Sinh ra và lớn lên ở huyện Thanh Oai một vùng nổi tiếng chuyên về sản xuất nấm ở Hà Nội cho nên từ nhỏ tuổi thơ chị Nguyễn Thị Hồng gắn liền với cây nấm. Chị ước mơ sẽ đưa công nghệ vào sản xuất nấm để có thể phát triển, mở rộng và làm giàu bằng nghề này. Chính vì vậy, chị Hồng đã quyết định thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), khoa Công nghệ sinh học.

Năm 2003, khi còn là một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Hồng có tham gia làm dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lần tìm đọc tài liệu về nấm linh chi, tình cờ chị biết đến đông trùng hạ thảo và cảm thấy đề tài về đông trùng hạ thảo này quá hay. Khi đó ở Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố. Tuổi trẻ với sự tò mò và đầy hứng thú trước những điều mới mẻ, chị Hồng nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo.

Với mong muốn ai cũng có thể sử dụng loại nấm dược liệu quý này, từ một cô gái tốt nghiệp khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, chị đã dày công tìm tòi, nghiên cứu trong 6 năm (2003-2009) với các điều kiện thí nghiệm thô sơ  trong một căn phòng nhỏ rộng khoảng 20 m2. Toàn bộ công nghệ trồng đông trùng gần như chị Hồng đều phải tự mày mò.

Chị Hồng mày mò nghiên cứu về sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo

Chị Hồng cho biết: “ Thời điểm đó, mua giống đông trùng rất khó. Sau nhiều lần nhờ bạn bè mua giống từ Hàn Quốc, Nhật Bản không được, tôi tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua giống cũng như học hỏi thực tế về công nghệ. Những ngày đầu một thân một mình sang Trung Quốc vất vả vô cùng. Không chỉ bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, trong công việc, tôi còn phải tiết kiệm hết mức chi phí ăn, ở để dành tiền học. Khó khăn không kể xiết, thế nhưng kết quả thu về lại gần như con số 0. Họ chỉ bán giống cho mình, còn bí quyết nuôi, cấy đông trùng họ không chuyển giao cho mình đâu. Mỗi cơ sở họ có 1 bí quyết riêng và giấu kín bí quyết này, chủ yếu tôi tự tìm hiểu, tự nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Sau nhiều lần thất bại, phải bán đất, bán nhà, vay mượn tiền và nhiều lần sang Trung Quốc để mua giống về nghiên cứu, chị Hồng đã đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc điều chỉnh các thông số nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp. Công trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo “made in Vietnam” của chị Hồng đã thành công và được các chuyên gia đánh giá cao về hàm lượng dược lý.

Chị Hồng quyết định bán một mảnh đất, vay ngân hàng thành lập doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo, đặt tên cho sản phẩm là Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc. Nguồn vốn từ bán nấm ăn để trang trải chi phí giai đoạn đầu trồng đại trà nấm đông trùng hạ thảo bị thất bại liên tiếp. Khi nắm bắt được quy luật của nấm đông trùng hạ thảo và vốn kiến thức thực tế, nhận thấy Đà Lạt là nơi lý tưởng để trồng nấm đông trùng hạ thảo, chị thuê 10.000m2 đất ở đây để mở rộng quy mô, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến với diện tích 5.000 m2.

Xưởng sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc

Những thất bại ban đầu khi chuyển từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất đại trà khiến cho Chị Hồng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Xác định chỉ có khoa học công nghệ mới giúp cho sản phẩm nuôi trồng được ổn định về chất lượng và sản lượng. Công ty đã thực hiên dự án sản xuất thử nghiệm của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội với quy mô 100 kg/mẻ. Hàm lượng hoạt chất trong quả thể là Cordycepin, Adenosine thu được đạt mức tương ứng trên 0,3% và 0,01%.

Phòng cấy giống nấm Đông trùng hạ thảo

Với năng lực cán bộ sẵn có và kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất trong thời gian qua, công ty tin tưởng hoàn toàn có thể đổi mới tiếp một số khâu trong quy trình, từ chủng giống, môi trường nuôi cấy đến điều kiện nuôi cấy để cải thiện hơn nữa chất lượng của sản phẩm với mong muốn đạt được chất lượng ổn định với hàm lượng các chất Cordycepin, Adenosine đạt mức tương ứng trên 0,5% và 0,02% theo trọng lượng khô.

Phòng sản xuất (nuôi) nấm của Nấm đông trùng hạ thảo Thiên Phúc

Được sự hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia, Công ty đã thực hiện Dự án cấp Nhà Nước: “Hoàn thiện, nâng cấp quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa Cordyceps militaris” với quy mô 500 kg/mẻ, đạt được hàm lượng 2 hoạt chất chính Cordycepin và Adenosine là 0,5% và 0,02% theo trọng lượng khô.

Thành phẩm đóng gói nấm Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc

Không những gặp khó khăn khi mở rộng quy mô sản xuất, công ty còn gặp khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Ở thời điểm đó trên thị trường có nhiều sản phẩm đông trùng hạ thảo giả, có nguồn gốc không rõ ràng. Mặt khác người tiêu dùng thường biết đến dòng đông trùng hạ thảo Tây Tạng, thu hái trong tự nhiên nên còn xa lạ với dòng đông trùng hạ thảo nuôi trồng nhân tạo. Mặt khác, các sản phẩm bổ dưỡng từ linh chi, nhân sâm, tam thất đã được người tiêu dùng sử dụng nhiều là những sản phẩm cạnh tranh gián tiếp với đông trùng hạ thảo.

Việc nuôi cấy đông trùng thành công đã khó, nhưng việc tiếp cận thị trường lại càng khó hơn. Chị Hồng cho rằng, tất cả những cái tốt, cái thật thì sẽ tồn tại.Chị Hồng chia sẻ: “Hai năm đầu tiên nuôi cấy đông trùng hạ thảo, tôi chỉ có mang đi cho, biếu tặng, chứ không bán được một sản phẩm nào. Mọi người chưa hiểu đông trùng như thế nào thì cứ dùng thử đi đã. Khi dùng thấy tốt, thấy hiệu quả rồi thì người nọ truyền tai giới thiệu người kia. Tôi bán được đông trùng chính là từ những những lời giới thiệu của khách hàng. Mọi người cứ hỏi tôi nuôi cấy nấm đông trùng đắt đỏ rồi toàn mang đi cho như thế thì lấy tiền đâu để làm? Khi mới khởi nghiệp, tôi trồng nấm linh chi, nấm sò, các loại nấm ăn khác để có nguồn thu nhập “nuôi” nấm đông trùng. Khi được khách hàng tin tưởng tôi càng chuyên tâm hơn với đông trùng hạ thảo”.

Hình ảnh trưng bày các sản phẩm Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc

Chị Hồng xác định giai đoạn đầu bán hàng không lợi nhuận, sản phẩm làm ra được cho tặng người thân, người quen để mọi người dùng thử và trải nghiệm sản phẩm. Đến khi có kết quả tốt thì sản phẩm được bán rộng rãi trên thị trường. Đồng thời, xây dựng chiến lược marketing bài bản, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao quy mô sản xuất để giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

Sau một vài năm, người tiêu dùng quen dần với dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo Thiên Phúc thì công ty đã thực hiện các chiến lược marketing để định vị thương hiệu Thiên Phúc trên thị trường.

Nói về thành quả đến thời điểm hiện tại, chị Hồng chia sẻ: “Sản phẩm đạt được như ngày hôm nay là dựa vào nỗ lực của cá nhân tôi, gia đình và tập thể cán bộ Công ty trong hơn 10 năm qua. Một vai trò quan trọng không thể thiếu trên chặng đường phát triển sản phẩm Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc là sự đồng hành của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sinh học, y học và nông nghiệp. Sự hợp tác quý báu từ các Viện, Trường và các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước cũng giúp cho Thiên Phúc không ngừng đổi mới và phát triển sản phẩm”.

Đến nay, Công ty CP dược thảo Thiên Phúc đẩy mạnh việc nhân nuôi sản phẩm, mở rộng 2 cơ sở nuôi cấy trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích 15.000m2; đồng thời phát triển các điểm trưng bày và  cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Showroom trưng bày sản phẩm Thiên Phúc

Sản phẩm Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc được phân phối trên các hệ thống Showroom, đại lý trên nhiều thành trong cả nước. Có 12 showroom, đại lý lớn tại Hà Nội và 15 showroom, đại lý tại các tỉnh như Hà Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh….

Từ một sinh viên ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), chị Hồng đã từng bước từng bước ứng dụng những tri thức đã học được cùng với sự nỗ lực cố gắng chị đã xây dựng thương hiệu sản phẩm Đông trùng hạ thảo Thiên Phúc được người tiêu dùng tin tưởng và đạt được thành quả như ngày hôm nay. Chị đã vinh dự được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 như một phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của chị đóng góp cho ngành nông nghiệp những sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris có giá trị dược tính cao.

Checkvn – Nền tảng Số phát minh của người Việt

Chia sẻ bài viết

Lạm phát có thể khiến xuất khẩu thủy sản sang Bỉ chậm lại
Nuôi lươn không bùn trở thành nghề chuyên nghiệp thu nhập cao

Bài viết mới nhất