Ngày 3/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch duy trì, phát triển Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tham quan gian hàng bánh phồng tôm NACAMA (tỉnh Cà Mau) có ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản bán tại thị trường Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 2.854 cơ sở (tăng 740 cơ sở so với năm 2018) là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn; đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, 238 doanh nghiệp của 35 tỉnh, thành phố với 8.702 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 4.140 mã so với năm 2018).

Qua đó, 141 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn đã sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc khi lưu thông ra thị trường (đạt 100% chỉ tiêu); 80,5% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành đã sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc. Hệ thống đang được mở rộng đối với cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng trồng cây chủ lực của thành phố và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất an toàn với Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp Hà Nội đạt được trong 3 năm qua về quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Việc này không chỉ bảo đảm truy xuất nguồn gốc mà còn tạo sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền khuyến khích truy xuất nguồn gốc điện tử ở các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Hà Nội phổ biến kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố về truy xuất nguồn gốc để cung cấp nguồn thực phẩm sạch về Thủ đô; đồng thời, quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào để giám sát chất lượng từ sản xuất đến sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, sau 3 năm thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, Hà Nội đã hỗ trợ được rất nhiều cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh, thành phố về thực hiện mã QR nhận diện sản phẩm an toàn. Đây là điều kiện quan trọng để các ngành chức năng quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở khi đưa sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó, người tiêu dùng được sử dụng các mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch thông tin về quy trình sản xuất, ngày đóng gói và hạn sử dụng.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp kết nối tới hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm chung của thành phố, tiến tới kết nối lên Cổng truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia…

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

HƯỚNG DẪN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM SAFFRON VIỆT NAM
Sản xuất chế phẩm sinh học từ hoa xuyến chi

Bài viết mới nhất