Để nâng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, các đơn vị phải luôn duy trì việc đáp ứng những quy định từ phía bạn.

Cánh cửa xuất khẩu rộng hay hẹp do chính chúng ta

Ngày 7/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thông tin vui đối với người trồng sầu riêng của Việt Nam.

Để có được thành quả này là sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), các địa phương, doanh nghiệp, người trồng sầu riêng… Tuy nhiên trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 8/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh, đây chỉ là thành công bước đầu. Để duy trì và tiếp tục nâng số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, các đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ

những giải pháp để tiếp tục duy trì, nâng số lượng mã số vùng trồng và cơ

sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Theo bà Hương, việc đàm phán xuất khẩu sầu riêng với Trung Quốc đã được Cục BVTV triển khai từ năm 2018. Sau quá trình đàm phán, 2 bên đã tiến hành kiểm tra, ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ngay sau khi ký nghị định thư, thời gian qua, Cục BVTV đã khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn tại các tỉnh phía Nam có vùng trồng sầu riêng lớn phục vụ xuất khẩu (lớp tập huấn tập trung tại Tiền Giang và Đắk Lắk) cho cơ quan quản lý, vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương về những quy định, yêu cầu đối với sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Cục BVTV đã xây dựng bộ tài liệu, clip hướng dẫn về xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc để các đơn vị liên quan, người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt.

Ngoài ra, trong toàn bộ quá trình phía cơ quan chuyên môn phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến các vùng trồng và cơ sở đóng gói thời gian qua, Cục BVTV đã thường xuyên phân công cán bộ đồng hành cùng các vùng trồng và cơ sở đóng gói để hướng dẫn, xử lý những vấn đề phát sinh. Nhờ những nỗ lực đó, sau khi kiểm tra trực tuyến, phía Trung Quốc đã chấp nhận 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, việc ký nghị định thư đã giúp cho cánh cửa xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã được mở. Tuy nhiên, cánh cửa này mở rộng hay hẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Bản thân vùng trồng và cơ sở đóng gói phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của phía Trung Quốc, không chỉ dừng ở việc kiểm tra ban đầu mà phải luôn duy trì việc đáp ứng đó (giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại, Covid-19…) trong suốt quá trình.

Cánh cửa xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã được mở.

Tuy nhiên, cánh cửa này mở rộng hay hẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố 

Đối với cơ quan quản lý địa phương, cần tiếp tục bám sát, đồng hành cùng các vùng trồng và cơ sở đóng gói để kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh; cung cấp những quy định mới nhất từ phía Trung Quốc liên quan tới sầu riêng (nếu có).

Một điểm nữa cần lưu ý là trong nghị định thư về sầu riêng lần này, phía Trung Quốc yêu cầu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có ít nhất một cán bộ kỹ thuật được Cục BVTV hoặc cơ quan được Cục BVTV ủy quyền đào tạo, tập huấn, công nhận. Chính vì vậy, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV xây dựng danh sách, thông tin thường xuyên đến lực lượng này để nâng cao chuyên môn, trở thành lực lượng nòng cốt trong giám sát, thiết lập vùng trồng đảm bảo yêu cầu từ phía bạn.

Bên cạnh đó, vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc rất quan trọng, sẽ giúp hỗ trợ, quảng bá hình ảnh cũng như mở rộng thị trường đối với sản phẩm sầu riêng của Việt Nam. Bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, việc đảm bảo chất lượng sầu riêng là việc rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu chất lượng sầu riêng không đảm bảo thì khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nước không cao, từ đó, làm cho cánh cửa xuất khẩu sẽ hẹp lại.

Tiếp tục nâng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là việc làm lâu dài, cần sự đồng hành của nhiều cơ quan liên quan.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, thời gian tới, Cục BVTV sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức sự kiện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này kỳ vọng sẽ tạo nên tiếng vang, ảnh hưởng nhất định để thu hút sự chú ý của người trồng sầu riêng. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc thông tin, tuyên truyền những yêu cầu, quy định để có thể xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục hướng dẫn, tập huấn các đơn vị, doanh nghiệp

để mở rộng vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Để mở rộng hơn nữa vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Cục BVTV sẽ tiếp tục hướng dẫn những đơn vị chưa đạt yêu cầu để xuất khẩu chính ngạch lần này tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khắc phục để gửi sang phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, lưu ý các đơn vị hạn chế việc trồng xen trong vùng trồng để thuận lợi kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại từ các loại cây trồng, nhất là ruồi đục quả. Ngoài ra, thắt chặt hơn nữa việc giám sát dư lượng thuốc BVTV, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng những yêu cầu kiểm tra, đánh giá từ phía bạn.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

 

 

 

Chia sẻ bài viết

QR truy xuất nguồn gốc_Giải pháp đồng hành cùng người tiêu dùng chống lại thực phẩm bẩn
Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng gấp đôi trong tháng 8

Bài viết mới nhất