Trồng mắc ca xen cà phê không chỉ cho hiệu quả kinh tế nhân đôi mà còn giúp hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, che bóng cho cà phê sinh trưởng phát triển tốt…

Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định qua mô hình trồng mắc ca xen cà phê bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Thành quả khả quan sau 10 năm trồng xen

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai xây dựng nhiều mô hình trồng thâm canh cây mắc ca xen với cây cà phê trong vườn hộ bằng 10 giống tiến bộ kỹ thuật mắc ca đã được Bộ NN-PTNT công nhận trên địa bàn 2 huyện Mai Sơn và Thuận Châu.

Đến nay, đã khẳng định cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt trên địa bàn tỉnh theo 2 phương thức trồng thuần và trồng xen, đặc biệt là trồng xen với cà phê, hứa hẹn đưa cây mắc ca vào tập đoàn cây ăn quả, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La.

Sau 10 năm thí điểm trồng xen với cà phê, các diện tích trồng xen đều cho kết quả tốt

Đến thăm gia đình ông Trần Quốc Rực, bản 428, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn), chúng tôi được ông Rựu cho đi tham quan mô hình mắc ca xen cà phê, mô hình thanh long ruột đỏ, cây ăn quả như xoài, nhãn… với tổng diện tích trên 10ha.

Ông Rực cho biết, đầu tiên gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La hỗ trợ 300 cây mắc ca để trồng xen với 2ha cà phê hiện có trong vườn hộ gia đình với cự ly trồng hàng cách hàng 10m, cây cách cây từ 6 – 7m. Sau 3 năm, cây ra hoa đậu quả, đến năm thứ tư bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 2 – 3kg. Nhận thấy cây mắc ca thích hợp với đất đai và khí hậu của tỉnh Sơn La và đem lại hiệu quả kinh tế từ cả cây mắc ca và cây cà phê nên gia đình đã tự nhận rộng, đến nay đã có khoảng 10ha mắc ca vừa trồng thuần và trồng xen với cà phê.

Năng suất của mô hình trồng xen đến nay là năm thứ 10, mỗi ha gia đình ông Rực thu được khoảng 3 tấn hạt mắc ca và 12 tấn cà phê tươi. Với giá bán như hiện nay, gia đình sẽ thu được 300 triệu đồng từ mắc ca và 170 triệu đồng từ cà phê mà năng suất cà phê không hề giảm so với trồng thuần.

Cả mắc ca lẫn cà phê đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao khi trồng xen

Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cho biết: Từ năm 2021 – 2023, Trung tâm thực hiện mô hình trồng mắc ca xen cà phê với tổng diện tích 56ha bằng các dòng A16, A38, QN1, OC, 246 là các dòng tiến bộ kỹ thuật mới được Bộ NN-PTNT công nhận với 70 hộ tham gia tại 2 huyện Thuận Châu và Mai Sơn. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ tập huấn nâng cao nhân thức của các hộ tham gia, nhân rộng mô hình, hỗ trợ xây dựng tổ hợp tác liên kết chuỗi từ trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

Chúng tôi đi thăm mô hình của dự án triển khai tại gia đình ông Cà Văn Thịnh, bản Pùa, xã Bản Lằm, huyện Thuận Châu. Ông Thịnh cho biết, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1ha mắc ca trồng xen với cà phê năm 2021 với mật độ trồng 110 cây/ha, gia đình được hỗ trợ 100% cây giống, phân bón NPK và phân hữu cơ vi sinh.

Mô hình được gia đình ông Thịnh đầu tư rất bài bản, toàn bộ mô hình được hạ cấp thành các băng bậc thang để hạn chế xói mòn và được trồng cà phê theo các băng; 2 – 3 băng trồng cà phê được trồng xen một hàng cây mắc ca với từng dòng khác nhau đang lên xanh mơn mởn, chiều cao cây mắc ca đạt trên 2,5m, đã vươn lên khỏi tán cà phê.

Những cây mắc ca trồng xen cho năng suất rất cao

Ông Thịnh cho biết, để đạt chiều cao như vậy, gia đình bỏ rất nhiều công chăm sóc, tỉa chồi thực sinh, tạo tán; trước và sau khi trồng đầu tư mỗi hố từ 10 – 20kg phân gà hoai mục và 0,5kg phân NPK; đến năm thứ 2 mỗi hố bón từ 5 – 10kg phân gà hoai mục và 0,5kg phân NPK, 2kg phân hữu cơ vi sinh từ nguồn hỗ trợ của dự án.

Chủ trương, định hướng phát triển cây Macca

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho biết: Cây mắc ca được khảo nghiệm và phát triển trồng trên địa bàn tỉnh từ năm 2003. Qua điều tra đánh giá, Sơn La là vùng có điều kiện tự nhiên để phát triển cây mắc ca, một số mô hình trồng cây mắc ca cho sản lượng quả tương đối cao.

Mắc ca là cây chịu được sương muối, chịu hạn, chịu đất bạc màu, ít sâu bệnh, có khả năng che tán nhiều loại cây (cà phê, chè…), có thể phát triển thành cây lâm nghiệp đa mục tiêu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tăng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Diện tích cây mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2022 là 922,8ha, trong đó khoảng 330ha đã trồng trên 5 năm tuổi, đang cho thu hoạch.

Phát triển mắc ca có nhiều ý nghĩa vì đây là cây đa mục tiêu, có giá trị phòng hộ rất tốt

Xác định vai trò, giá trị của cây mắc ca, năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với quy mô diện tích phấn đấu toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 5.000ha, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000ha.

Việc phát triển cây mắc ca tại Sơn La được triển khai theo hướng thận trọng, bài bản, có lộ trình; tạo vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng KH-CN gắn với các cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, HTX thuộc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm đầu tư trồng, chế biến, phát triển các ngành hàng sản phẩm từ cây mắc ca.

Đối tượng đất đai để phát triển cây mắc ca theo 2 phương thức. Một là trồng xen trên đất đang trồng các loại cây công nghiệp hiện có. Toàn tỉnh có 17.420ha cà phê và 5.890ha chè, áp dụng trồng xen với cây mắc ca, mật độ bình quân từ 124 đến 138 cây/ha. Hai là trồng thuần trên diện tích lâm nghiệp không có rừng quy hoạch là rừng sản xuất giao cho cộng đồng sử dụng kém hiệu quả; diện tích đất lâm nghiệp chưa giao, diện tích đất UBND xã đang tạm quản lý thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất (đất trống, đồi trọc); diện tích đất chưa sử dụng, đất đồi hiện đang canh tác cây lượng thực, các cây công nghiệp hiệu quả thấp.

Sơn La hiện có hơn 17 nghìn ha cà phê và gần 6.000ha chè,

là tiềm năng rất lớn đề trồng xen với mắc ca

Như vậy, để đạt được diện tích mắc ca theo quy hoạch là rất lớn, cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền ở địa phương, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm như:

– Rà soát đất đai, hoàn thiện thủ tục hồ sơ thuê đất cho các doanh nghiệp để phát triển mắc ca.

– Huy động và phát huy tối đa các nguồn lực tài chính, nguồn lực xã hội, chủ yếu là nguồn lực do doanh nghiệp đầu tư thực hiện theo hướng quy mô tập trung (các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trung tâm, vùng nguyên liệu hạt nhân) và lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để phát triển các vùng nguyên liệu mắc ca.

– Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối HTX và tổ hợp tác, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Sơn La đang tiếp tục có bước đi cẩn trận trong quá trình mở rộng diện tích mắc ca

– Nghiên cứu, áp dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chọn tạo, khảo nghiệm các giống mắc ca có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của tỉnh; xây dựng hệ thống nguồn giống mắc ca đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm mắc ca phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế, tạo tiền đề cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh…

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Tạo đà để trái cây đồng bằng sông Cửu Long 'cất cánh'
Cam sành Vĩnh Long vào vụ thu hoạch

Bài viết mới nhất