Trong tháng 10, giá cà phê toàn cầu giảm gần 11% so với tháng trước và là tháng giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Đồng thời, ước tính sơ bộ của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 đạt gần 129 triệu bao, giảm nhẹ 0,4% trong niên vụ trước.
Giá tiếp tục giảm
Theo số liệu của ICO, chỉ số giá cà phê tổng hợp toàn cầu (I-CIP) trong tháng 10 ghi nhận tháng giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay với mức giảm lên tới 10,6% so với tháng trước, xuống còn bình quân 177,2 US cent/pound (dao động ở mức 159,3 – 194,9 US cent/pound).
Nhìn chung giá bình quân của 4 nhóm cà phê chính đều giảm trong tháng vừa qua với arabica Colombia và arabica khác giảm 10,9% và 10,2%, xuống còn 261,9 US cent/pound và 240,1 US cent/pound. Nhóm cà phê arabica Brazil giảm tới 12,4% xuống 192,3 US cent/pound.
Cuối cùng là cà phê robusta giảm 7,5%, đạt trung bình 103 US cent/pound trong tháng 10.
Chênh lệch giá cà phê trên thị trường kỳ hạn New York và London tiếp tục giảm 15,4% trong tháng vừa qua, xuống còn 99,5 US cent/pound từ mức 117,7 US cent/pound của tháng trước do giá cà phê arabica giảm nhiều hơn robusta.
Các kho dự trữ chứng nhận arabica trên sàn New York tiếp tục giảm 9,3% so với tháng trước, đóng cửa ở mức 0,41 triệu bao, trong khi dự trữ cà phê robusta có chứng chỉ trên sàn London đạt 1,5 triệu bao, giảm 4,3%.
Về nguồn cung, ICO vẫn giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 0,4%
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao loại 60 kg/bao, giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021.
Trong đó xuất khẩu cà phê nhân xanh giảm 1,1%, xuống 116,1 triệu bao so với 117,2 triệu bao của niên vụ trước. Nhưng đây vẫn là khối lượng xuất khẩu lớn thứ ba từ trước đến nay. Trước đó khối lượng xuất khẩu lớn nhất ghi nhận được là 121,3 triệu bao trong niên vụ 2018-2019.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh giảm là do sản lượng thế giới thấp hơn năm ngoái, với ước tính giảm 2,1% từ 170,8 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 xuống còn 167,2 triệu bao trong vụ 2021-2022.
Trong 4 nhóm cà phê chính, xuất khẩu cà phê arabica Brazil và arabica Colombia ghi nhận sự sụt giảm trong khi nhóm arabica khác và robusta lại tăng.
Theo đó, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil trong niên vụ 2021-2022 đã giảm 4,3% so với vụ trước xuống còn 37,8 triệu bao.
Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới đã ghi nhận lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu giảm 12,5% trong niên vụ vừa qua. Brazil đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn do “trái vụ” cà phê arabica, trong khi xuất khẩu cũng gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển và cước phí tăng cao.
Xuất khẩu nhóm arabica Colombia cũng giảm 7,1% so với niên vụ trước xuống còn 12,14 triệu bao, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Colombia – nước xuất khẩu chính của chủng loại cà phê này chỉ xuất khẩu 10,8 triệu bao cà phê nhân xanh trong vụ vừa qua, thấp nhất kể từ năm 2014 do thời tiết bất lợi làm giảm nguồn cung. Sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2021-2022 ước tính chỉ đạt 11,7 triệu bao, giảm tới 13% so với niên vụ trước đó.
Ở chiều ngược lại, khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác tăng 1,3% trong niên vụ 2021-2022 lên 23,9 triệu bao. Khối lượng xuất khẩu kỷ lục của Peru và Nicaragua đã bù đắp cho sự sụt giảm của Honduras và Guatemala.
Xuất khẩu cà phê robustas cũng tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao. Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam tăng 15,1% so với niên vụ trước lên 26,8 triệu bao, còn Ấn Độ tăng 26,1% lên 5 triệu bao. Ngược lại Burundi và Uganda là hai nước xuất khẩu giảm mạnh nhất, giảm 62,1% và 10% xuống còn 134.000 bao và 5,8 triệu bao.
Xuất khẩu của hầu hết khu vực đều giảm, ngoại trừ Châu Á
Trong niên vụ 2021-2022 vừa qua, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ đã giảm 7,1% so với niên vụ trước xuống còn 55,3 triệu bao.
Nguyên nhân là lượng cà phê xuất khẩu của Brazil – nước xuất khẩu lớn nhất khu vực giảm 11,4% so với vụ trước xuống còn 38,1 triệu bao. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, xuất khẩu cà phê của Brazil giảm xuống dưới 40 triệu bao. Yếu tố mùa vụ và các vấn đề về logistics đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cà phê của nước này trong niên vụ vừa qua.
Ngược lại, khu vực châu Á và châu Đại Dương đã xuất khẩu 43,9 triệu bao trong niên vụ 2021-2022, tăng 12,8% so với vụ trước. Riêng Việt Nam chiếm 64% khối lượng xuất khẩu của khu vực với 28,2 triệu bao, tăng 14,8% (tương ứng 3,6 triệu bao) so với niên vụ 2020-2021. Điều này giúp Việt Nam trở thành nước có đóng góp chính vào mức tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực châu Á và Châu Đại Dương trong niên vụ vừa qua.
Tương tự, xuất khẩu cà phê của Ấn Độ đã tăng tới 21,7% trong niên vụ 2021-2022, lên 7,2 triệu bao. Còn với Indonesia, nhà sản xuất và xuất khẩu lớn thứ ba trong khu vực, ghi nhận lượng xuất khẩu tăng nhẹ lên 6,9 triệu bao từ mức 6,8 triệu bao của niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của theo khu vực trong niên vụ 2018 – 2019 đến 2021 – 2022
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi giảm 5,1% xuống 13,7 triệu bao. Sự sụt giảm xuất khẩu của Uganda là do là do tác động của hạn hán tại hầu hết các vùng trồng cà phê, dẫn đến mùa thu hoạch chính ngắn hơn ở miền Trung và miền Đông của nước này, do đó sản lượng và xuất khẩu cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, Ethiopia, nhà sản xuất và xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực lại ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng nhẹ lên 4 triệu bao từ 3,98 triệu bao trong năm trước đó.
Niên vụ 2021-2022 cũng chứng kiến sự sụt giảm trong xuất khẩu cà phê của khu vực Trung Mỹ và Mexico với mức giảm 3,3% so với niên vụ trước xuống 16,1 triệu bao.
Tại khu vực này, Honduras là nước ghi nhận sự sụt giảm xuất khẩu mạnh nhất khi giảm đến 20%, tương ứng với 1,2 triệu bao so với niên vụ 2020-2021. Hai quốc gia ghi nhận sự sụt giảm lớn tiếp theo là Costa Rica và Guatemala, với mức giảm lần lượt là 50.576 bao và 280.445 bao.
Cà phê hòa tan và cà phê rang xay được tiêu thụ nhiều hơn
Trái ngược với sự sụt giảm của cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đã tăng 6,1% trong niên vụ 2021-2022 lên 12,1 triệu bao. Qua đó nâng tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu lên 9,4%, mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay.
Brazil là nhà xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu đạt khoảng 3,9 triệu bao, tiếp theo là Ấn Độ 2,2 triệu bao, Indonesia ở vị trí thứ ba với 1,7 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê rang xay cũng tăng 5,0% trong niên vụ 2021-2022 lên 0,8 triệu bao.
Số liệu này cho thấy thương mại cà phê toàn cầu đang có sự thay đổi với sự chuyển dịch từ cà phê nhân sang cà phê hoà tan và cà phê rang xay nhiều hơn.
Nguồn bài viết: Xem chi tiết
Bài viết mới nhất
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm
TCVN ISO 22005:2008: Tiêu chuẩn then chốt cho truy xuất nguồn gố ...
Chống giả trong thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử Vấn nạn hàng giả và hà ...
Cứ mùa mưa đến, loại đặc sản mọc lên như nấm, vừa to vừa ngon “danh bất hư truyền” trên núi Cấm ở An Giang
Mưa đến, cũng là thời điểm nhà vườn ở núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh ...
CheckVN: Giải pháp chống giả điện tử hàng đầu tại Việt Nam
Vấn nạn hàng giả tại Việt Nam Hàng giả, hàng nhái là vấn đề ngày ...