Chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ giúp các hộ giảm được chi phí thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng… gia tăng lợi nhuận từ 7-10%.

Tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn hữu cơ

Hiện nay, hoạt động chăn nuôi gà của người dân trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập như: Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, dẫn tới hiệu quả chăn nuôi thấp, giá thành sản xuất cao; liên kết giữa các hộ chăn nuôi chưa chặt chẽ nên việc tiếp cận với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y…) và tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế; sản phẩm xuất bán mới chỉ quan tâm đến thị trường bình dân, chưa quan tâm đến sản phẩm chất lượng cao, hữu cơ để cung cấp cho thị trường khách hàng có thu nhập cao…

Ông Lê Đình Thành, thôn Việt Yên, xã Đông Yên (Quốc Oai, Hà Nội) phấn khởi

vì đàn gà của gia đình nuôi theo hướng hữu cơ sinh trưởng và phát triển

khỏe mạnh, tiết kiệm chi phí.

Trước thực tế đó, nhằm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà bản địa theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP cho các hộ chăn nuôi, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao và Dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ Bio-TCORTS (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam) đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông Quốc Oai triển khai mô hình trình diễn Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022 – 2024 “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại 3 hộ chăn nuôi thuộc HTX Yên Hòa Phú, xã Đông Yên, Quốc Oai (Hà Nội).

Ths Mai Thị Lan Hương, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Dự án được thực hiện tại Hà Nội và Thái Nguyên trong thời gian từ năm 2022 – 2024 với quy mô 18.800 gà thịt bản địa (năm 2022 gồm 6.000 con; năm 2023 là 6.400 con và năm 2024 là 6.400 con).

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí thức ăn (tính theo định mức 4,9kg/con), 50% vacxin (định mức 7 liều/con), 50% chế phẩm sinh học (theo định mức 0,05 lít/con), thuốc sát trùng, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ chứng nhận OCOP, liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Dự án áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11041-3:2017 về nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, các mô hình phải đảm bảo yêu cầu về quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ như: Khu vực chăn nuôi được khoanh vùng, có hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

Theo ông Lê Đình Quý, Phó Giám đốc HTX Yên Hòa Phú, với 1.000 gà khi nuôi

theo hướng hữu cơ, các hộ chăn nuôi tiết kiệm được 3 – 4

triệu đồng chi phí mua thuốc phòng trị bệnh

Giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận

Bắt đầu tham gia mô hình từ tháng 7/2022 với quy mô 2.000 gà H’Mông (chia làm 2 lứa, mỗi lứa 1.000 con), ông Lê Đình Thành, thôn Việt Yên, xã Đông Yên (Quốc Oai) phấn khởi chia sẻ: Trước khi tham Dự án, gia đình ông đã nuôi gà H’Mông, tuy nhiên phương pháp nuôi hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm, nền chuồng rải trấu nên khi gà hoạt động rất bụi, dẫn tới gà hay mắc các bệnh về hô hấp, tốn kém rất nhiều chi phí mua thuốc, gà nuôi chậm lớn; phân, chất thải xử lý không được triệt để nên mùi hôi nồng nặc.

Tuy nhiên, khi tham gia mô hình, ông được cán bộ kỹ thuật của Bio-TCORTS, Trạm Khuyến nông Quốc Oai hướng dẫn phương pháp sử dụng đệm lót sinh học bằng mùn cưa trộn với men vi sinh (hàng ngày kiểm tra đệm lót đảm bảo độ ẩm 30%). Kết quả, nền chuồng khô ráo; không còn tình trạng bụi bặm; phân, nước tiểu của gà được phân hủy nên không còn mùi hôi. Bên cạnh đó, thời gian sử dụng của đệm lót sinh học dài nên giúp giảm được số lần cũng như công lao động thay thế.

Thức ăn cho gà cũng có sự khác biệt khi được phối trộn, bổ sung thêm chế phẩm sinh học, ủ trong trong 24h rồi mới cho gà ăn. Tuần đầu cho gà ăn tự do 6 – 8 lần/ngày; từ tuần thứ 2 cho ăn 4 – 5 lần/ngày; mỗi lẫn cho ăn chỉ đổ 1 lượng thức ăn vừa để gà ăn hết trong khoảng 2h; chỉ đổ thức ăn mới khi đã ăn hết thức ăn cũ ít nhất 30 phút.

Chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ sẽ giúp nâng sức cạnh tranh và giá bán

của sản phẩm; tiếp cận dễ dàng hơn với các doanh nghiệp thu mua,

siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn

Nước uống phải được xử lý kỹ lưỡng qua hệ thống lọc, đảm bảo luôn có nước sạch, mát để gà uống tự do…

Theo ông Thành, khi nuôi gà theo hướng hữu cơ, đã giúp giảm được chi phí thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, thất thoát đầu con, giảm mùi hôi thối, gà sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, thịt gà chắc, thơm ngon hơn so với cách nuôi thông trước đây.

Ông Lê Đình Quý, Phó Giám đốc HTX Yên Hòa Phú cho biết: Đàn gà của cả 3 hộ tham gia dự án đều cho những kết quả rất khả quan, cụ thể: Gà nuôi sau 120 có thể xuất bán, trung bình đạt trọng lượng 1,5 – 1,7kg/con, có con đạt trọng lượng cao hơn (hình thức nuôi cũ đạt 1,4 – 1,6kg/con).

Về hiệu quả kinh tế, với 1.000 gà nuôi, sẽ giảm được khoảng 3 – 4 triệu đồng chi phí mua thuốc phòng, trị bệnh so với cách nuôi trước đây. Căn cứ theo giá bán gà tại thời điểm xuất bán, lợi nhuận của các hộ tham gia mô hình thu được cao hơn cách nuôi trước đây từ 7 – 10%. Bên cạnh đó, đã có đơn vị bao tiêu số lượng gà cho các hộ tham gia mô hình.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Bưởi Hoài Ân sản xuất hướng hữu cơ, nhắm tới xuất khẩu
Sản phẩm hữu cơ phải bán được 'giá hữu cơ'

Bài viết mới nhất