Mày mà đi học làm rau sạch là tao dùng nỏ bắn đấy’ – anh Hoàng Văn Hùng bực mình tuyên bố khi nghe vợ thông báo sẽ đi học lớp rau sạch…

Bán được rau xin đi đầu xuống đất

“Lúc đó tôi không cho vợ đi học về rau sạch bởi nghĩ sản xuất ra rồi bán đi đâu khi ngoài kia đầy rau, chỉ 2.000 – 3.000đ/mớ to đùng. Tôi còn bảo với vợ rằng, nếu bán được thì xin đi đầu xuống đất”, anh Hoàng Văn Hùng vừa nói với tôi vừa cười khì khì khi có cả mặt vợ mình, chị Hoàng Bích Thùy – Trưởng nhóm Rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chị thì bảo, khi đó chỉ biết nhẫn nại, vừa đi học vừa lo toan chu đáo việc lợn gà, rau cỏ, cơm nước ở nhà để chồng dần đổi ý.

Vợ chồng chị Thùy tại trang trại chăn nuôi hữu cơ của gia đình

Chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi chị Thùy cùng 6 chị em trong xóm xin đi học về rau hữu cơ. Học thì học vậy nhưng khi cô giáo bảo tìm một thửa ruộng để thực hành, ai cũng chối đây đẩy vì sợ không thành công, chị đành lấy luôn mảnh đất nhà mình ra để làm mẫu. Bà con xì xào, nào là không cấy lúa lấy gạo ăn mà lại trồng rau? Nào là trồng rau không bón phân hóa học sẽ vàng khè ra, làm sao mà bán được?

Cuối cùng, ruộng thí điểm cũng thành công, cô giáo của chị phải cho chồng vào mua giúp với giá 10.000đ/kg để động viên vì lúc đó còn là giai đoạn chuyển đổi sang hữu cơ, chứ chưa được cấp chứng nhận hữu cơ PGS. Thấy chị trồng rau được, mọi người mới lập ra nhóm Rau hữu cơ xóm Gừa với 7 thành viên, dồn đất ở cánh đồng ông Rốt lại để cùng sản xuất.

Khi có chứng nhận hữu cơ PGS, anh Hùng cùng một thành viên nam trong tổ nữa đi xe máy xuống Hà Nội cùng 28kg rau, 12kg dưa để tìm đầu ra. Có trong tay tên mấy cửa hàng nhưng địa chỉ cụ thể không biết, hỏi công an giao thông, lắc đầu, hỏi người đi đường, cũng lắc đầu nốt. Vừa đi họ vừa mở bản đồ nhưng vẫn lạc lung tung, trưa, tối mệt quá cứ tìm gốc cây mà ngủ, tay ôm khư khư điện thoại vì sợ bị cướp, chân gác lên xe máy vì sợ trộm. Mất hai ngày rưỡi như thế họ mới tìm được xong mấy địa chỉ, mất đúng 1 triệu tiền xăng.

Trang trại chăn nuôi hữu cơ của vợ chồng chị Thùy

Chuyến thứ hai, vợ chồng anh cùng đi với 1,2 tạ rau trên xe máy, lần này vẫn lạc tiếp. Đói, một cái bánh mì pa-tê chia đôi ăn rồi lại dò hỏi đường. Khi bán được hết rau với giá 10.000đ/kg thì mọi mệt nhọc như tan biến hết. Hóa ra rau sạch cũng có giá trị rồi, anh Hùng mừng rỡ.

Vậy là ngày chị cào cỏ, vun bón cho ruộng rau, tối thu hoạch, đóng gói đến tận 11 – 12 giờ khuya, để 3 giờ sáng anh vượt hơn 40km chuyển ra TP Hà Nội giao cho kho của một cửa hàng thực phẩm sạch. Lúc đi buồn ngủ anh cũng không dám dừng lại vì thời hạn giao hàng đã cố định, lúc về buồn ngủ rũ mắt, lắm khi anh đành phải dừng xe ngủ một chốc rồi lại đi tiếp, để hơn 5 giờ ăn sáng vội đi làm thợ hàn, thợ xây.

Còn chị thì 4 giờ sáng đã dậy thu hái rau để mang đi chợ huyện Lương Sơn hay gửi lên TP Hòa Bình. Suốt 3 năm như thế, họ chỉ ngủ mỗi tối 4 – 5 giờ, về sau khi cửa hàng rau sạch thuê được xe vận chuyển mới thôi. Cũng nhờ sản xuất rau hữu cơ mà anh được đi triển lãm nông nghiệp ở đường Hoàng Quốc Việt trên Hà Nội (Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp), mua bộ comple đầu tiên trong đời, và cả hai vợ chồng được đi máy bay lần đầu tiên khi tham quan mô hình ở Hội An (Quảng Nam).

Những thửa ruộng của nhóm Rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên

2 năm sau, anh Hùng chủ động bàn với vợ mở trang trại chăn nuôi hữu cơ với đủ loại lợn, gà, vịt. “Con gà người ta nuôi tính ăn bao nhiêu kg cám công nghiệp để ra được 1kg thịt, còn tôi không hề tính, cứ cho chúng ăn ngô, sắn, lúa, rau tự mình làm ra. Gà họ nuôi trong chuồng 35 – 40 ngày đã bán, không biết đi, có thả ra ngoài chỉ đứng run lẩy bẩy, còn gà tôi nuôi 6 – 7 tháng, suốt ngày chạy bộ, leo cây ăn quả chín”, anh Hùng kể.

Toàn là bà, là cụ trên đồng

Chị Thùy tâm sự: “Cả chăn nuôi lẫn trồng trọt hữu cơ khâu đầu ra đều khó, không kiên trì là dễ bỏ dở. Tôi luôn nghĩ làm ra sản phẩm an toàn trước tiên là để nhà mình ăn, sau đó đến cộng đồng. Hiện nay 2 tổ rau hữu cơ của chúng tôi có 20 thành viên với tổng diện tích 2ha. Bà con bỏ công sức sản xuất còn tôi làm đầu mối chở đi tiêu thụ. Với giá bán 15.000đ/kg, thành viên phải trích lại 1.500đ/kg, trong đó 500đ để đóng phí quản lý, còn tôi được 1.000đ nhưng phải mất tiền mua túi, hóa đơn.

Nhóm rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên gồm toàn là bà, là cụ

Đã 2 lần tôi bị bên mua hàng “bùng” tiền không trả, mỗi lần 10 – 15 triệu đồng rồi, giờ lần này 50 – 60 triệu đồng cũng mấy tháng chưa đòi được, gọi điện thì họ không nghe máy, gọi zalo thì họ chặn. Trong khi đó, tiền rau tôi vẫn phải trả cho bà con vì mình là trưởng nhóm, đứng mũi, chịu sào. 2 đầu mối vì thế giờ chỉ còn 1, mỗi ngày lấy trung bình 30 – 50kg, sản lượng còn lại vẫn khá bấp bênh về đầu ra”.

Xế chiều, tôi cùng chị Thùy ra cánh đồng để gặp nông dân trong nhóm sản xuất rau hữu cơ xóm Gừa. Có 12 người của 1 tổ thì 4 đã lên chức bà, 8 đã lên chức cụ, trẻ nhất là trưởng nhóm 44 tuổi, già nhất là bà Hoàng Thị Nghĩa 77 tuổi – giáo viên về hưu đang làm thay cho con để khỏi phải bỏ hoang 1,5 sào ruộng.

Bà Hà Thị Mến, thành viên 69 tuổi của nhóm xởi lởi kể: “Sản xuất hữu cơ vừa có rau sạch để gia đình ăn, vừa có lương 1,5 – 2 triệu đồng/tháng. Những khi đi đại hội, các bà mặc váy Mường, các chị mặc váy bằng rau vui lắm, nhưng cũng có những lúc ế hàng, không có lương, buồn lắm. Bà ở đây chăm cây thì ông ở nhà nấu ăn, dọn dẹp. Mùa hè 5 – 6 giờ sáng bà đã ra ruộng làm rồi, 8 giờ nắng lên thì về, chiều 3 giờ ra làm tiếp đến tối.

Ăn rau mình làm rất yên tâm, chứ đợt tổ chức đám cưới cho đứa cháu, bà làm trưởng đoàn đi đưa dâu mà bữa đó đĩa đậu cô ve xào ngon quá, cứ giòn sần sật, ăn đến nửa đĩa thì bà bị ngộ độc, tưởng chết. Giờ cháu đó đã con khá lớn rồi mà bà nhìn thấy rau ở chợ vẫn cứ sợ. Rau trong nhóm bà con chỉ bón có phân chuồng ủ kỹ, phun thuốc trừ sâu bằng tỏi, ớt, gừng tự chế.

Đóng gói sản phẩm chuẩn bị xuất bán

Trồng rau bình thường quá dễ vì toàn bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu chứ làm như các bà có lúc bọ nhảy phá tan tành hết rau cải, sâu xanh bắt không kịp, cắn cải bắp cứ như tằm ăn rỗi. Sản xuất hữu cơ trồng cái gì cũng phải đúng mùa, như rau muống trái mùa bây giờ không lên được, thế mà họ trồng tự do ngày nào cũng hái cả trăm mớ ”.

Cân xong rau, mỗi thành viên ghi vào sổ số lượng hàng của mình ngày hôm đó để cuối tháng cộng lại, tính tiền.

Rảnh rỗi, cả nhóm lại bỏ mía, khế, chuối ra cùng ăn, khát đã có sẵn nước giếng khơi tưới rau sạch đến mức có thể uống luôn tại chỗ. Gió đồng hây hẩy, đưa đẩy câu chuyện giữa họ mỗi lúc thêm mặn mà.

Thành viên trẻ nhất nhóm là chị Thùy luôn tay, luôn chân, lúc nhao đi cắt cỏ cho 3 con bò, đưa chúng vào chuồng, lúc về trang trại tắm cho 10 con lợn, cho đàn vịt 50 con, đàn gà 200 con ăn rồi mới lại nhà. Bữa cơm tối hôm đó diễn ra trong khung cảnh ấm cúng với gà hữu cơ luộc và một đại tiệc của rau với 4 loại gồm xà lách ta, rau húng, cải ngọt, cải cay, 2 loại nước chấm gồm sốt cà chua trứng, sốt giấm trứng.

Chị Thùy bên rổ rau hữu cơ vừa hái

Đĩa rau hết trước đĩa thịt khiến cho gia chủ liên tục phải vào bếp để tiếp tế. Rau hữu cơ trồng ven núi, loại cay thật là cay, loại đắng thật là đắng, loại ngọt thật là ngọt, loại thơm thật là thơm và tất cả đều đậm đà. Sau khi ăn mùi thơm, hậu vị của chúng vẫn còn đọng lại mãi ở nơi cuống lưỡi, bờ môi.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Trồng rau nhút, cực nhọc nhưng có tiền
‘Trồng khoai tây trong không khí’ có thể tăng lợi nhuận tới 20%

Bài viết mới nhất