Sáng ngày 8 tháng 3 năm 2023, Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức cuộc họp để thông tin đến các cơ quan, tổ chức truyền thông, báo chí một số nội dung mới về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính Phủ, ban hành ngày 24 tháng 2 năm 2023.

1. Vai trò của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1048/QĐ-TTg, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai áp dụng Bộ tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 8.689 sản phẩm OCOP (trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,6% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao) của 4.479 chủ thể OCOP (trong đó có 38,1% là HTX, 25,7% là doanh nghiệp, 33,4% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác) được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.

Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối

Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại Chương trình.

Từ kết quả thực tế triển khai từ Trung ương đến các địa phương, Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (sau đây gọi tắt là Bộ tiêu chí OCOP) đã khẳng định vị trí, vai trò gắn với công tác triển khai Chương trình OCOP, cụ thể:

– Là căn cứ để các chủ thể đánh giá, xác định các hạn chế về sản phẩm để tập trung nguồn lực, giải pháp để nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, chế biến và thương mại.

– Là cơ sở để các địa phương xác định tiềm năng, lợi thế để xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp; xây dựng các chính sách đặc thù trong hỗ trợ các chủ thể triển khai Chương trình phù hợp với lợi thế của địa phương.

– Là định hướng gắn với các mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị, bên vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng; góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành ở từng thời kỳ, đồng thời phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương. Chương trình đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với phụ nữ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là: (1) Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP chưa bao hàm đầy đủ các sản phẩm theo 6 Nhóm (theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ), một số sản phẩm chưa được đưa vào phân nhóm và có phiếu đánh giá như: tổ yến, các sản phẩm từ tổ yến; tinh dầu,…  (2) Một số tiêu chí chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề cần quan tâm, đề cập gắn với định hướng, tiếp cận của sản phẩm OCOP, khó thực hiện trong quá trình triển khai (như: nguồn nguyên liệu đối với sản phẩm tươi sống, thực chất phải là nguồn gốc sản phẩm); (3) Cơ cấu điểm của một số tiêu chí chưa phù hợp với định hướng và yêu cầu của Chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng và phát triển kinh tế cộng đồng nông thôn; (4) Quá trình tổ chức đánh giá, phân hạng chưa thực sự chặt chẽ, một số địa phương còn dễ rãi trong quá trình đánh giá ở một số tiêu chí; việc thực hiện đánh giá 2 lần chưa được áp dụng triệt để (một số địa phương chỉ đánh giá 1 lần). Một số địa phương kiến nghị cần nâng cao vai trò của tổ tư vấn giúp việc và chỉ tổ chức Hội đồng đánh giá 1 lần để thuận lợi trong quá trình triển khai ở địa phương,…

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019.

Quang cảnh toàn bộ Chương trình

2. Quá trình xây dựng, tham mưu ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối đã chủ trì dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ tiêu chí OCOP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Bộ tiêu chí OCOP ở các địa phương; nghiên cứu, rà soát, bổ sung những nội dung để phù hợp với quan điểm, định hướng và nhóm sản phẩm OCOP theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành có liên quan và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Về cơ bản, các bộ ngành và địa phương đánh giá cao và thống nhất với dự thảo Bộ tiêu chí OCOP, các nội dung được điều chỉnh, bổ sung cho giai đoạn 2021-2025 đã cơ bản bám sát thực tiễn, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai ở giai đoạn 2018-2020.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ ngành và địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023.

3. Một số điểm mới của Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP

a) Về Bộ tiêu chí OCOP

Về nguyên tắc xây dựng Bộ tiêu chí OCOP: Việc xây dựng Bộ tiêu chí OCOP được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa tối đa Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020 đã được ban hành theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg; chỉ điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương. Cụ thể:

(1) Về phân nhóm sản phẩm trong Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP:

Căn cứ 06 Nhóm sản phẩm OCOP tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP được xây dựng theo hướng: Cơ bản giữ 26 Bộ sản phẩm như Quyết định số 1048/QĐ-TTg, tuy nhiên, thay đổi các bộ sản phẩm, cụ thể: (1) Bổ sung thêm 03 bộ sản phẩm thuộc Nhóm sản phẩm Sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh và động vật cảnh; (2) gộp Nhóm sản phẩm về sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí thành Bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ; (3) Bổ sung một số sản phẩm chưa được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg vào bộ sản phẩm, như: mật ong, tinh dầu,…

(2) Về cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP: Giữ nguyên cấu trúc của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 03 phần (Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; Khả năng tiếp thị; Chất lượng sản phẩm). Tuy nhiên, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 03 phần, thành 40-25-35, cụ thể là: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng: 40 điểm; Khả năng tiếp thị: 25 điểm, và Chất lượng sản phẩm: 35 điểm (cơ cấu theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg là 35-25-40). Lý do điều chỉnh cơ cấu điểm: Nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng tiếp cận và yêu cầu triển khai của Chương trình OCOP, theo đó nâng cao vai trò và giá trị cộng đồng (vùng nguyên liệu địa phương, sử dụng lao động địa phương); nâng cao giá trị, tính đặc trưng của sản phẩm thông qua câu truyện sản phẩm; nâng cao yêu cầu về các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giảm bớt các chỉ tiêu đánh giá chất lượng cảm quan.

(3) Về nội hàm các nội dung của các tiêu chí:

– Bổ sung, làm rõ nội hàm một số tiêu chí để thuận lợi trong hoạt động đánh giá, kiểm đếm, đồng thời thể hiện vai trò thực chất hơn trong hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm của Hội đồng. Cụ thể là: đối với sản phẩm tươi sống thì tiêu chí thể hiện là nguồn gốc sản phẩm (thay vì nguyên liệu); liên kết chuỗi sản xuất được quy định theo khối lượng đầu vào/nguyên liệu đầu vào; làm rõ yên cầu về nguồn gốc ý tưởng sản phẩm theo hướng đặc trưng, nổi trội, bản sắc, trí tuệ địa phương; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn hàng hóa,…

– Điều chỉnh cơ cấu điểm của các chỉ tiêu theo hướng: i) Nâng cao điểm số đánh giá về vai trò và sức mạnh của cộng đồng, như: sử dụng nguyên liệu địa phương (tăng từ 3 điểm lên 5 điểm); liên kết sản xuất (tăng từ 2 điểm lên 3 điểm), sử dụng lao động địa phương (tăng từ 1 điểm lên 3 điểm),…; ii) Nâng cao điểm số đánh giá thể hiện về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm, bao bì sản phẩm trong Bộ tiêu chí,  cụ thể: nguồn gốc ý tưởng sản phẩm (tăng từ 3 điểm lên 5 điểm); trí tuệ/bản sắc địa phương (tăng từ 3 điểm lên 5 điểm); phong cách, ghi nhãn hàng hóa (tăng từ 2 điểm lên 3 điểm).

(4) Bổ sung một số chỉ tiêu mới: Bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, như: sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số,… nhằm phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hướng: chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang phát triển đa ngành, hình thành sản phẩm tích hợp “đa giá trị”,…

(5) Yêu cầu bắt buộc đối với một số tiêu chí theo mức phân hạng sao: Bộ tiêu chí OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg đã Lồng ghép các yêu cầu được quy định tại Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 18/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các yêu cầu tối thiểu cần đạt trong các Bộ tiêu chí chấm điểm. Ví dụ như: yêu cầu sản phẩm có nguồn gốc/nguyên liệu địa phương; năng lực và hợp đồng liên kết sản xuất; sử dụng lao động địa phương; yêu cầu về bản sắc, trí tuệ địa phương của sản phẩm; yêu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ; công bố tiêu chuẩn chất lượng,…

b) Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

(1) Về hồ sơ đăng ký, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP: Quy định về hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được sửa đổi theo hướng giảm bớt các biểu mẫu, như: phiếu đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình; phương án sản xuất kinh doanh,… Bổ sung “Báo cáo tự đánh giá của chủ thể” nhằm mục tiêu: i) giúp chủ thể phân tích, đánh giá và xác định được điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm, đồng thời thể hiện được các nội dung đánh giá của chủ thể theo tiêu chí; ii) làm căn cứ để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp có cơ sở để xem xét, đánh giá.

(2) Về đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP: Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).

Cơ sở để đề xuất phân cấp trong giai đoạn này:

– Về tổng thể chung của Chương trình, việc phân cấp sẽ giúp: (1) Định vị và phân cấp rõ ràng hơn về sản phẩm OCOP (5 sao do cấp Trung ương công nhận; 4 sao do cấp tỉnh công nhận; 3 sao do cấp huyện công nhận), giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ hơn về đặc điểm của sản phẩm; (2) Nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP; (3) Giảm tải khối lượng công việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh;

– Đối với các chủ thể: (1) Giúp nâng cao năng lực hỗ trợ các chủ thể của cán bộ quản lý OCOP cấp huyện, xã; (2) Tạo động lực để các chủ thể OCOP phát triển và hoàn thiện sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, thúc đẩy động lực phấn đấu sản phẩm được đánh giá ở sao cao hơn; (3) Các chủ thể cần tập trung khi xây dựng hồ sơ ngay từ đầu, giúp giảm bớt thời gian, nguồn lực trong chuẩn bị hồ sơ.

(3) Quy định về tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP: Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định họp một (01) lần (thay vì 02 lần theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg). Bổ sung vai trò, nhiệm vụ của Tổ tư vấn Hội đồng để giúp việc Hội đồng trong hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm. Lý do: i) giảm áp lực tổ chức họp Hội đồng (đa phần thành viên là đại diện lãnh đạo của các sở, ngành); ii) bước sang giai đoạn này, các thành viên của Hội đồng các cấp đã nắm và hiểu rõ hơn về hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; iii) các nội dung chuyên sâu, kỹ thuật sẽ do Tổ tư vấn Hội đồng (cũng là đại diện của các sở, ngành) hỗ trợ.

Trên đây là một số nội dung về Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trích từ Thông cáo báo chí của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cung cấp thông tin và gửi tới phóng viên tuyên truyền, thông tin đến các địa phương, đến các chủ thể OCOP để thuận lợi trong quá trình thực hiện./.

 

 

Chia sẻ bài viết

HÀNG GIẢ GÂY ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN XÃ HỘI?
Người phụ nữ “say” nông nghiệp từ tâm niệm báo hiếu

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan