Ngành tôm liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, nhưng thực tại ở vùng nuôi tôm rộng lớn ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, vì sao?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 tại Sóc Trăng

Cần có đề án riêng cho các tỉnh có vùng lúa – tôm

Ngành tôm Việt Nam đã vượt khó để đạt được mức tăng trưởng cao cho thấy sự nỗ lực lớn đáng ghi nhận của ngành thủy sản. Nhìn lại 3 năm qua (2019 – 2021) hoạt động sản xuất tôm nước lợ luôn gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là những địa phương sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ. Song hành là tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL và thiên tai liên tiếp ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh Nam bộ, dẫn đến người nuôi tôm bị ảnh hưởng nặng nề.

Bước vào vụ nuôi tôm mới 2022, ngành tôm đặt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu vượt 4 tỷ USD. Trong bối cảnh chung, diện tích vùng nuôi tôm nước lợ được định hình. Ngành thủy sản triển khai xây dựng các đề án phát triển ngành tôm. Thế nhưng, trải qua sau nhiều năm, thực tại từ vùng nuôi phản ánh còn nhiều trở ngại bức bách, cần sớm có giải pháp tháo gỡ để giữ vững mục tiêu tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Ở ĐBSCL có diện tích nuôi tôm tập trung vùng ven biển lớn nhất cả nước. Dẫn đầu là tỉnh Cà Mau có vùng nuôi tôm nước mặn, lợ khoảng 280.000ha, với nhiều loại hình nuôi như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp quảng canh và mô hình nuôi tôm – lúa lớn nhất vùng.

Năm 2021, dù trải qua gần 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhờ được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương vào cuộc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sự đồng lòng, chung tay, chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, ngành tôm về đích đạt kết quả tốt. Sản lượng tôm nuôi cả năm đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020, trong đó tôm nước lợ đạt 920.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020.

Người nuôi tôm chọn mua tôm giống sạch bệnh và thương hiệu uy tín

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau, băn khoăn: Hiện thời vùng nuôi tôm chiếm phần lớn còn nhiều nông hộ diện tích nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Điều kiện hạ tầng thủy lợi vùng nuôi chưa được đảm bảo. Chất lượng tôm giống cần có quy chế phối hợp chặc chẽ hơn để loại hẳn tôm giống kém chất lượng gây thiệt hại cho người nuôi…

Do vậy, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN-PTNT có đề án, dự án riêng cho các tỉnh có vùng tôm – lúa ĐBSCL. Bởi vì đây là lợi thế của vùng, sản phẩm đặc hữu tôm – lúa chất lượng cao. Về mặt tổng thể, Bộ NN-PTNT xem xét, rà soát những tồn tại khó khăn trong thời gian qua để định hướng phát triển lâu dài.

Trong khi đó, Sóc Trăng là một trong hai tỉnh ở vùng Bán đảo Cà Mau có vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh 53.000ha. Trong đó nhiều trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chiếm 9%, năng suất suất cao, hiệu quả. Tỷ lệ nuôi tôm thiệt hại giảm còn 6%. Sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 189.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm nuốc lợ trên 1 tỷ USD.

Xác định nuôi tôm là thế mạnh kinh tế của tỉnh, nhưng ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn lo lắng: Hạ tầng cơ sở thủy lợi cho vùng nuôi là vấn đề trọng yếu. Vừa qua tỉnh đã có đầu tư, nhưng trước qui mô đầu tư nuôi tôm công nghiệp ngày càng tăng, cần đảm bảo nguồn cung nước sạch. Tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT trong các chương trình hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nuôi. Bên cạnh đó, hàng năm Sóc Trăng cần 20 tỷ con giống, song nguồn cung nội tỉnh còn hạn chế nên rất cần đảm bảo nguồn cung tôm giống tốt.

Đồng bộ giải pháp, chủ động nhiều kịch bản

Qua khảo sát thực tế từ vùng nuôi tôm ở các địa phương, đến nay vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là thực trạng phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo.

Về nhu cầu tôm giống, cả nước khoảng 140 – 150 tỷ con. Trong đó 100 – 110 tỷ giống tôm thẻ chân trắng và 30 – 40 tỷ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con (200.000 tôm thẻ chân trắng và 50.000 tôm sú).

Nguồn tôm giống, tôm bố mẹ còn phụ thuộc phần nhiều vào nguồn nhập khẩu trong khi khai thác tự từ tự nhiên trong nước mới cung cấp được một phần. Tuy vậy, số lượng tôm bố mẹ nhập khẩu ngày càng giảm, do nguồn trong nước ngày một củng cố, phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà nước tăng cường nguồn lực nghiên cứu cho các Viện nghiên cứu.

Mặt khác, về giá thành sản xuất tôm ở nước vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp), chi phí giống cao, chiếm khoảng 10%…

Doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Sóc Trăng

Cuối tuần qua tại Sóc Trăng, Hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, chỉ rõ nguyên nhân: Dù vượt qua năm 2021 đầy khó khăn kết quả sản xuất nuôi tôm năm 2021 về đích đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Tuy nhiên, ngành tôm cần nhận thấy rằng hiện tôm nuôi ở nước ta giá thành còn cao. Cơ sở hạ tầng, thủy lợi vùng nuôi chưa đảm bảo. Diện tích vùng nuôi tôm quảng canh còn rộng lớn, nhưng công nghệ nuôi tôm, nhất là nuôi tôm quảng canh, tôm – lúa… năng suất còn thấp, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế.

Từ thực tế đó, cần chuyển đổi mô hình nuôi phù hợp để hạn chế rủi ro, hạn chế dịch bệnh. Lãnh đạo các cơ quan chuyên ngành thủy sản địa phương chia sẻ ý kiến cần quan tâm, chú trọng bàn các giải pháp tín dụng chuyển đổi mô hình nuôi tôm nước lợ. Chuyển nuôi từ ao đất sang nuôi tôm ao lót bạt để hạn chế rủi ro, nhằm đưa ngành nuôi tôm nước lợ phát triển bền vững.

Dù trong khó khăn vẫn có cơ hội để phát triển, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tiềm năng dư địa ngành tôm còn rất lớn. Theo dự báo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, cơ hội mở ra rất lớn đối với ngành tôm, dự kiến năm 2022 tăng 57% về giá trị, sản lượng tăng 24%.

Để giải quyết mục tiêu này Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo đồng bộ các yếu tố cấu thành để nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng tôm, cả về giá trị và sản lượng. Thứ nhất, đối với con giống phải kiểm tra, kiểm soát chặc chẽ và nâng cao năng lực sản xuất giống. Bởi giống quyết định năng suất, chất lượng. Thứ hai, tìm các giải pháp về nguyên liệu đầu vào cho giá thành thức ăn giảm. Thứ ba là quan trắc, cảnh báo, xử lý bệnh một cách hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng tôm nuôi.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ đồng thời kết nối thị trường giúp con tôm Việt Nam được có nhiều thị trường hơn để đa dạng xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi khắt khe từ các thị trường khó tính. Sắp tới, Bộ NN-PTNT cũng sẽ có hội thảo chuyên đề chuyên sâu về tình hình dịch bệnh vùng nuôi, quyết tâm để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, hướng tới mốc phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Xuất khẩu gỗ và lâm sản kỳ vọng đạt 20 tỷ USD vào năm 2025
Xuất khẩu tôm sang Nga giảm mạnh, doanh nghiệp đau đầu với khâu thanh toán

Bài viết mới nhất