Là đối tượng cây trồng mới cho thu nhập cao, tuy nhiên việc phát triển cây chanh leo ở Quảng Trị cần hết sức thận trọng, đặc biệt là nguy cơ sâu bệnh hại.

Mở ra bình minh ở Hướng Phùng

Từ độ cuối tháng 5, những vườn chanh leo tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã bắt đầu chín. Ánh sáng ngày mới rọi xuống những vườn chanh trĩu quả còn đọng hơi sương báo hiệu một vụ thu hoạch thắng lợi.

Ông Trần Thuận, một hộ trồng chanh leo tại thôn Đại Độ cho biết, đây là vùng đất đỏ ba gian phì nhiêu, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rất lớn. Đang mùa hè nhưng đêm đến lại có cảm giác phải đắp một tấm chăn mỏng thì giấc ngủ mới sâu. Đặc điểm đó tạo ra sản phẩm là những quả chanh leo mọng vỏ, chất lượng. Kể từ khi cây chanh leo được trồng ở vùng đất này, cách nghĩ, cách làm của nông dân cũng đã có nhiều đổi thay.

Ông Trần Thuận, chủ nhân vườn chanh leo hơn 1ha tại xã Hướng Phùng.

Anh Trần Văn Tứ tại thôn Đại Độ là một thanh niên không ngại thay đổi. Tứ bảo, trẻ như mình mà còn ngại tìm tòi cái mới thì vùng đất này cũng chỉ quẩn quanh với cây cà phê, với cây keo, cây sắn, cây hồ tiêu thôi.

Năm 2019, sau khi được đi tập huấn, anh Tứ về bàn với bố là ông Trần Thuận để chuyển đổi một phần diện tích cà phê, hồ tiêu sang trồng cây chanh leo. Nhưng đây là loại cây trồng mới, chi phí đầu tư lớn, không phải gia đình nào cũng đủ tiềm lực để chuyển đổi. Gia đình anh Tứ cũng không phải là ngoại lệ.

“5 sào đầu tiên (2.500m2), tôi đầu tư trên 30 triệu đồng mua giống chanh leo, phân bón về trồng. Kỹ thuật cũng được tập huấn rồi, lại được cán bộ của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc là đơn vị liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con cầm tay chỉ việc nên cũng không khó nắm bắt. Nhưng trồng chanh leo chi phí đầu lớn và tốn nhều nhân công, lại phải tưới nước đủ ẩm thường xuyên nên chúng tôi hơi vất vả. Dư được đồng nào tôi lại đầu tư trồng mới. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được trên 1ha chanh leo, mỗi năm cũng thu về trên 400 triệu đồng”, anh Trần Văn Tứ chia sẻ.

Ông Trần Thuận luồn dưới tán cây chanh leo, nâng niu những quả vừa độ chín vừa nói với chúng tôi: “Cả cái vùng này, không chanh nhà ai đẹp hơn chanh của gia đình tôi. Những vườn khác họ bán xô, giá thời điểm này 15 – 7 nghìn đồng/kg nhưng vườn chanh của gia đình tôi có hơn nửa là đủ điều kiện xuất đi châu Âu nên sau khi thu hoạch, nhân công sẽ phân loại ra để bán với giá cao hơn nhiều”.

Đầu tư tưới nhỏ giọt giúp giảm nhân công chăm sóc và chủ động giữ ẩm cho vườn chanh leo

Theo ông Thuận, trồng chanh leo phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, vướng mắc ở đâu thì hỏi cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc và các cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp địa phương. Người trồng chanh leo phải siêng năng, thường xuyên thăm vườn, thấy có gì bất thường phải xử lý ngay.

Phải hiểu rõ kỹ thuật tỉa cành, mỗi cành không nên để quá nhiều quả. Để giảm chi phí nhân công và tạo cho khu vườn luôn đủ độ ẩm, gia đình ông Thuận đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Vì vậy, bất kỳ thời điểm nào, vườn chanh cũng đủ độ ẩm, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao.

Với hơn 1ha chanh leo, năm nay gia đình anh Tứ dự kiến thu gần 50 tấn quả, đút túi khoảng 600 triệu đồng. Năm 2022, anh Tứ trồng thêm 0,5ha chanh leo nữa, liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc để có đầu ra và giá cả ổn định.

Hiện nay, nhiều gia đình ở Hướng Phùng đã chuyển một phần diện tích trước nay trồng cà phê, hồ tiêu sang trồng chanh leo. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng hái được quả ngọt.

Không phải cây “dễ tính”

Những người trồng chanh leo tại Hướng Phùng cho biết, chanh leo đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng là cây mẫn cảm với thời tiết và sâu bệnh, không phải là cây dễ trồng. Nhiều hộ trồng chanh leo ở Hướng Phùng thất bại cũng vì lẽ đó.

Chanh leo không phải là cây trồng “dễ tính”, nên cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát sâu bệnh hại

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị, diện tích cây chanh leo hàng năm có tăng nhưng không đáng kể, hiện toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 100ha. Đầu tư lớn, lại là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều sâu bệnh nên nông dân Quảng Trị cũng dè dặt trong việc tăng diện tích cây chanh leo.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chanh leo gần 1 năm tuổi, ông Trần Thái, thôn Đại Độ rầu rĩ: “5 sào này mới chỉ thu được 1 tấn quả thôi! Nhưng không hiểu vì sao, sau lứa quả đầu tiên, cành, ngọn không phát triển nữa, lá úa vàng rụng đầy vườn, nhiều quả bị héo, sNaản lượng thấp. Sợ nhất là sau lứa thu này, chồi mới không phát triển thì quả cũng sẽ không có. Vì thế, hiện nay tôi chỉ trồng khoảng hơn 1ha chanh leo, chưa dám mở rộng. Trồng chanh leo có lãi hơn cà phê, hồ tiêu nhưng cũng chênh lệch không đáng kể, nhất là khi nông dân chưa biết cách phòng trừ sâu bệnh”.

Ông Thái cho biết thêm, hiện tại, nhiều hộ trồng chanh leo tại Hướng Phùng gặp cảnh ngộ như ông. Sau khi thu lứa quả đầu tiên, cành ngọn không phát triển, lá vàng úa rồi rụng đầy vườn, năng suất, sản lượng chỉ bằng 1/3 những vườn chanh khác. Có người cho rằng, đó là hậu quả của việc bón dư thừa phân đạm hoặc sử dụng các loại thuốc BVTV không đúng cách…?

“Tôi vẫn bón phân đúng như khuyến cáo. Ở vùng này ít sử dụng thuốc BVTV, chỉ trừ khi phát hiện sâu bệnh thôi. Nhưng với việc cây chanh leo bị vàng lá thế này thì chúng tôi cũng loay hoay chưa biết xử lý thế nào”, ông Thái phân vân.

Nhiều hộ sử dụng bẫy côn trùng để giảm việc phun thuốc BVTV

Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị cho hay, trước khi trồng cây chanh leo, nông dân đã được dự các buổi tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc. Thực tế cho thấy, cây chanh leo thích nghi tốt với điều kiện khí hậu đất đai tại một số vùng của tỉnh Quảng Trị. Hầu hết các vườn chăm sóc đảm bảo quy trình đều cho năng suất cao và chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, cây chanh leo tại Quảng Trị hiện chưa có một quy trình trồng cụ thể hay nghiên cứu nào về phòng trừ dịch hại. Vì vậy, khi các vườn chanh leo xuất hiện bệnh hại, người dân và chính quyền và ngành nông nghiệp đều lúng túng.

Trước tình trạng trên, năm 2021, Sở KH-CN và Chi cục Trồng trọt và BVTV đã nghiên cứu đề tài Quy trình kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chanh leo.

Đề tài đã xác định được 27 đối tượng sâu bệnh hại chanh leo (13 đối tượng bệnh hại và 14 đối tượng sâu hại). Các đối tượng này bắt gặp với tần suất khác nhau và có sự khác nhau giữa 2 vùng đồng bằng và miền núi. Các đối tượng nhện đỏ, nhện trắng, bệnh đốm dầu, ruồi đục quả, bệnh thối rễ thối thân xuất hiện và gây hại với mức độ rất phổ biến; bệnh héo quả, bệnh đốm nâu, bọ trĩ, bệnh virus xuất hiện với mức độ phổ biến…

Ông Trần Thái, thôn Đại Độ (xã Hướng Phùng) thất thần trước vườn

chanh leo gần 1 năm tuổi bị bệnh vàng lá.

Đề tài cũng đã thu thập được 6 loại sinh vật có ích, trong đó nhện Licosa xuất hiện ở mức phổ biến trên các vườn chanh leo; định danh tên khoa học của 11 loài nấm thuộc 7 bộ; 1 loài vi khuẩn; 2 loài virus; 4 loài tuyến trùng và 4 loài côn trùng gây hại trên cây chanh leo …

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị đã chọn một số loại thuốc BVTV và cách sử dụng để phòng trừ dịch hại chính trên cây chanh leo hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến môi trường.

“Tại một số vùng, nông dân đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng trừ dịch hại vào mô hình điểm mang lại hiệu quả cao trong phòng trừ các đối tượng sâu bệnh chính, cho năng suất cao, chất lượng tốt (21% quả loại A, B) và mang lại hiệu quả kinh tế cao (hơn 54 triệu đồng/ha). Đây là tín hiệu tốt để áp dụng vào sản xuất đại trà trong thời gian tới”, ông Trang chia sẻ.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Chí Linh mở vườn thu hái nhãn xuất khẩu năm 2022
Trồng bí đao vụ đầu trúng đậm, vụ sau giá đã rớt thảm

Bài viết mới nhất