Đi thăm những vùng trồng dược liệu tại Bình Định, Tiến sĩ nông học Trần Thị Liên khẳng định huyện miền núi An Lão là vùng đất đầy tiềm năng phát triển cây dược liệu.

Đoàn công tác của Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế)  kiểm tra

vùng trồng dây thìa canh tại xã An Tân, huyện An Lão.

“Miền đất hứa” của cây dược liệu

Là thành viên trong đoàn công tác của Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) về Bình Định để kiểm tra, đánh giá “Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) của Công ty Cổ phần Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) trồng tại huyện An Lão, TS Trần Thị Liên, Phó phòng Giống dược liệu thuộc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu), khẳng định vùng đất này đầy tiềm năng phát triển cây dược liệu, đặc biệt là xã vùng cao An Toàn, nơi còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh.

Đi qua các vườn dược liệu trồng các loại cây đương quy, chè dây, cà gai leo, thìa canh, hà thủ ô đỏ, ba kích, đảng sâm Việt Nam, đảng sâm Trung Quốc… trong nhà vườn của BIDIPHAR và những vùng dược liệu trồng trên đất rẫy, trồng dưới tán rừng của đồng bào Bana ở xã An Toàn, những người trong đoàn công tác đều “mát mắt” khi nhìn những cây thuốc phát triển sởn sơ, tươi tốt.

TS Trần Thị Liên và Ths-Ds Nguyễn Văn Khang, Trưởng phòng Qủn lý hành nghề y,

dược cổ truyền (Cục Quản lý y, dược cổ truyền) kiểm tra vườn đương quy di

thực của BIDIPHAR trồng tại xã An Toàn, huyện An Lão

Theo TS Trần Thị Liên, lần này Cục Quản lý y, dược cổ truyền về Bình Định để đánh giá duy trì tiêu chuẩn các loại dược liệu gồm: Chè dây, đương quy, cà gai leo và thìa canh theo tiêu chí của GACP-WHO. Đánh giá vùng trồng dược liệu theo tiêu chí GACP-WHO là để truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát đầu vào của các loại dược liệu. Những dược phẩm được sản xuất từ nguồn dược liệu được cấp chứng nhận vùng trồng “Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chí của GACP-WHO” sẽ được người tiêu dùng yên tâm sử dụng vì có nguồn gốc rõ ràng và sẽ dễ dàng tham gia đấu giá cung cấp dược phẩm cho các bệnh viện.

“Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy BIDIPHAR rất quan tâm đến việc tổ chức sản xuất, những vườn dược liệu được đầu tư rất bài bản. Dễ thấy nhất là các vườn dược liệu đều được trang bị hệ thống tưới bán tự động, trên nền đất đều được rải trấu để giữ ẩm và làm tơi xốp đất. Công ty cũng kiểm soát tốt công tác tuyển chọn giống chất lượng trước khi trồng; quy trình sơ chế, chế biến dược phẩm đảm bảo”, TS Trần Thị Liên, chia sẻ.

Cây ba kích tím trồng dưới tán rừng tại xã An Toàn

Theo ông Nguyễn Đức Thiệp, Trưởng Ban quản lý Dự án dược liệu của BIDIPHAR, trong thời gian qua, Công ty đã triển khai trồng dược liệu theo hướng hữu cơ theo tiêu chí của GACP-WHO, có 4 loại dược liệu đã được Cục Quản lý y, dược cổ truyền cấp chứng nhận “Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” vào năm 2018, lần này được kiểm tra, đánh giá duy trì tiêu chuẩn.

Để đạt được những tiêu chí của GACP-WHO, BIDIPHAR đã ban hành hướng dẫn những thao tác cụ thể cho toàn thể cán bộ-công nhân viên, tổ chức tập huấn cho người lao động. Trong quá trình làm việc, cán bộ kỹ thuật của công ty luôn bám sát người lao động để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những sai sót.

Đoàn công tác của Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) kiểm tra vùng trồng

đảng sâm Việt Nam của BIDIPHAR tại xã An Toàn

Cũng theo ông Thiệp, để phát triển cây dược liệu theo chủ trưởng của UBND tỉnh Bình Định, năm 2016, BIDIPHAR đã triển khai đầu tư dự án trồng dược liệu theo GACP-WHO. BIDIPHAR được UBND tỉnh Bình Định cấp quyền sử dụng đất với diện tích gần 760.000m2 tại huyện An Lão để trồng cây dược liệu.

Cơ hội xóa đói, giảm nghèo

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thiệp, trong 4 loại dược liệu của BIDIPHAR đã được Cục Quản lý y, dược cổ truyền cấp chứng nhận “Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới”, trong đó có cây chè dây đã được BIDIPHAR chuyển giao quy trình kỹ thuật cho 6 hộ đồng bào dân tộc Bana tại 3 thôn của xã An Toàn (huyện An Lão) trồng trên đất rẫy và trồng dưới tán rừng với diện tích 21.000m2, hộ trồng ít 2.000m2, hộ trồng nhiều 5.000m2.

“Sau 8 tháng trồng, bà con vừa thu hoạch lứa đầu tiên, đợt này bình quân mỗi hộ thu được khoảng 280-300kg, BIDIPHAR thu mua giá 10.000đ/kg tươi, bà con phấn khởi lắm. Những đợt sau sản lượng chắc chắn sẽ còn cao hơn. Trong lộ trình phát triển cây dược liệu trên đất An Lão, cây chè dây là bước tiên phong để đồng bào Bana làm quen với việc trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu theo tiêu chuẩn của GACP-WHO. Sau này BIDIPHAR sẽ triển khai mở rộng trong dân thêm 1 số cây dược liệu khác có hiệu quả trong điều trị, có giá trị kinh tế cao, rộng đầu ra như cây thiên địa, xuyên khung”, ông Nguyễn Đức Thiệp chia sẻ.

Nông dân Đinh Văn Trác (đứng giữa), người dân tộc Bana ở xã An Toàn

đang tham gia trồng cây dược liệu trò chuyện cùng đoàn công tác.

Theo đánh giá của TS Trần Thị Liên, Phó phòng Giống dược liệu, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu), huyện An Lão, đặc biệt là xã vùng cao An Toàn được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu nên cây dược liệu phát triển tốt chẳng thua kém nhiều vùng trồng dược liệu ở miền Bắc.

Đương quy được TS Liên đánh giá là cây dược liệu rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại An Toàn. Sau 12 tháng trồng, dược chất trong củ đã đạt. Nếu kéo dài chu kỳ sinh trưởng của cây đương quy đến 12-18 tháng thì năng suất sẽ cho cao hơn, giá trị kinh tế theo đó cũng cao theo.

Cũng theo TS Liên, hạt giống cây đương quy phải được lấy từ vùng có khí hậu lạnh, hạt phải thu từ những cây trồng từ 2-3 năm trở lên thì mới có được cây giống chất lượng, nếu không thì khi trồng cây sẽ ra hoa đồng loạt. Cây đương quy nếu ra hoa năng suất sẽ rất kém, vì năng lượng của cây đã bị chia sẻ bớt để nuôi hoa nên không còn sức để nuôi củ.

Đoàn công tác của Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế)

 kiểm tra vùng trồng dây thìa canh tại xã An Tân.

Riêng đảng sâm có giá trị rất cao, hiện được bán với giá 750.000đ/kg khô. Khi cây phát triển được 20-30cm thì người trồng cần làm giàn cho cây để cây leo lên, cây sẽ phát triển mạnh hơn. Chu kỳ sinh trưởng của đảng sâm từ 24-30 tháng mới thu hoạch, nhờ giá cao nên hiệu quả kinh tế mang lại rất khá. Hoặc như cây linh chi cổ cò, lúc cao điểm bán được 1,5 triệu đồng/kg, đây lại là loại cây phù hợp trồng dưới tán rừng.

“Những loại cây cho củ công ty nên khuyến cáo bà con chọn thời vụ thích hợp gieo thẳng vào đất, để đỡ tốn công lao động vận chuyển giống từ vườn ươm đến nơi trồng. Gieo thẳng cây sinh trưởng phát triển khỏe hơn, lại tránh được cây giống bị lỏng gốc khi vận chuyển, khi trồng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cây. An Lão còn nhiều rừng nguyên sinh nên có điều kiện trồng dược liệu dưới tán rừng, nhất là những loại cây bản địa có chu kỳ thu hoạch kéo dài 2-3 năm, để bà con đỡ tốn công lao động như ba kích, củ bình vôi, hà thủ ô, cây bách bộ, lá khôi…”, TS Trần Thị Liên khuyến cáo.

Ths-Ds Nguyễn Văn Khang, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược cổ truyền

(Cục Quản lý y, dược cổ truyền) khẳng định huyện

An Lão có tiềm năng phát triển cây dược liệu.

TS Liên chia sẻ thêm, nếu xã An Lão phát triển mạnh cây dược liệu, đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã vùng cao sẽ có cơ hội xóa đói giảm nghèo, bởi cây dược liệu bao giờ cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại nông sản khác.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

 

Chia sẻ bài viết

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trở lại 'lợi hại hơn xưa'
Nuôi cá rô phi trên lồng, thu lời trăm triệu đồng

Bài viết mới nhất