Ngót nghét 100 năm phát triển trên vùng đất Lai Vung (Đồng Tháp), từ tâm huyết của những nhà vườn, cây quýt hồng được phục hồi, không phụ tình đất, tình người nơi đây.

Gần 100 năm bén rẽ đất Lai Vung

Thuở bé, những ngày cận Tết, tôi thường thấy mẹ đi chợ tìm mua cho bằng được trái quýt hồng. Mẹ nói, đây là loại trái cây tượng trưng cho sự may mắn và cầu mong cho gia đình quấn quýt trong năm mới. Và cứ thế, hình ảnh quýt hồng gắn sâu vào tiềm thức tôi. Đến khi trưởng thành, như một thói quen, những ngày chợ Tết náo nhiệt ở miền Tây, tôi đều phải chọn mua những trái quýt hồng tròn đầy, mặc kệ giá cả để trưng trong ngày Tết.

Quýt hồng, một sản vật thiêng liêng trong năm mới.

Ở Nam Bộ, mỗi dịp Tết đến xuân về, hầu như trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình đều không thể thiếu dĩa quýt hồng. Bởi bà con tin tưởng và xem quýt hồng như một sản vật thiêng liêng, gửi vào đó những ước mơ hi vọng trong năm mới, tròn đầy và rực rỡ.

Nằm giữa 2 con sông lớn của vùng ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước ngọt phù sa dồi dào. Từ đây, vùng đất Lai Vung vươn mình phát triển, trở thành nơi trù phú “cây lành, trái ngọt” trong vùng. Trong đó, quýt hồng là một trong những đặc sản nổi tiếng được “săn đón” trong những phiên chợ Tết.

Ở miệt Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang…, ngay từ những ngày đầu tháng chạp (tháng 12 Âm lịch), nhiều thương lái đã “nóng lòng”, thuê phương tiện, chuẩn bị dụng cụ, ngược lên xứ Lai Vung để tìm mua quýt hồng.

Người dân sống lâu năm trên mảnh đất Lai Vung không ai nhớ rõ người đầu tiên nhân giống cây quýt cho vùng đất này. Chỉ biết rằng trải qua nhiều thế hệ, con người nơi đây đã chạm mắt với màu cam vàng hực của quýt mùa trái chín. Vị ngọt thanh trong từng trái quýt đã tạo nên hương vị riêng, đặc trưng cho quýt hồng Lai Vung

.

Cây quýt hồng đã từng, và đang tiếp tục mang lại cuộc sống ổn định

và khá giả cho nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung

Quýt hồng đã bám rễ ăn sâu vào lòng đất và cùng tồn tại với những thăng trầm của người dân xứ sở này ngót nghét gần 100 năm. Trải qua quá trình gắn bó, từ thực tiễn lao động sản xuất, cây quýt hồng đã chứng minh được tính phù hợp với vùng đất ở các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và một phần của xã Vĩnh Thới, Hòa Long.

Theo lời kể của ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy huyện Lai Vung, sau năm 1975, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện diễn ra ngày càng nhanh. Nhờ giá trị kinh tế cao, cây quýt hồng bắt đầu được người dân chăm sóc kỹ hơn. Giai đoạn năm 1995 – 2010 được xem là thời kỳ quýt hồng “lên ngôi”.

Thời điểm ấy, gia đình ông Lê Hồng Đức ở xã Long Hậu, chỉ với gần 6 công đất (1.000m2/công) trồng quýt hồng, sản lượng thu hoạch mỗi vụ lên đến 35 tấn. Nhờ phát triển cây quýt hồng, gia đình ông có cuộc sống sung túc, mua thêm nhiều đất đai, xe cộ và có chi phí để phát triển sản xuất ở những vụ sau.

Không chỉ riêng gia đình ông Đức, nhiều bà con nông dân ở xứ sở Lai Vung đã sửa được nhà cũ, xây nhà mới, con cái học hành đến nơi đến chốn nhờ vào cây quýt hồng. Dựng vợ gã chồng cũng nhờ cây quýt hồng. So với canh tác lúa truyền thống, quýt hồng mang đến lợi nhuận cao gấp 3 – 4 lần cho bà con nông dân. Vì thế, bản thân ông Đức, năm nay đã 75 tuổi vẫn cần mẫn sớm hôm, từ phát cỏ, xịt thuốc, rải phân ông đều tự tay làm. Ông chăm sóc quýt hồng chu đáo như con người cần ăn uống điều độ.

Dịp Tết Nguyên đán 2023 là năm đầu tiên huyện Lai Vung tổ chức

“Lễ hội quýt hồng Lai Vung lần thứ I” nhằm tôn vinh, giới thiệu,

quảng hình ảnh cây, trái quýt hồng và thúc đẩy phát triển du lịch

Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, ông Đức thích thú chia sẻ, cứ vào dịp cận Tết, các vườn trồng quýt hồng sôi động hẳn lên. Từ 3 – 4 giờ sáng, nào là xe máy, ghe xuồng tấp nập từ trên đường bộ lẫn đường sông, bà con bận rộn với việc hái quýt, đóng hàng chuyển cho thương lái.

Cây không phụ tình đất tình người

Điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, quýt hồng mang lại giá trị kinh tế khá cao, khiến bà con nông dân quan tâm nhiều hơn để tăng năng suất, sản lượng. Điều này vô hình đã trở thành “con dao hai lưỡi”. Bà con nông dân chạy theo sản lượng mà quên đi chất lượng, khiến quýt hồng lâm vào cảnh thoái trào do chất lượng không cao, người tiêu dùng mất đi niềm tin với trái quýt. Giai đoạn năm 2013 – 2019, quýt hồng phải chống chọi với dịch bệnh vàng lá thối rễ, bệnh chết xanh trên cây có múi, khiến hơn 70% diện tích chết hàng loạt, nông dân trồng quýt thua lỗ và ngao ngán.

Các vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung đã được phục hồi, phát triển tốt

Khu vườn của ông Trần Hữu Hớn ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu thời điểm ấy quýt chết hàng loạt lên đến 80 – 90% diện tích. Khu vườn lân cận của ông Nguyễn Văn Đầy cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Đầy đã từng có suy nghĩ chặt bỏ hết quýt hồng để trồng bưởi. Thế nhưng với quyết tâm giữ lại loài cây quý này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã triển khai Đề án khôi phục 500ha diện tích quýt hồng Lai Vung.

Với sự hỗ trợ từ các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, những nông dân nhiều tâm huyết với cây quýt hồng như ông Hớn, ông Đức, ông Đầy… đã mạnh dạn tham gia quy trình cải tạo lại đất, sử dụng phân bón hữu cơ. Quá trình khôi phục vườn quýt hồng kéo dài 3 năm và mùa thu hoạch quýt hồng 2023 này, những quả ngọt đầu tiên đã mang lại nhiều triển vọng trên các vườn quýt hồng ở Lai Vung.

“Từ năm thứ nhất khi thực hiện Đề án phục hồi vườn quýt hồng, cây quýt có chiều hướng không phát tán thêm dịch bệnh. Năm thứ hai, vườn quýt phục hồi khoảng 60 – 70% và năm nay là năm thứ ba, đạt gần 95%”, ông Nguyễn Văn Đầy ở xã Long Hậu phấn khởi chia sẻ về quá trình kiên trì phục hồi vườn quýt hồng.

Vùng quýt hồng Lai Vung đang từng bước hồi sinh sau giai đoạn thăng trầm

Vụ quýt năm nay, các vườn quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung đã hoàn toàn hết dịch bệnh, cây bắt đầu cho năng suất cao từ 2 – 3,5 tấn/công, bà con vô cùng phấn khởi.

Đặc biệt, những cây quýt bị bệnh “chết nhát” trên vườn hầu như đã giảm đến mức tối thiểu. Chất lượng quýt hồng đã được khôi phục, trái không bị khô đầu, để lâu không bị hư. Nếu trưng trong gia đình ngày Tết có thể để được hơn 20 ngày. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, bởi nếu nông dân Lai Vung không phụ đất, không phụ cây thì cây và đất cũng không phụ người.

Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy huyện Lai Vung bày tỏ, việc khôi phục cây quýt hồng với mong muốn giữ lại một phần thành quả của cha ông đã để lại. Bên cạnh đó, còn muốn giữ lại giá trị về tình người của mảnh đất Lai Vung qua gần một thế kỷ lao động sản xuất và quýt hồng đã gắn bó với những thăng trầm của bao thế hệ đi qua.

Từ đây, ông Cương mong muốn truyền tải niềm tin, khát vọng, ước mơ của người dân Lai Vung đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Quý hồng của huyện ngoài những giá trị về dinh dưỡng, sự an toàn và niềm tin còn là khát vọng vươn lên của người dân xứ sở này.

Huyện Lai Vung mong muốn giữ vững và xây dựng thương hiệu quýt hồng

vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế

Thời gian tới, huyện Lai Vung đã có những định hướng phát triển các sản phẩm được tạo ra từ quýt hồng như tinh dầu quýt, các loại trà từ quýt, thức uống từ quýt, kể cả các thực phẩm kẹo mứt từ quýt… để gia tăng giá trị cho trái quýt hồng.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

3 năm chương trình sản xuất thanh long VietGAP của Bình Thuận
Nữ 'thủ lĩnh chanh dây'

Bài viết mới nhất