Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, năm qua ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã đạt kết quả vượt bậc, trong đó xuất khẩu cá tra vượt kế hoạch năm.
Cần Thơ nằm ở vị trí chiến lược trở thành trung tâm sản xuất, chế biến,
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL
Thành phố Cần Thơ là thành phố có vị trí chiến lược kinh tế, cũng như quân sự của vùng. Cần Thơ còn là đầu mối giao thông thủy bộ của đồng bằng Tây Nam Bộ do nằm ở trung tâm vùng ÐBSCL. Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng là thành phố có nền kinh tế trọng tâm, đây là nơi giao điểm của hai trục kinh tế – đô thị năng động nhất ÐBSCL; là trục hành lang TP Hồ Chí Minh – TP Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng). Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là tài nguyên đất và nước, thành phố Cần Thơ có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch.
Theo đó, ngay từ khi Nghị quyết 45-NQ/TW được ban hành ngày 17/02/2005, Cần Thơ được xác định phấn đấu xây dựng và phát triển trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Toàn bộ hệ thống chính trị cùng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã cùng thống nhất ý chí và hành động, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, phù hợp và thực hiện đồng bộ.
Đến nay, thành phố Cần Thơ đã thay da đổi thịt, khoác trên mình một diện mạo mới với những thành tựu rất đáng ghi nhận. Trong đó, phải kể đến ngành nông nghiệp thành phố trong năm qua có những thành tựu vượt bậc. Trong đó, ngành cá tra trên địa bàn thành phố đến nay có 3 HTX (Thới An, Thốt Nốt và Thắng Lợi) nuôi cá tra với tổng diện tích 40 ha. Trong đó, có 28 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 65 ha. Các doanh nghiệp gồm: Biển Đông, Miền Nam, NTSF, Hải Sáng, Caseamex và Quốc Trấn tham gia nuôi cá tra với diện tích 45 ha và 147 hộ nuôi đơn lẻ với diện tích 251 ha.
Ngành thủy sản hưởng lợi khi thực hiện Nghị quyết 45
Trong những ngày đầu năm 2023, chúng tôi có dịp ngồi lại nghe những chia sẻ của bà con nuôi cá tra tại cồn Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ về những thăng trầm, cũng như kỳ vọng trong năm mới. Theo đa số hộ nuôi cá tra cho biết, hiện nay giá bán cá tra nguyên liệu dao động 27.500 – 28.000 đồng/kg (kích cỡ 750 – 950 g/con) tăng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ, giá thành bình quân 27.000 – 28.000 đồng/kg. Với giá bán hiện tại, người nuôi có lãi khoảng 250 – 500 đồng/kg. Đây là niềm vui đối với nhiều hộ nuôi cá tra trong năm mới.
Bà Lê Thị Trâm (ngụ tại khu vực Lân Thạnh, quận Thốt Nốt), chia sẻ, trong năm qua người nuôi cá tra khá trăn trở, với nhiều biến động bất ngờ, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, cùng với đó là nhiều loại vật tư đầu vào khác tăng cao. “Với giá thức ăn từ 13 – 23 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày tôi tốn gần 700 triệu đồng tiền thức ăn cho cá ăn. Cũng mai bán được giá 28-30 nghìn đồng/kg chúng tôi vẫn có lãi”, bà Trâm bộc bạch.
Bên cạnh kỳ vọng giá cả đầu ra thì nông dân Nguyễn Văn Nhân (ngụ cùng địa phương) cho rằng, hàng năm cơ sở nuôi cá của ông cung cấp khoảng 5.000 tấn cá cho đối tác là nhà máy chế biến thủy sản từ một số tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, An Giang… Do chi phí vận chuyển nên đối tác cấn trừ bằng nhiều hình thức. Dẫn đến người nuôi mất vài trăm đồng/kg, dẫn đến giảm lợi nhuận.
Ông Nhân, bà Trâm cùng tất cả hộ nuôi cá tra trên địa bàn kỳ vọng Cần Thơ sớm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ đường giao thông trở thành trung tâm logistic trong khu vực để giảm giá thành vận chuyển. Từ đó giá trị sản phẩm làm ra của nông dân được nâng lên. Đồng thời, nông dân cũng kỳ vọng vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Trong đó, có nhà máy chế biến cá tra sớm được đưa vào hoạt động, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra cho người nuôi cá tra. Theo đó, bà con nuôi cá tra đã áp dụng các mô hình nuôi cá tiên tiến, để đáp ứng nhu yêu cầu vệ sinh ATTP như mô hình: VietGap, BMP….
Cũng theo đa số người nuôi cá tra, trong năm qua tuy giá đầu vào có nhiều biến động nhưng thời điểm cuối năm giá bán ở mức cao. Người dân có lãi nên được coi là một năm thắng lợi đối với người nuôi, không chỉ ở Cần Thơ mà các tỉnh lân cận cũng tương tự.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ cho biết: “Trong năm 2022, diện tích nuôi cá tra là 706 ha, tăng 3% so với cùng kỳ (684 ha), đạt 97% so với kế hoạch năm (730 ha), diện tích thu hoạch 563 ha và sản lượng 196.045 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ (182.200 tấn), vượt 14% so với kế hoạch năm (171.600 tấn), năng suất 348 tấn/ha. Sản lượng cá tra xuất khẩu trong năm đạt 184 ngàn tấn, tăng 27% so với cùng kỳ (145 ngàn tấn), vượt 24% so với kế hoạch năm (148 ngàn tấn) với kim ngạch 600 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ (440 triệu USD), vượt 24% so với kế hoạch năm (484 triệu USD)”.
Nông dân nuôi cá tra tại Cần Thơ đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2023.
Chi cục Thủy sản đã tổ chức ký cam kết với 135 cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn thành phố ký cam kết đảm bảo ATTP. Theo đó, Chi cục đã hỗ trợ cho 15 hộ nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt với diện tích hơn 21 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, giúp các hộ nuôi nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm trước khi cung ứng ra bên ngoài.
Cũng theo ông Hải, trong năm 2023, tiếp tục thực hiện định hướng kế hoạch theo Nghị quyết 45 của ngành Nông nghiệp Cần Thơ nói chung, ngành hàng cá tra nói riêng Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường nước ở các điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (VietGAP, BMP…).
Song song, triển khai các Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung” và “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá tra vùng ĐBSCL”. Xây dựng Vùng sản xuất giống cá tra tập trung ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ với quy mô 100 ha để ương nuôi cá bột lên cá giống. Nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện…
Đồng thời, tiếp tục tăng cường phổ biến thông tin thị trường và các rào cản kỹ thuật cho người nuôi. Khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, chuỗi liên kết với các siêu thị (Mega Market, GO!, SaiGon Co.op) và hệ thống cửa hàng bán lẻ nhằm cung ứng và ổn định đầu ra cho các sản phẩm thủy sản ATTP.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển mạnh mô hình Hợp tác xã để đại diện hộ xã viên ký kết hợp đồng, vừa tạo thuận lợi trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, vừa giảm đầu mối ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp và tăng vai trò tự quản trong việc thực hiện hợp đồng giúp tạo ra sản phẩm chất lượng, bền vững.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...