Nuôi lươn không bùn đang được nhiều nông dân ĐBSCL áp dụng, mô hình không cần nhiều diện tích, dễ nuôi, cho thu nhập cao và đặc biệt đầu ra luôn ổn định.

Nghề nuôi lươn không bùn đang phát triển rất mạnh ở ĐBSCL

So với nuôi lươn theo cách truyền thống, nuôi lươn không bùn là hình thức nuôi sạch, dễ quan sát quá trình sinh trưởng và sức khỏe của lươn, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp nên rất thuận tiện trong quản lý thức ăn.

Đặc biệt, lươn nuôi bằng công nghệ không bùn có giá trị kinh tế cao, giá bán ổn định. Từ những thuận lợi trên nên nghề nuôi lươn đã mở ra hướng đi mới, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển của nhiều địa phương ĐBSCL.

Gia đình ông Lê Hữu Huân, ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang chỉ cần diện tích 30m2 đã có thể thả 4.000 con lươn giống bán nhân tạo nuôi theo hình thức không bùn. Sau thời gian 12 tháng nuôi, năng suất đạt trên 1 tấn lươn, xuất bán thu về lợi nhuận trên 60 triệu đồng.

Ông Lâm Văn Đoàn Xuân, ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang năm 2018 biết được mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, lươn nuôi bị hao hụt nhiều, hiệu quả thấp. Lúc đầu nuôi lươn trong bể bạt nilon có bùn đất nên khâu vệ sinh và chăm sóc lươn rất khó khăn, nhưng hiệu quả không cao.

Mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều nông dân miền Tây vươn lên khá giàu

Sau đó, ông chuyển sang làm bể xi măng lót gạch men phía dưới để dễ vệ sinh, dễ thay nước. Hiện tại gia đình ông Xuân có diện tích 250m2, gồm 8 bể xi măng nuôi lươn thương phẩm cùng 10 bể ươm lươn giống. Bình quân mỗi năm ông đem lại thu nhập từ việc nuôi lươn và bán con giống trên 300 triệu đồng.

Nói về kỹ thuật nuôi lươn không bùn cho hiệu quả cao, ông Xuân chia sẻ: Trước tiên chuẩn bị bể nuôi, nên xây nền đáy bể bằng phẳng, tráng xi măng nghiêng về ống xả nước, xây gạch xung quanh cao 8 tấc và lót gạch men xung quanh bể không làm da lươn bị sây sát.

Thiết kế mái che để tránh ánh nắng trực tiếp vào bể nuôi. Bố trí giá thể vỉ tre làm 3 lớp chồng lên nhau, các lớp vỉ tre cách nhau một viên gạch ống. Sau đó tiến hành bơm nước ngập vỉ tre ngâm qua đêm rồi xả, lặp lại 3 lần. Sau đó cấp nước vào sâu 30cm và tạt Iodine chờ thả giống.

Thả giống nuôi, nên chọn nguồn lươn giống tốt, sử dụng lươn sinh sản bán nhân tạo chất lượng cao. Còn kích kích cỡ giống thả 27-30 con/kg. Trước khi thả giống cần tắm lươn với muối hột 2% độ mặn khoảng 15 phút rồi mới thả ra bể.

Ở khâu chăm sóc và quản lý, 3 ngày đầu sau khi thả giống không cho lươn ăn. Ngày thứ 4 mới nhử cho ăn khoảng 100 gram/ngày/2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, tăng dần lượng mồi, sau 10 ngày lươn ăn được 1 kg/ngày/2 lần/bể nuôi. Thức ăn cho lươn, ông Xuân chọn loại thức ăn có độ đạm trên 40% cho lươn ăn trong 6 tháng nuôi đầu, bước sang tháng thứ 7 đến thu hoạch chọn thức ăn có độ đạm 30% để tạo màu cho lươn.

Lươn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, sau từ 12-13 tháng có thể thu hoạch

đạt trọng lượng đầu con từ 4-5 con/kg

Đặc biệt, trong việc nuôi lươn thương phẩm và mật độ dày khâu quản lý nguồn nước nuôi là vô cùng quan trọng. Nước nuôi lươn bằng nước sông qua ao lắng rồi mới cấp vào bể nuôi, mỗi ngày thay nước 2 lần sau khi cho ăn khoảng 2 giờ. Định kỳ nửa tháng sát trùng nguồn nước liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Trong suốt quá trình nuôi, sục oxy cho bể lươn từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau thì ngưng. Sau 12-13 tháng thả nuôi lươn, ông Xuân thu hoạch đạt trọng lượng đầu con từ 4-5 con/kg, bán giá từ 180 – 220 ngàn đồng/kg tùy loại.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Cô sinh viên khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng xây dựng thương hiệu “đông trùng hạ thảo made in Việt Nam”
Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 131.000 tấn vải thiều

Bài viết mới nhất