Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 giá tiêu trong nước bất ngờ tăng khá mạnh trở lại. Tuy nhiên với sự xuất hiện của hàng loạt những yếu tố kém tích cực đà tăng giá này liệu có được duy trì trong những tháng còn lại của năm nay?

Đà phục hồi không chắc chắn

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm vào trung tuần tháng 7, giá tiêu trong nước đã bất ngờ đảo chiều và tăng khá mạnh trở lại.

Trong hơn 2 tuần tính từ ngày 22/7 đến 7/8, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã tăng 6 – 7,5% (tương ứng 4.000 – 5.000 đồng/kg) lên mức 71.500 – 74.000 đồng/kg.

Sự phục hồi này diễn ra sau khi một số đại lý tăng cường thu mua trở lại với kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tốt dần lên trong những tháng cuối năm và các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào trong quý III để phục vụ nhu cầu trong các dịp Lễ Tết cuối năm.

Tuy nhiên, thị trường không quá sôi động do lực mua có phần hạn chế dù giá tiêu được đẩy lên đáng kể. Giá cả cũng lên xuống không đồng nhất tại các địa phương bởi có khu vực đại lý thu mua nhiều nhưng nơi khác thì khá im ắng.

Các chuyên gia cũng tỏ ra khá dè dặt về đà tăng giá lần này bởi nhu cầu từ thị trường nhìn chung vẫn yếu và sự phục hồi trong giai đoạn hiện nay được cho là không chắc chắn.

Hiện nhu cầu của thị trường đang đối mặt với nguy cơ giảm sút khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, hai thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của nước ta.

Bên cạnh đó, việc FED liên tục tăng lãi suất trong thời gian gần đây để kiềm chế lạm phát khiến cho đồng USD chảy ngược vào Mỹ và tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này dẫn đến nhiều quốc gia bị thiếu USD và buộc phải hạn chế ngoại tệ đối với các hoạt động nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong đó có hồ tiêu.

Một số nước như Pakistan và Ai Cập, vốn là những thị trường xuất khẩu tiêu hàng đầu của Việt Nam đang gặp phải tình trạng này.

Sức mua cũng chậm hơn những năm trước một phần là vì năm 2020-2021 nhiều khách hàng ở thị trường lớn đã tăng mua dự trữ do lo ngại giá tiêu tăng cao và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn do dịch COVID-19, dẫn đến lượng tồn kho kéo dài sang năm nay.

Trong khi đó, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc cũng góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hồ tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Số liệu sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, trong tháng 7 xuất khẩu hồ tiêu của nước ta tiếp tục giảm mạnh 23,1% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với tháng trước, chỉ đạt 18.623 tấn, trị giá 78,6 triệu USD. Sự sụt giảm về khối lượng xuất khẩu được ghi nhận ở hầu hết thị trường chủ chốt như Mỹ giảm 46,7%, Trung Quốc giảm 59,1%, Ấn Độ giảm 49,6%, Đức giảm 38,4%…

Như vậy, sau 7 tháng đầu năm khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta giảm tới 20,8% (tương đương 37.822 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 144.176 tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 8,2% lên mức 639,8 triệu USD nhờ mặt bằng giá cao hơn.

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất với 32.285 tấn, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giảm khá mạnh 16,1%.

Ngoài ra, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Pakistan giảm 62,7%, xuống còn 3.280 tấn; Ai Cập giảm 56,5%, đạt 1.782 tấn… Đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 80% (tương ứng 26.560 tấn), chỉ đạt 6.836 tấn.

Các tổ chức nhận định gì về thị trường hồ tiêu trong thời gian tới

Nhận định về thị trường tiêu toàn cầu trong thời gian tới, bà Firna Azura Ekaputri Hj. Marzuki, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho rằng thị trường tiếp tục nằm trong vùng giảm giá trong quý III năm nay, khi thế giới tiếp tục vật lộn với sự xói mòn nhu cầu do thâm hụt chuyển sang tồn kho dư thừa, đồng tiền mất giá, lạm phát và nhu cầu tiêu dùng thấp.

Đại diện của IPC cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đã quay trở lại thị trường nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hồ tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Còn theo dự báo Hiệp Hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ khi nguồn cung từ Brazil được kỳ vọng đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại trong giai đoạn nửa cuối năm theo chu kỳ hàng năm.

Thêm vào đó, căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, do đó áp lực lên giá càng gia tăng.

Mặc dù Sri Lanka đang bị vỡ nợ, thiếu nguyên vật liệu đang xảy ra sẽ gây khó khăn trong việc sản xuất, tuy nhiên những ngành xuất khẩu sẽ được ưu tiên để mang về ngoại tệ cho đất nước, do đó rất có thể hồ tiêu Sri Lanka được đẩy mạnh xuất khẩu kể cả lượng hàng tồn và giá thành có thể cạnh tranh hơn các nước khác.

Đặc biệt, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn Zero COVID sẽ khiến cho nhu cầu của nước này chưa đạt mức như kỳ vọng. Mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng trở lại, tuy nhiên đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Giá khó có thể tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.

Tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặt biệt các quốc gia xuất khẩu của Đông Nam Á.

Để tránh chậm giao hàng do tình trạng tắt nghẽn tại cảng trung chuyển, các chủ hàng có xu hướng đặt chỗ các tuyến trực tiếp. Theo DHL, dự kiến phụ phí BAF sẽ tăng khi các hãng vận tải bắt đầu thông báo phụ phí nhiên liệu khẩn cấp.

Hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường. Sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng trong thời gian tới. Một trong những ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu an toàn.

Bức tranh trái chiều của doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu

Theo VPA, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu của khối các doanh nghiệp trong VPA giảm 7,3% trong đó đứng đầu xuất khẩu là Trân Châu đạt 18.221 tấn, so cùng kỳ tăng 11,%; tiếp theo là Olam: 16.865 tấn, tăng 20,2%; Nedspice: 11.085 tấn, giảm 4,7%; Phúc Sinh: 9.295 tấn, giảm 11,1%; Haprosimex JSC: 9.103 tấn, tăng 9,4%.

Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng như Harris Freeman, DK, Ottogi, Prosi Thăng Long, Synthite, trong khi đó các doanh nghiệp có lượng xuất khẩu giảm bao gồm: Liên Thành, Sơn Hà, Simexco Đăk Lăk, Intimex, Hoàng Gia Luân…

Khối các doanh nghiệp ngoài VPA xuất khẩu giảm 57,2% và chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

'Trình làng' nhiều giống lúa OM triển vọng
Muốn làm hữu cơ, đất phải khỏe

Bài viết mới nhất