Kể từ khi đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019, gạo đặc sản ST25 của Việt Nam đã nhanh chóng chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Nhật Bản… Nhờ đó giá của loại gạo này cũng tăng rất cao, lên đến hơn 1.000 USD/tấn.
Nhu cầu xuất khẩu tăng cao, giá gạo ST25 lên đến hơn 1000 USD/tấn
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng đột phá với khối lượng lên đến gần 4.700 tấn, giá trị thu về 5 triệu USD, tăng mạnh 82,8% về lượng và tăng gấp đôi về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, chỉ sau 5 tháng đầu năm xuất khẩu gạo ST25 đã gần bằng cả năm ngoái. Được biết, năm 2021, xuất khẩu gạo ST25 của Việt Nam đạt 5.200 tấn với trị giá 5,1 triệu USD, tăng hơn 4 lần cả về lượng và trị giá so với năm 2020.
Không chỉ tăng về khối lượng, giá xuất khẩu gạo ST25 cũng đang ở mức rất cao. Bình quân 5 tháng đầu năm nay đạt 1.064 USD/tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi so với giá xuất khẩu gạo trắng thông thường.
Đặc biệt, gạo ST25 của Việt Nam hiện lọt Top đầu về giá bán của thế giới, cao hơn mức giá xuất khẩu trung bình 983 USD/tấn của gạo Basmati của Ấn Độ và chỉ thấp hơn mức giá 1.082 USD/tấn của gạo Thái Hom Mali.
Giá xuất khẩu bình quân gạo ST25 của Việt Nam so với Thái Lan và Ấn Độ (USD/tấn)
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhu cầu gạo ST25 đang ở mức cao và sản lượng làm ra không đủ bán
Hiện nay, mặc dù gạo ST25 mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 0,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng với chất lượng và thương hiệu đã được công nhận, đây sẽ là sản phẩm chủ lực để hạt gạo Việt thâm nhập vào phân khúc thị trường cao cấp trên thế giới.
Trong tương lai, gạo ST25 được kỳ vọng có thể cạnh tranh sòng phẳng với một số loại gạo có tên tuổi khác trên thế giới như gạo Hom Mali của Thái Lan hay gạo Basmati của Ấn Độ.
Chinh phục nhiều thị trường khó tính
Dù mới được đưa vào xuất khẩu trong vài năm trở lại đây nhưng gạo ST25 của Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Canada…
Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 3.370 tấn trong 5 tháng, tăng 36,1% so với cùng kỳ và chiếm hơn 70% tỷ trọng. Những năm gần đây nhu cầu đối với gạo đặc sản tại Mỹ ở mức cao do dân số người Mỹ gốc châu Á đang tăng nhanh.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo ST25 sang Đức tăng tới 45 lần so với cùng kỳ, đạt 875 tấn. Qua đó đưa thị trường này lên vị trí thứ hai về tiêu thụ gạo ST25 của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 19%.
Tương tự, xuất khẩu gạo ST25 tới Australia tăng 10 lần, đạt 187 tấn; sang Canada tăng gấp 3 lần, lên mức 64 tấn… Bên cạnh đó, một số thị trường mới mà gạo ST25 đã đặt chân đến như: Nhật Bản (100 tấn), Singapore (28 tấn)…
Với thị trường Nhật Bản, ngày 30/6, tại thủ đô Tokyo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An mà công ty đã đưa thành công vào thị trường Nhật Bản, theo TTXVN.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam có mặt tại thị trường Nhật Bản.
Việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản.
Đồng thời Đại sứ cũng cho biết “Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, chúng ta phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật. 600 tiêu chuẩn kỹ thuật là một yêu cầu rất khắt khe, cộng vào đó là sự khó tính của người tiêu dùng Nhật Bản. Vì vậy, tôi cho rằng đây là một thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại đã đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản.”
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, cho biết công ty đã bắt đầu tập trung vào việc sản xuất gạo ở đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2017, với mô hình bao tiêu lúa canh tác trực tiếp từ nông dân.
Ông Trung khẳng định: “Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân đã mang lại sản phẩm gạo sạch, đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mà còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân.”
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...