Đại diện Bộ NN&PTNT mới đây kêu gọi doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục kìm giá bán. Tuy nhiên, đây được xem là bài toán khó đối với các doanh nghiệp này bởi giá nguyên liệu ngày một tăng trong khi nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa thể đáp ứng.
Tại một hội nghị phát triển chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến vận động các doanh nghiệp lớn không tăng giá thức ăn nhằm duy trì hệ sinh thái chăn nuôi.
“Đây là truyền thống rất lâu đời của ngành chăn nuôi Việt Nam. Trước mỗi khó khăn thách thức doanh nghiệp, Nhà nước, hộ chăn nuôi gắn bó với nhau để tạo sức mạnh chung.
Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu thời kỳ trước đủ để phục vụ sản xuất trong một thời gian dài không vội tăng giá để vượt qua khó khăn thách thức hiện nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Trước đó, trong năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã kìm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm với mức tăng 35% trong khi nguyên liệu đầu vào tăng bằng lần.
Tuy nhiên, việc kìm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm được xem là bài toán khó đối với doanh nghiệp khi giá nguyên liệu vẫn liên tục lập đỉnh và dự báo sẽ còn tăng trong năm 2022.
Theo đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc.
Giá một số nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2019 – 2022 (đồng/kg)
Cục Chăn nuôi cho biết dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Theo đó, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 là ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg.
Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp thành phẩm trong nước cũng tăng theo 18 – 30% so với tháng 3/2021.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu mà doanh nghiệp nhập sẵn cũng chỉ đủ dùng trong 30 – 45 ngày. Do đó, việc kìm giá cũng khó duy trì được lâu khi hàng tồn kho nguyên liệu cũ hết.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết: “Sau khi hàng tồn kho của đợt trước đó hết, lợi nhuận của các công ty sản xuất sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng mức giảm này không đủ để hạ nhiệt chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay. Cách tốt nhất để đảm bảo lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lúc này đó là tăng giá thịt.
“Chúng ta phải chấp nhận giá thịt tăng lên thì doanh nghiệp và người chăn nuôi không chịu lỗ. Giá thịt nhiều nước trên thế giới đã tăng rồi, Việt Nam chắc chắn phải tăng. Việc tìm mọi cách giảm giá thức ăn nuôi là đúng nhưng không đầy đủ. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không có khả năng chịu thiệt hại mãi”, ông Dương nói.
Vị này dẫn chứng, giá heo hơi cần phải đạt ít nhất 60.000 đồng/kg thì mới đảm bảo các bên cùng hưởng lợi. Hiện tại giá heo hơi đang dao động trong khoảng 52.000 – 54.000 đồng/kg, tuỳ khu vực.
Tuy nhiên, dù muốn tăng giá bán nhưng nhu cầu hiện vẫn còn thấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều bếp ăn tập thể vẫn chưa hoạt động trở lại.
Hiện nay, nhằm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp đang tính đến phương án tự chủ nguồn cung trong nước. Ông Hiếu cho biết bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.
De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 – 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 – 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.
Tuy nhiên, việc chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đòi hỏi nhiều thời gian mà theo Cục Chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo nguồn nguyên liệu thức ăn tinh trong nước sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo đó, hiện nay, nước ta còn một số phụ phẩm như bã bia, bã dứa, vỏ điều, vỏ cà phê,… đã được tận dụng chế biến làm thức ăn chăn nuôi nhưng chưa hiệu quả vì số lượng còn ít, công nghệ còn lạc hậu.
Phan Ngọc Ấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp BaF cho biết nguồn nguyên liệu ngô trong nước có thể đáp ứng một phần nhưng về chất lượng chưa đảm bảo bởi quá trình phơi sấy chưa đạt chất lượng.
“Chúng ta mới chủ động được 35% có nghĩa rằng 65% nhập từ nước ngoài. Chính vì thế phải tái cơ cấu trong hệ thống cây trồng để làm sao có cánh đồng đủ lớn để áp dụng công nghệ cơ giới hóa và đưa giống ngô, đậu tương năng suất cao để phục vụ cho phát triển thức ăn chăn nuôi”, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Theo ông Chinh nếu không chủ động được nguồn cung trong nước sẽ phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu sẽ rất khó để chủ động. Mục tiêu phải phấn đấu chủ động được khoảng 50%.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...