Vượt qua muôn vàn khó khăn, sau gần 10 năm ròng rã, thương hiệu chè Trọng Nguyên đã có một chỗ đứng nhất định trên bản đồ tinh hoa nông sản Việt.
Đồi chè tại xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
Gần 10 năm ròng rã xây dựng thương hiệu chè Trọng Nguyên
Giữa Festival trái cây, sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 được tổ chức tại Quảng trường Tây Bắc (TP Sơn La) vào cuối tháng 5 vừa qua, vừa rót mời khách tham quan gian hàng những chén nước chè nóng hổi, thơm phức và còn bốc khói nghi ngút, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), vừa bồi hồi nhớ lại hành trình gần 10 năm ròng rã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Trọng Nguyên trứ danh ngày hôm nay.
Năm 2013, thời điểm nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có nguy cơ cao rơi xuống bờ vực phá sản cũng là lúc HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận ra đời. HTX như một chiếc phao cứu sinh cho người nông dân trồng chè khi đã cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho bà con địa phương vào thời điểm đó.
Năm 2015, HTX đã được giao vùng nguyên liệu trồng chè và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất. Năm 2018, nhờ sự quan tâm của huyện Thuận Châu, thương hiệu sản phẩm chè Phỏng Lái ra đời. Năm 2019, HTX đã chính thức cho ra mắt sản phẩm chè Trọng Nguyên và được đánh giá là sản phẩm OCOP 4 sao.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận.
Cho đến nay, sau gần 10 năm đằng đẵng tìm lối đi cho sản phẩm chè Trọng Nguyên, cuối cùng bà Nguyễn Thị Bình đã có thể nở nụ cười tươi với thành quả đạt được. Sản phẩm chè Trọng Nguyên sau khi đưa ra thị trường đã được khách hàng đón nhận và được đánh giá là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực vào năm 2020. Năm 2021, sản phẩm OCOP 4 sao chè Trọng Nguyên là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam về khó khăn mà HTX gặp phải trong những năm đầu tiên, bà Nguyễn Thị Bình cho biết, do cơn khủng hoảng mà sản phẩm chè gặp phải lúc bấy giờ, nhiều bà con đã muốn phá bỏ vùng chè để trồng cây cà phê. HTX cũng như bà Bình đã phải động viên, tuyên truyền để bà con nông dân tiếp tục vững tin vào cây chè.
Thời điểm HTX được giao vùng nguyên liệu, diện tích trồng chè là hơn 300ha, cho đến nay đã lên tới 1.300ha. Nhiều đơn vị, công ty và HTX cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nên giá cả đã ổn định hơn thời gian đầu rất nhiều.
“Khó khăn nhất phải là năm 2016 khi tất cả các đơn vị xuất khẩu chè đều gặp phải rào cản dư lượng chất cấm và tiêu chí đánh giá chất lượng đến từ thị trường Đài Loan. Sau đó, với sự vào cuộc, giúp đỡ của các đơn vị cũng như chính quyền địa phương, nhận thức trong sản xuất của bà con trồng chè đã được nâng cao, qua đó có thể đảm bảo những yêu cầu từ thị trường khó tính như Đài Loan”, bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại.
Du khách thưởng thức chè Trọng Nguyên tại Festival trái cây, sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022
Để chất lượng sản phẩm chè Trọng Nguyên ngày càng được nâng cao, HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận đã lựa chọn sản xuất tại những nương chè được đảm bảo chăm sóc, thu hái, chế biến theo tiêu chuẩn, quy trình hữu cơ.
Hiện tại, bà con nông dân đã có thể yên tâm sản xuất, sản phẩm chè Trọng Nguyên không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn phục vụ cho việc xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan. Mỗi năm, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 – 40 tấn chè Trọng Nguyên; thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 – 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi.
Niềm tự hào của tỉnh Sơn La
Nhâm nhi chén chè Trọng Nguyên, bà Phạm Thị Lý (người dân xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nheo nheo mắt tận hưởng vị ngọt trong cổ họng mà ngụm chè mang lại. Vị ngọt ấy vừa có sự chỉn chu, vừa có sự đậm đà và lưu giữ trong cổ họng của người thưởng thức rất lâu.
“Mọi người ai cũng yêu thích món chè này. Sản phẩm được sản xuất, chế biến sạch sẽ theo đúng tiêu chuẩn và được đóng gói theo mẫu mã đẹp nên chúng tôi đều tự hào về sản phẩm của quê hương. Chè Trọng Nguyên mà để làm quà tặng, quà biếu thì thật là yêu!”, bà Phạm Thị Lý bày tỏ.
Gian hàng trưng bày nông sản và sản phẩm OCOP huyện Thuận Châu tại Festival trái cây, sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022
Theo bà Quàng Thị Phượng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thuận Châu, đến với chương trình Festival trái cây, sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, huyện Thuận Châu rất tự hào khi được đưa sản phẩm chè Trọng Nguyên giới thiệu với bạn bè du khách. Thông qua chương trình Festival này, huyện Thuận Châu cũng đã kết nối được với một số các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về chè Trọng Nguyên nói riêng và các sản phẩm OCOP của địa phương nói chung.
Sản phẩm chè Trọng Nguyên là 1 trong 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của huyện Thuận Châu. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục duy trì phát triển vùng nguyên liệu chè tại xã Phỏng Lái và định hướng phát triển theo xu hướng của thị trường hiện nay là áp dụng khoa học công nghệ cao và sản xuất theo hướng hữu cơ.
“Đối với các sản phẩm có thể đáp ứng được thị trường khó tính hiện nay, huyện Thuận Châu cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chế biến. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ máy móc hiện đại trong khâu trong chế biến, bảo quản để sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính”, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thuận Châu cho hay.
Thương hiệu chè Trọng Nguyên là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Sơn La, cho biết, hiện nay, Sơn La có 30 sản phẩm OCOP 4 sao. Nổi bật là sản phẩm chè Trọng Nguyên được HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận quan tâm từ việc chăm sóc vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ. Quá trình sản xuất chè Trọng Nguyên cũng đã đảm bảo tiêu chuẩn theo đúng quy định trong việc đánh giá sản phẩm OCOP.
“Đặc biệt mẫu mã sản phẩm gắn liền với thiên nhiên, gốc tre được làm thành vỏ hộp sản phẩm rất bắt mắt và phù hợp làm quà biếu, quà tặng khi đối ngoại, tặng cho du khách quốc tế. Đây là một sản phẩm không chỉ có thể cạnh tranh tại thị trường trong nước mà còn có thể cạnh tranh trên cả thị trường quốc tế”, bà Hoàng Thị Thu Hiền nhận định.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...