Nhiều nông dân vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh phấn khởi chuyển từ đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng gấc cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha/năm.
Cây gấc góp phần mang lại kinh tế ổn định cho người dân ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè
Hiện nay sản phẩm từ gấc đang là nguồn nguyên liệu chính trong việc chế biến tinh dầu dược liệu và sản xuất các loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu đó, thời gian gần đây một số hộ nông dân trên địa bàn xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã mạnh dạn chuyển đổi đưa cây gấc vào sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao thu nhập.
Theo UBND xã Hòa Ân, trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân vùng đồng bào dân tộc Khmer mạnh dạn chuyển đổi gần 30ha từ các diện tích vườn tạp, già cỗi và đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng gấc. Hầu hết các hộ trồng gấc đều có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất các loại cây trồng truyền thống trước đây.
Anh Thạch Hiền Hòa (ấp Giồng Lớn, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè) là một trong những người đầu tiên đưa cây gấc về trồng ở địa phương cho biết, ban đầu anh trồng thử nghiệm 30 gốc, thấy cây gấc thích nghi tốt và cho năng suất cao nên đã mạnh dạn chuyển đổi 5 công đất giồng cát sang trồng gấc.
Hiện nay vườn gấc của anh Thạch Hiền Hòa sinh trưởng tốt, cho trái sai và đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Bình quân mỗi tuần anh thu hoạch từ 800 -1.000 kg gấc thương phẩm, với giá bán hiện nay 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất anh Hòa còn lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Có nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng cây gấc giúp gia đình anh Hòa khấm khá hơn trước rất nhiều.
Bà con vùng đồng bào dân Khmer trồng gấc ở xã Hòa Ân được HTX bao tiêu đầu ra.
Anh Thạch Hiền Hòa phấn khởi nói: Đất của gia đình nào giờ là vườn tạp, thấy vậy mới cải tạo để trồng gấc nhưng không ngờ mang lại hiệu quả cao. Ban đầu trồng gấc nhờ HTX Việt Thành hỗ trợ vốn, giống, phân thuốc, kỹ thuật. Rồi HTX bao tiêu luôn đầu ra nên bà con rất an tâm. Thời gian tới gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng thêm khoảng 3 công gấc.
Ông Chau Sóc Keo (ấp Giồng Lớn, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè) cho biết: Gia đình chuyển đổi 1,2 ha đất vườn tạp sang trồng gấc theo hình thức cho leo giàn. Gấc dễ trồng, ít công chăm sóc và cho trái quanh năm, cứ cách 3-4 ngày thu hoạch một lần, năng suất bình quân khoảng 35-50 tấn/ha/năm. Từ năm 2020 đến nay vườn gấc của ông Chau Sóc Keo được HTX Nông nghiệp Việt Thành (huyện Cầu Kè) ký kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường và bao giá thấp nhất là 7.000 đồng/kg. Nhờ đó, ông Chau Sóc Keo không phải lo lắng việc trồng gấc bị thua lỗ.
Theo các hộ dân nơi đây, gấc dễ trồng, thích nghi với thổ nhưỡng ở địa phương và nhẹ công chăm sóc. Từ khi trồng đến thu hoạch trái là 6 tháng, thời gian thu hoạch trái kéo dài từ 1,5 đến 2 năm. Sau đó bà con cắt bỏ dây chừa lại gốc tiếp tục chăm sóc sau khoảng 4 tháng sẽ tiếp tục cho trái. Nhu cầu thị trường lớn, giá gấc thương phẩm luôn ở mức cao nên người trồng gấc thu nhập khá ổn định. Hiện nay các hộ trồng gấc ở xã Hòa Ân đều được HTX Việt Thành (ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân) ký kết cung ứng cây giống, phân thuốc, kỹ thuật sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Trồng gấc cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm.
Ông Kiên Tâm, Giám đốc HTX Việt Thành cho biết: Về phía HTX sẽ đảm bảo cây giống, thuốc BVTV, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong suốt mùa vụ cho bà con nông dân và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Còn về giá cả thì HTX sẽ mua theo thị trường, giá lên thì mua lên, nếu sụt giảm thì bao tiêu ổn định từ 7.000 đồng/kg trở lên để bà con có lời. Bình quân, mỗi tháng HTX có thể thu mua từ 35-50 tấn gấc cho bà con nông dân ở đây.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè cho biết: Xã Hòa Ân có 80% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng gấc gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Địa phương đã xác định nhân rộng mô hình, đưa cây gấc vào chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc chuyển đổi sang trồng cây gấc được xem là hướng đi phù hợp hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con vùng đồng bào dân tộc.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...
Top 5 Cách Phát Hiện Hàng Giả Ngành Đồ Gia Dụng
Top 5 Cách Phát Hiện Hàng Giả Ngành Đồ Gia Dụng Trong bối cảnh cạ ...
CheckVN Tặng Ngay Ưu Đãi Hấp Dẫn Nhân Dịp 79 Năm Quốc Khánh
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc Khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ ...
Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh 2024 diễn ra từ ngày 29/8-3/9 tại TP.Hạ Long
Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc – Quảng Ninh 2024 diễn ra từ ngày ...