Tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, theo đó tiêu trong năm 2022 có 11.900 ha đạt tiêu chuẩn này.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, mới đây UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 trên địa bàn tỉnh này.

Tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đạt 11.900 ha thanh long VietGAP trong năm 2022

Theo đó, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu sẽ nâng cao chất lượng chứng nhận trong sản xuất, sơ chế thanh long trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Có 11.900 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đoàn thể và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở triển khai tái cấp chứng nhận; chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 11.900 ha trong năm nay.

Sở NN-PTNT phân công, giao trách nhiệm cho Trung tâm Khuyến nông là đơn vị thường trực được Sở giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chương trình này. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp, tái cấp chứng nhận VietGAP và đánh giá giám sát cho các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long theo đúng quy định.

Xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp thực hiện, phân công nhiệm vụ cho từng viên chức của Trung tâm triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thanh long VietGAP tại các địa phương. Chủ trì, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tổ chức triển khai các lớp đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất thanh long VietGAP gồm các nội dung: Quy trình sản xuất thanh long VietGAP, sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và an toàn lao động.

Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước với diện tích trên 30.000 ha

Tổ chức thông tin tuyên truyền các vấn đề liên quan đến việc sản xuất thanh long an toàn trên các “Bản tin khuyến nông” và trên các kênh truyền thông. Phổ biến về quy trình sản xuất thanh long theo hướng an toàn để nâng cao nhận thức của người trồng thanh long. Nhân rộng các mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hiệu quả.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống bệnh đốm nâu cho người dân gắn với việc hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương xây dựng các quy trình phòng trừ sâu bệnh hại thanh long phù hợp theo yêu cầu tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2022.

Cùng với đó tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất thanh long nhằm hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả thanh long.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tăng cường công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp hoạt động thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long; kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc các lô hàng được đưa vào sản xuất, lưu thông và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có biện pháp giám sát thích hợp đối với các cơ sở có lô hàng thanh long xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo.

Được biết, tính đến tháng 6/2022, diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận khoảng 30.778 ha, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Nuôi dê bằng thuốc nam
Thương lái tấp nập thu mua sầu riêng Khánh Sơn

Bài viết mới nhất