Trồng rau nhút là công việc vô cùng cực nhọc, người lao động không chỉ suốt ngày phải dầm mình dưới nước, mà còn thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm…

Từ lâu, các chi lưu của sông Vàm Thuật bắt nguồn từ sông Sài Gòn, chảy đan xen trên địa bàn quận 12, TP.HCM đã hình thành nên khá nhiều các “xóm rau nhút” (nhiều nơi gọi là rau rút) tại các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc và Thới An, trong đó, diện tích và số người dân trồng rau nhút tại phường Thạnh Xuân là nhiều nhất.

Nhiều chục năm về trước, trồng rau nhút là công việc thường ngày của người dân bản địa, thế nhưng vài thập kỷ trở lại đây, khi đà đô thị hoá phát triển mạnh mẽ, đại đa số người dân ở các vùng miền khác tới đây thuê đất để canh tác rau nhút, chứ còn rất ít người bản địa làm công việc này.

Trồng rau nhút là công việc vô cùng cực nhọc, vất vả khi người lao động không chỉ suốt ngày phải dầm mình dưới nước, mà còn thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, thậm chí ăn cơm ngay ngoài ruộng để chăm sóc, phun thuốc, hớt bèo tấm, hái rau cho kịp lứa… Bù lại, công sức người dân bỏ ra cũng tương xứng với nguồn thu nhập khá ổn định, khi mỗi sào đất (1.000m2) với nhiều lứa rau thu qua 1 năm có thể mang lại cho người trồng khoảng 50 – 70 triệu đồng, sau khi đã trừ hết mọi chi phí đầu tư…

Người trồng rau nhút thường phải dầm mình liên tục trong nước rất cực nhọc

Công việc quá vất vả

Tiếp xúc, trò chuyện với những người dân trồng rau nhút mới thấy nghề này quả lắm gian nan vất vả, khi người lao động phải ngâm, dầm mình dưới những thửa ruộng rau lúc nào cũng ngập nước với mức nước sâu tới thắt lưng.

Đặc thù của loại rau này là trôi nổi trên mặt nước, vì thế trong ruộng mức nước luôn phải được duy trì ít nhất hơn nửa mét, bởi nếu nước cạn rau sẽ phát triển chậm, sản lượng kém, và đặc biệt là không xanh non. Chính vì thế, người trồng rau nhút phải luôn canh chừng mức nước trong ruộng để điều tiết hợp lý, nếu cạn thì bơm vào, còn đầy quá thì tháo bớt đi.

Suốt từ lúc đặt cấy cây giống cho tới khi thu hoạch, người trồng rau không ngày nào là không phải lội xuống dầm mình dưới ruộng rau. Nào giăng dây bắc giàn chia luống, tới khi rau bò lan thì phải dùng tay bắt vào cho gọn hàng. Việc phun thuốc trừ sâu, bón phân xanh cho rau cũng phải thực hiện mấy ngày 1 lần. Đó còn chưa kể vài ngày lại phải lội xuống hớt bèo tấm cho rau có mặt nước thông thoáng để phát triển, cũng như không để chúng ăn hết chất dinh dưỡng trong nước của rau…

Chị Lê Thị Hải, năm nay 35 tuổi, quê Hà Nam, từ 9 năm trước đã cùng chồng và 2 con nhỏ vào quận 12 để mướn 3 sào đất trồng rau nhút. Chị kể: “Tôi đến với nghề trồng rau nhút là do có người bà con tại Khu phố 2, phường Thạnh Xuân rủ vào và chỉ bảo cho quy trình canh tác rau nhút, chứ từ thuở bé đâu biết làm loại rau này.

Với 3 sào đất thuê, 2 vợ chồng chị ngày nào cũng ra ruộng từ 5 giờ sáng, buổi trưa về nhà ăn uống nghỉ ngơi độ 1 giờ, sau đó lại ra ruộng rau làm việc cho tới 6 giờ tối mới về lại nhà. Nếu vào thời điểm thu hoạch rau thì có khi phải đi cắt rau từ 3 giờ sáng, thông qua trưa và mang cơm ăn uống ngay tại chỗ, thậm chí nhiều hôm tới 10 giờ tối mới được nghỉ vì phải cắt đủ số lượng rau để giao buôn cho bạn hàng.

Nghề trồng rau nhút luôn phải ở dưới nước, việc dầm mình, lội ngâm nước lâu hàng chục giờ đồng hồ không chỉ khiến cho cơ thể mệt mỏi, máu dồn xuống tức chân, mà còn khiến cho da chân, da tay trắng bợt, nhợt nhạt, nhăn nheo.

Thu hoạch rau nhút chuẩn bị đưa đi tiêu thụ

Nguồn thu nhập khá, ổn định

Rau nhút là loại rau ngon, rất hợp với các món lẩu và nấu canh chua, vì thế không chỉ người dân mua ăn hàng ngày nhiều, mà các quán hàng cũng đặt mua thường xuyên với số lượng khá lớn, có khi lên tới cả vài trăm bó mỗi ngày. Vậy nên nếu 1 hộ dân trồng rau nhút nào đó, chỉ cần có mối của dăm quán hàng là hiếm khi phải bán rau nhút ở ngoài thị trường, mà lo cung ứng rau cho mối là đã “sống khoẻ”.

Tiếp xúc với nhiều hộ dân có nghề trồng rau nhút ở phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, thuộc địa bàn quận 12 của TP.HCM, hầu hết các hộ đều không giàu nhưng số tiền tích cóp qua mỗi năm cũng kha khá. Ví dụ như gia đình chị Lê Thị Hải, trồng 3 sào rau nhút, mỗi năm vợ chồng chị cũng có nguồn thu lên tới gần 200 triệu đồng. Anh Tuấn, chồng chị Hải bảo: “Thực ra cả 1 năm trời mà 2 vợ chồng kiếm được cỡ ấy cũng đâu có nhiều, chỉ hơn đi làm công nhân chút xíu thôi! Được cái, nghề trồng rau nhút này cho thu rải rác liên tục, ổn định, hơn nữa lại không lo rủi ro nhiều nên vợ chồng tôi cứ chịu khó bỏ công sức ra, gọi là lấy công làm lời…”.

Theo anh Tuấn, “cá biệt” mất vài năm đại dịch Covid-19 hoành hành, gần 1 năm nay, khi dịch Covid-19 đã bớt, nhịp sống dần bình thường trở lại thì thu nhập của những người dân trồng rau nhút đã tạm thời ổn định…

Theo anh Tuấn “tiết lộ”, sau khoảng 9 năm, tính từ lúc 2 vợ chồng dắt díu nhau vào Nam thuê đất trồng rau nhút, thành quả kiếm được đó là vợ chồng anh tiết kiệm mua được mảnh đất gần 1 tỷ đồng ở quê, cộng với xây được ngôi nhà dẫu nhỏ nhưng khang trang trên mảnh đất ấy. Anh Tuấn cũng cho biết ý định của vợ chồng anh là cố gắng trồng rau nhút mấy năm nữa, dành lấy ít vốn liếng rồi về quê làm việc khác, tiện thể chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ già…

Hiện nay, trung bình cứ sau khoảng từ 12 đến 17 ngày là có 1 lứa rau nhút thu hái, tuỳ theo cách chăm bón của chủ ruộng cũng như thời tiết mưa hay nắng nhiều, nên nhẩm tính qua thì trong 1 năm, số đợt rau nhút thu hái được phải lên tới gần 20 lứa.

Những ruộng rau nhút ở ngoại thành TP.HCM

Anh Nguyễn Văn Kiên, quê Đồng Tháp, người lên Sài Gòn thuê đất trồng rau nhút có thâm niên gần chục năm tại Khu phố 7, phường Thạnh Lộc cho biết, với diện tích 1 sào đất trồng rau nhút, qua mỗi lứa cắt rau bán, trừ tất cả chi phí (chưa tính công bỏ ra) như tiền thuê đất, phân bón, thuốc trừ sâu…, người trồng thu được khoảng gần chục triệu đồng. Với hộ trồng cỡ 4 hay 5 sào đất thì nguồn thu mỗi lứa rau đạt 20 đến 35 triệu đồng là bình thường.

Những năm trước, người trồng rau nhút thường bán theo hình thức bó với khoảng từ 10 đến 20 cọng/bó, còn vài năm gần đây được bán theo cân. Ví dụ ở thời điểm hiện tại, với 1 bó rau nhút khoảng 20 cọng được người trồng bán buôn cho thương lái với giá khoảng 20.000 đồng, còn nếu bán theo cân thì giá trong khoảng từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg.

Cũng theo anh Kiên, gia đình anh do trồng nhiều, nhân công ít nên toàn bán buôn rau cho mối, chứ với các hộ trồng diện tích ít, nhân công nhiều, họ cắt rau mang bán lẻ ở chợ thì thu nhập sẽ cao hơn, bởi 1kg rau bán buôn cho mối trong khoảng 15.000 đồng/kg, họ mang ra chợ bán lại cho người tiêu dùng với giá lên tới 25.000 đồng, như vậy lãi tới 10.000 đồng/kg.

Đúng như lời anh Kiên nói, nhiều gia đình chỉ trồng khoảng diện tích nhỏ nhưng nguồn thu nhập lại rất cao, bởi họ làm ra được sản phẩm rau nhút, và bán được “tận ngọn” trực tiếp tới tay người tiêu dùng, chứ không qua thương lái. Ví dụ như chị Trần Thu Huyền, 32 tuổi, quê gốc Trà Vinh, lên Sài Gòn thuê đất trồng rau nhút từ 6 năm nay, mặc dù chỉ có 2 sào nhưng thu nhập hàng năm luôn cao bằng các hộ trồng 3 thậm chí 4 sào đất. Sở dĩ vậy vì gia đình chị cắt rau hàng ngày mang ra chợ bán được giá cao, chứ không bán buôn cho mối.

Chị Huyền kể: “Mỗi hôm gia đình tôi cắt khoảng từ 100 tới 150 bó, chia nhau 2 vợ chồng mỗi người đi bán ở một chợ. Vào lúc lứa rau rộ mùa thì từ 3 giờ sáng 2 vợ chồng đã phải dậy lội ruộng cắt rau, sau đó tới khoảng 6 giờ sáng rửa rau, bó rau xong mới mang đi chợ bán. Tuỳ hôm, có lúc bán chỉ vài giờ là hết, nhưng cũng có hôm ế ẩm bán chậm phải tới trưa, thậm chí tối mịt mới hết rau. Thường buổi sáng nhà tôi cắt rau bán nhiều hơn buổi chiều…”.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Ổi Hoành Bồ 'đổi đời' nhờ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP
Khóc, cười chuyện làm rau hữu cơ của xóm Gừa

Bài viết mới nhất