển xứng tầm với lợi thế hiện có của địa phương, rất cần sự quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn về vốn, mở rộng sản xuất, để người nuôi ong yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, khi thương hiệu mật ong rừng ngập mặn được công nhận đạt chuẩn OCOP thì khác hàng sẽ biết đến sản phẩm này nhiều hơn”.
Nghề nuôi ong giúp gia đình ông Trái thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc đánh giá, mô hình nuôi ong mật tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Nghề nuôi ong tại địa phương có phát triển hay không phụ thuộc vào sự phát triển của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...