Lái Thiêu tuy thuộc đất Bình Dương nhưng lại giáp TP Hồ Chí Minh và được coi là miệt vườn khổng lồ quanh năm xanh mát

Chúng tôi tới Lái Thiêu đúng vụ sầu riêng chín rộ. Mùa thu ở miền Đông Nam bộ, sông Sài Gòn đậm sắc hương hoa lan tỏa khắp nơi. Lái Thiêu tuy thuộc đất Bình Dương nhưng lại giáp TP Hồ Chí Minh và được coi là miệt vườn khổng lồ quanh năm xanh mát với diện tích trồng cây chừng 1.300 ha. Con gái ở vùng sông nước này nổi tiếng là xinh đẹp. Trong dân gian xưa có câu: “Ai về ngang đất Lái Thiêu/ Nhớ người con gái mỹ miều nết na”.

Vườn cây Lái Thiêu.

Cho dù quanh năm hoa trái đầy vườn: “Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm/ Xoài ngon, mít ngọt, chuối thơm bạt ngàn” nhưng đặc sản ở Lái Thiêu đích thị chỉ có sầu riêng và măng cụt. Hai loại quả này mang đặc trưng hương vị vượt trội so với nhiều vùng. Hơn nửa thế kỷ qua, “Măng cụt Lái Thiêu” là một thương hiệu cấp hàng cho nhiều vùng quê. Lái Thiêu như lễ hội vào mùa sầu riêng hàng năm.

Bến cảng Lái Thiêu ngát hương suốt ngày đêm. Đến nay có thêm nhiều phương tiện chuyên chở nhưng khu chợ hoa quả Lái Thiêu vẫn rộn ràng quanh năm. Nhà thơ Võ Quê (Thừa Thiên – Huế) từng đến đây đã trao gửi cảm xúc với vị thơm dịu và ngọt thanh của trái măng cụt qua bài thơ “Em có về Lái Thiêu”. Ông viết: “Anh hỏi em có về lại vườn măng/ Nơi cánh võng dập dìu cây lá/ Nơi con kênh xanh mái chèo yên ả/ Tiếng gà trưa nhẹ gáy trước thềm”.

Nếu “Măng cụt Lái Thiêu” được coi là “nữ hoàng” hoa quả thì “Sầu riêng Lái Thiêu” cũng nức tiếng thơm ngon khắp lục tỉnh. Có lẽ do đất và nước nơi đây đem lại vị ngọt riêng mà không nơi nào sánh được. Trăm năm qua hai sản phẩm này được ghi dấu trong đời sống: “Anh về chợ Búng nhớ em/ Sầu riêng, măng cụt nhớ đêm quà về”. Trái sầu riêng còn được lưu truyền trong dân gian: “Hương khơi biêng biếc nỗi niềm/ Trái sầu riêng-dễ- sầu riêng- riêng mình/ Cầu Ngang bắc nhịp vô tình/ Chân qua mê mải ngước nhìn bóng quen”.

Còn đó một câu chuyện rằng, cách đây hơn ba trăm năm có những gia đình người Minh Hương xa lạ đến Lái Thiêu mở lò gốm. Người con trai họ Lục nọ đã yêu một cô gái miệt vườn. Mối tình mỗi ngày một sâu nặng nhưng lại bị gia đình cả hai bên ngăn cấm. Hai người chán nản và sống trong sự đau khổ buồn rầu. Họ quyết tìm đến cái chết để tình yêu mãi mãi bên nhau. Mộ hai người được chôn cất cạnh nhau bên sông.

Đột nhiên một đêm mưa giông kéo đến chim bay táo tác mang thức ăn về cho đàn con. Chúng đã gieo xuống đây một hạt giống trên hai ngôi mộ tình yêu. Buổi sáng tinh mơ ấy một cây lạ mọc lên. Cây nhanh chóng lớn nhanh và cho ra một thứ quả xù xì đầy gai nhưng bên trong lại ngát hương. Múi quả ngọt đến lạ lùng với vị ngầy ngậy thơm ngon. Mọi người đã đặt tên cho cây là “Sầu riêng”. Trái sầu riêng có một đặc tính lạ khi chín thì tự rụng và chỉ rụng vào đêm. Cây sầu riêng cao tới 20 mét và cho ra mùa quả từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm.

Đã mười năm nay Lễ hội trái cây ở Lái Thiêu được tổ chức quảng bá cho những sản phẩm đặc sắc của địa phương. Dân quanh vùng từ Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh đổ về với sự kỳ thú bên dòng sông Lái Thiêu. Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã bày tỏ cảm xúc với cây vườn hoa trái rộn ràng nơi đây qua những vần thơ: “Ôi giá được suốt đời vẫn trẻ/ Vẫn non tơ như mắt lá trên cành/ Qua bao gian lao đất nước mình lại gặp/ Người với người giao cảm với mầu xanh” (Ghi ở vườn xanh Lái Thiêu). Niềm vui thật đúng là xanh mướt bao la. Câu hò trên sông Lái Thiêu luôn vang lên trên đường xa vạn lý rằng: “Ghe anh nhỏ mũi trái lườn/ Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em/ Cùng em ăn trái sầu riêng/ Ăn rồi cảm thấy một niềm vui chung”.

Vùng đất Lái Thiêu kênh rạch chằng chịt một thuở mê hồn. Xưa nữa nơi đây hoang vu với rừng cây um tùm và lắm thú dữ. Đây là một ngã ba sông Sài Gòn và Lái Thiêu gắn bó với câu ca: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định- Đồng Nai thì về”. Kênh rạch sông nước nơi đây gắn liền với hình ảnh: “Muỗi kêu như sáo thổi” hay “Dưới sông sấu nổi, trên rừng cọp um”.

Trái ngọt Lái Thiêu.

Trải qua hàng thế kỷ, Lái Thiêu giờ đây được ví von đúng như hình ảnh cô gái mỹ miều tươi tắn bên sông Sài Gòn. Miền đất thơm hương vị cây trái này gây ấn tượng cho bất cứ du khách nào đi qua. Người dân không ai không nhớ tới công ơn của Thành hoàng làng Huỳnh Công Nhẫn. Ngài là vị thần khai hoang vùng đất này.

Bởi từ xa xưa khi mọi người đều lo lắng: “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Vậy mà ông Huỳnh Công Nhẫn đã đánh hổ giữ làng và trồng cây làm thuốc cứu sống những phận đời nghèo khó. Đến nay vườn nhà nào cũng có phần đất dành cho việc trồng những cây thuốc như tía tô, diếp cá, rau má, lá đề như lời dậy của ngài. Ngôi chùa Thiên Phước hiện nay tại trung tâm phường Lái Thiêu (TP Thuận An-Bình Dương) là nơi thờ ngài.

Đặc biệt, khi khai khẩn đất đai ông Huỳnh Công Nhẫn còn tìm ra mỏ đất sét và cao lanh nơi đây để dựng đền thờ và làm đồ dùng gia dụng. Những nhóm thợ gốm người Hoa đã tìm đến đây định cư. Họ coi những mỏ đất như kho vàng của xứ sở này. Nghề gốm phát triển hàng trăm năm lan tỏa khắp tỉnh Bình Dương tạo nên một phong cách riêng biệt.

Chợ gốm Lái Thiêu thuận tiện bến sông, cảng thị thu hút thương hồ tới buôn bán. Gốm từ các lò quanh vùng như Biên Hòa và Sài Gòn cũng hội tụ về bến thương cảng Bà Lụa ở Lái Thiêu. Từ đây hàng gốm đi tới Lục tỉnh và sang cả Lào, Miên và Indonesia. Thương hồ đến bến cảng Bà Lụa không ai không nhớ đến câu hò: “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/ Mượn ba chú lính đưa cô tôi về/ Đưa về chợ Thủ bán hủ, bán ve/ Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”. Nghĩa là đồ gốm ở đây có đủ loại hàng với những hoa văn và men gốm độc đáo.

Hơn nữa dòng sông Lái Thiêu đẹp và dịu dàng luôn sáng bừng ngọn lửa về câu chuyện một thương lái dừng chân nơi đây. Ông còn là một nghệ nhân làm gốm. Hàng ngày ông cùng thợ nung gốm rồi chở đi bán các vùng quê. Một lần ông say mê vẽ hoa trên bình rượu cùng với con gà vươn cổ gọi bình minh. Vừa uống rượu, ông vừa bùi ngùi nhớ người phương xa. Nét vẽ của thương lái đẫm nước mắt tha hương trong đêm vắng.

Ngọn lửa lò nung phần phật đợi củi khô. Cơn buồn ngủ kéo đến thế là ông nằm vùi bên cửa lò. Vò rượu đổ lênh láng tràn khắp sàn nhà lá. Ngọn lửa bén rượu bùng lên cùng những tiếng nổ chát chúa. Lửa quán lá thiêu cháy lão thương lái trong giấc mộng ngàn năm. Lão chết với nụ cười khi vừa vẽ xong bông hoa mẫu đơn đỏ thắm. Vùng đất cổ này được dân quanh vùng đặt tên Lái Thiêu để tưởng nhớ người thương lái xấu số này. Chính vì thế câu ngạn ngữ được khắc trên bình rượu: “Gặp nhau đã khó. Xa nhau càng khó” luôn làm mọi người lưu luyến khó rời mỗi khi tới đây.

Gốm Lái Thiêu.

Gốm Lái Thiêu khác biệt với gốm Nam bộ ở họa tiết con gà và sắc hoa mẫu đơn. Gà vẽ trên đĩa, trên bát, trên bình hoa. Hoa mẫu đơn cùng cúc, trúc, lan vẽ trên thạp, trên lu… Đồ thờ thì chạm rồng phượng được phủ men nhiều màu rực rỡ. Đặc điểm nhất là những họa tiết được khắc nét chìm làm nổi bật hình và màu trên mặt gốm. Điều hứng thú hơn nữa là nhiều nghệ nhân từ gốc người Minh Hương cổ đã khắc những bài thơ vịnh bốn mùa và những triết lý nhân sinh trên gốm.

Tâm sự tha hương được bày tỏ: “Biên cương bặt tin tức/ Hết đông rồi lại xuân/ Gần nhà càng thêm sợ/ Không dám hỏi người thân” (Mùa xuân nhớ nhà). Hoặc có chiếc bình hoa cách đây hơn trăm năm khắc thư pháp: “Biêng biếc màu xanh một bến xuân/ Tháp son cầu đá vẫn y nguyên/ Mỗi năm lại tiễn người hành viễn/ Mưa nhỏ thùy dương muốn níu thuyền” (Tiễn người thân). Đó là những tâm sự mang đậm yếu tố đường thi tạo nên đặc trưng của gốm Lái Thiêu. Giới thương hồ mỗi khi đến thu gom hàng đều thuộc nằm lòng nét thư họa trên bình như: “Xuân chơi miền cỏ thơm/ Mục đồng về ca hát”. Có người vừa uống vừa rớt nước mắt khi rời bến Bà Lụa, miệng vẫn còn ngâm nga: “Nay trước hoa nâng chén/ Nguyện lòng say mấy chung” (trích trong bài “Ngắm hoa uống rượu”).

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

 

 

 

Chia sẻ bài viết

Sau sầu riêng, khoai lang chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Tái canh cà phê kỳ vọng thay đổi cuộc sống người vùng cao

Bài viết mới nhất