Mạnh dạn đầu tư 20 tỷ đồng làm nông nghiệp tuần hoàn, một phụ nữ tỉnh Hậu Giang bắt nhịp xu hướng nông nghiệp hữu cơ, truyền cảm hứng ‘giảm lãng phí, giảm phát thải’.
Trang trại ngũ thường mekong
Với diện tích khoảng 8.000 m2 tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, trang trại Ngũ Thường Mekong do chị Lữ Thị Nhật Hằng làm chủ được xem là một trong những trang trại đầu tư nông nghiệp khép kín một cách bài bản trong tỉnh. Để phát triển trang trại này, chị Nhật Hằng đầu tư hệ thống điện áp mái công suất 990kWp. Đi kèm là chuỗi sản xuất nông nghiệp theo dây chuyền khép kín, phát triển điện áp mái phía trên và tận dụng khoảng trống phía dưới để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Chị Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc trang trại Ngũ Thường Mekong mạnh dạn đầu tư hơn 20 tỷ
đồng làm nông nghiệp tuần hoàn một cách bài bản ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Mô hình sản xuất tuần hoàn được bắt đầu từ công đoạn trồng và thu hoạch nấm. Chị Nhật Hằng chia sẻ: Từ đầu năm 2021, 10 nhà trồng nấm rơm với tổng diện tích khoảng 350m2 được đưa vào sản xuất. Sau khi thu hoạch xong bả rơm thải sẽ được ủ men vi sinh tạo thành phân bón hữu cơ để trồng cỏ voi, rau và nuôi trùn quế. Mỗi ngày trang trại thu hoạch từ 30 – 35 kg nấm rơm, mang về doanh thu khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Cỏ voi sau thời gian trồng và phát triển trở thành nguồn thức ăn cho bò. Chất thải từ bò lại được tái sử dụng trở thành thức ăn cho trùn quế sinh trưởng tốt. Trùn quế được tận dụng làm thức ăn cho gà, vịt, cá.
Một góc trong trang trại tuần hoàn hơn 8.000m2 của chị Lữ Thị Nhật Hằng
Hệ thống tuần hoàn này không chỉ tận dụng được những phế phẩm bỏ đi, giảm tối thiểu chất thải đưa ra môi trường. Đặc biệt còn giảm được tối thiểu nhân công vận hành trang trại. Hiện nay, nông trại cũng đã xây dựng và đưa vào sản xuất 4 nhà trùn quế với diện tích 400m2. Trùn quế ngoài sử dụng trong nông trại còn được bán thương phẩm với giá 50.000 đồng/kg trùn tươi hoặc đông lạnh.
Nói về cơ duyên xây dựng nên trang trại theo xu hướng tuần hoàn, chị Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc trang trại Ngũ Thường Mekong chia sẻ: Đây là khu vực dân cư nên hiệu quả của mô hình này là có thể xử lý được triệt để chất thải để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bắt nhịp với xu hướng lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, các vật nuôi nếu được chăm sóc bằng các sản phẩm hữu cơ sẽ phát triển tốt, an toàn với người tiêu dùng.
Mô hình nuôi trùng quế góp phần tận dụng tối đa phế phụ phẩm của ngành trồng trọt,
chăn nuôi, tạo nguồn phân hữu cơ cung cấp cho ngành nông nghiệp khác
Chị Nhật Hằng cho biết thêm, khi mới bắt tay thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, chị phải đi nhiều nơi, xắn tay vào làm tất cả để có kinh nghiệm. Đặc biệt, phải mạnh dạn đổi mới và đầu tư để có hiệu quả như hôm nay.
“Bước sang năm thứ hai, trang trại đã mang về thu nhập hàng tháng từ 400 – 500 triệu đồng/tháng, thông qua nguồn thu từ điện áp mái và bán thương phẩm các cây trồng vật nuôi trong trang trại”, chị Nhật Hằng cho biết thêm.
Nguồn phân bón hiện tại của trang trại được sử dụng hoàn toàn từ phân hữu cơ tái sử dụng từ nguồn phế phụ phẩm. Chất thải của loài này sẽ là thức ăn, phân bón của loài khác. Tất cả cứ như thế tạo thành vòng tuần hoàn, khép kín, hợp lý và khoa học. Ngoài phát triển nông nghiệp, trang trại Ngũ Thường Mekong hiện đang là điểm cho các sinh viên trường Đại học Cần Thơ đến nghiên cứu, tìm hiểu và làm quen với nông nghiệp tuần hoàn.
Khai thác triệt để giá trị
Nông nghiệp tuần hoàn có lẽ là khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều nông dân. Nhưng thực tế, nó chỉ đơn giản là tận dụng những thứ tưởng như không còn giá trị sử dụng, bỏ đi. Đó là phế phẩm nông nghiệp để tái sử dụng làm thành phân bón, thức ăn cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khác. Việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm tối thiểu sự lãng phí và lượng chất thải đưa ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa nông nghiệp tuần hoàn so với cách làm nông nghiệp truyền thống.
Vào tháng 12/2020, với sự hỗ trợ từ UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nông trại Ngũ Thường Mekong đã đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái có hiệu suất 4.000 kWh/ngày, mang về doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng. Song song đó, việc tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để cung cấp làm nguyên liệu đầu vào cho nuôi trồng tạo ra các sản phẩm an toàn, giảm lãng phí, giảm tối thiểu lượng chất thải ra môi trường.
Chị Lữ Thị Nhật Hằng cho biết, với những kết quả bước đầu mô hình mang lại, trang trại sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng để phát triển thêm mảng du lịch sinh thái, hướng tới mục tiêu nâng cao lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm.
Hệ thống điện áp mái được đầu tư tạo nguồn năng lượng sạch phục vụ hoạt động sản xuất của trang trại
Đánh giá về hiệu quả mô hình nông nghiệp tuần hoàn đối với địa phương, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: Mô hình kinh tế tuần hoàn hiện đang là hướng phát triển của huyện Phụng Hiệp và được ngành nông nghiệp quan tâm, chỉ đạo nhằm khép kín, liên kết đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, huyện Phụng Hiệp cũng đang xây dựng và hướng nông dân đến đầu tư nông nghiệp an toàn, sau đó nâng lên nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã xây dựng và nhân rộng khoảng 200 mô hình kết hợp làm nền tảng phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín sản xuất.
Theo PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa, Phó trưởng Bộ môn Khoa học đất – Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ: Hàm lượng dinh dưỡng trong các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản rất tốt, việc tận dụng nguồn phế phụ phẩm này là rất cần thiết. Quy trình này phải được thực hiện khép kín trên một nông trại mới có thể khai thác triệt để. Theo đó, tạo ra một sản phẩm mới có giá trị kinh tế, tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất.
Với mô hình nuôi trùn quế, PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa đánh giá, phân trùn quế là kết quả của sản phẩm phân hủy các sản phẩm hữu cơ mà trùn ăn được như rau, củ, quả, thậm chí là các thức ăn dư thừa trong nhà bếp của hộ gia đình. Phân trùn quế có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho cây trồng và cải tạo được đất. Mô hình này ở quy mô nông hộ, bà con nông dân hoàn toàn có thể tận dụng phụ phế phẩm để phát triển mô hình này, từ đó đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Với áp lực giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, nhận thức của các địa phương và bà con nông dân đang chuyển đổi rất mạnh sang hướng nông nghiệp tuần hoàn, bền vững, thân thiện với môi trường để nâng cao lợi nhuận.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Hiện nay, Việt Nam rất có tiềm năng đối với lĩnh vực phân bón hữu cơ. Riêng phế phụ phẩm tiềm năng trong nông nghiệp là hơn 200 triệu tấn. Nếu tận dụng tối đa phế phụ phẩm này để giảm giá thành, sẽ vừa góp phần hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp xanh và tạo tập quán cho người dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đó là không phải lúc nào cũng cần phải sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...