6 tháng đầu năm ghi nhận đà tăng trưởng của ngành tôm và nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh bùng nổ. Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm nay, ngành tôm được cho là sẽ gặp nhiều rào cản lớn về thiếu nguyên liệu, lạm phát tăng cao và rủi ro tỷ giá.
Xuất khẩu tôm tăng mạnh trong nửa đầu năm nay
Trong nửa đầu năm 2022, ngành tôm ghi nhận đà tăng trưởng mạnh sau một năm khó khăn do COVID-19. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay còn được cho là do chi phí cước tàu tăng, góp phần làm tăng giá bán.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đánh giá có nhiều yếu tố khiến kim ngạch xuất khẩu tôm có kết quả tích cực, trong đó phải kể đến tiêu thụ tôm tăng do tác động một phần từ lạm phát.
Ngoài ra, cuối năm 2021 nhiều doanh nghiệp tôm giảm chế biến, nay dồn cho đầu năm bởi các vấn đề hậu COVID-19. Chi phí cước tàu tăng đã góp phần tăng “ảo” thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Hậu quả COVID-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay và lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm.
Hàng loạt thị trường tiêu thụ tôm truyền thống ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2022 như EU (378 triệu USD, tăng 48%), Trung Quốc (gần 333 triệu USD, tăng 84%), Nhật Bản (378 triệu USD, tăng 15%).
Gần đây, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhiều quy định phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam.
Còn tại EU, nhu cầu đang hồi phục sau COVID-19, nên mặc dù cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các doanh nghiệp Việt tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này. Ngoài ra, hiệp định thương mại tự do EVFTA càng là yếu tố thuận lợi trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU.
Doanh nghiệp tôm báo lãi kỉ lục
Hoạt động xuất khẩu tôm thuận lợi trong nửa đầu năm nay giúp các ông lớn trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Dẫn đầu trong các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và đứng thứ 2 trong các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản là Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX) với kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ, theo số liệu của VASEP.
5 tháng đầu nămCTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xuất khẩu được được 20.342 tấn tôm, tương đương 266,4 triệu USD tăng lần lượt 8,64% và 25,27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2022, Minh Phú đặt chỉ tiêu lượng xuất khẩu 64.600 tấn, giá trị xuất khẩu tương đương 796 triệu USD. Đồng thời, Minh Phú nhắm tới doanh thu gần 19.000 tỷ đồng (tương đương 817 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.266 tỷ đồng (tương đương 54,6 triệu USD).
Cùng lúc, Sao Ta ghi nhận 1.411 tỷ đồng doanh thu thuần, 118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 21,5% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của Sao Ta.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Sao Ta đạt 2.739 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt gần 29% và 42% so với nửa đầu năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp tôm khác vẫn giữ được tăng trưởng cao như: Công ty CP dịch vụ và Thuỷ sản Cà Mau (CASES) tăng 47%, Thuận Phước tăng 13%, công ty Tài Kinh Anh tăng 73%. Đáng lưu ý có công ty TNHH MTV SX TM Anh Nhân bứt phá ngoạn mục với doanh số gấp gần 5 lần so với cùng kỳ.
“Tiền cát, hậu hung”
Mặc dù ngành tôm có những khởi đầu thuận lợi nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu của sự chững lại và những tháng cuối năm được dự báo sẽ khó khăn hơn nhiều. Doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhu cầu chững lại và tình hình lạm phát thế giới ngày một tăng cao.
Tháng 6 là tháng đầu tiên trong năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm, sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó. Theo đó, giá trị xuất khẩu tôm giảm nhẹ 1% xuống gần 416 triệu USD.
Nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU chững được coi là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6 không được như mong đợi.
Lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân, họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Tôm cũng được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ của người dân có phần chững.
Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên tồn kho còn nhiều. Những ách tắc về hậu cần như chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt hơn.
Giới chuyên gia dự báo phải đến tháng 9, nhu cầu tại Mỹ mới tăng trở lại bởi đây là thời điểm các nhà nhập khẩu tăng cường mua hàng để chuẩn bị cho các đợt lễ tết cuối năm.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong các tháng của quý II năm nay thấp hơn so với các tháng quý I.
“Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD.
Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể chững và dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm”, VASEP nhận định.
Bản thân các doanh nghiệp cũng tỏ ra khá bi quan trước triển vọng thị trường tiêu trong nửa cuối năm nay.
Trước đó, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận định nửa cuối năm 2022 là khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường tôm.
“Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”, ông Quang chia sẻ tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 6.
Do đó, tổng giám đốc Minh Phú cho rằng năm nay lượng và giá trị xuất khẩu có thể thấp hơn so với kế hoạch nhưng lợi nhuận “chắc chắn năm nay sẽ đạt”.
Đối với CTCP Thực phẩm Sao Ta, mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là quý II lãi kỷ lục nhưng công ty cũng tỏ không mấy lạc quan về kết quả cuối năm nay.
Công ty nhận định trong thời gian tới, lạm phát có thể khiến sức cầu không như ý và giá cả tiêu thụ khó cải thiện. Nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì dân chùn tay thả nuôi vụ hai do dịch bệnh còn tiềm ẩn.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta dự báo các doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì biến đổi khí hậu khiến môi trường không đáp ứng nhu cầu sinh lý con tôm, nông dân e ngại việc thả nuôi. Mặt khác, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến khoảng ba tuần vì dịch bệnh trên con tôm.
“Mọi năm, đầu quý III là cao điểm mùa tôm chính của năm, các doanh nghiệp chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Hiện nay, mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các doanh nghiệp tôm là 2/3; thậm chí có ngày chỉ chỉ 1/2.
Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng”, ông Lực nói.
Ngành tôm đã khó lại thêm khó khi giá tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ có xu hướng giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tôm Việt cũng phải cạnh tranh với tôm không bị áp thuế chống bán phá giá từ Indonesia khiến triển vọng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ không mấy khả quan.
Tuy nhiên, VASEP lạc quan cho rằng cả năm 2022, xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng ít nhất 10% nhờ kết quả trong 6 tháng đầu năm tốt.
“Thành quả của 6 tháng đầu năm được coi như là nền tảng để ngành tăng tốc, cộng với sự linh hoạt của người nuôi tôm, sách lược thị trường phù hợp của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay dự kiến vẫn tăng trưởng ít nhất 10%, đạt khoảng 4,2 tỷ USD”, VASEP nhận định.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...