Sử dụng bón phân hữu cơ đã giúp cây quýt hồng phát triển xanh tốt trở lại, cho năng suất cao (80 – 100kg quả/cây) sau thời gian dài bị quy kiệt, oặt ẹo.

Còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, thời điểm này, các nhà vườn trồng quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang tất bật, nhộn nhịp chăm sóc vườn quýt hồng phục vụ thị trường Tết. Tuy diện tích cây quýt hồng hiện tại đang cho trái chỉ còn trên 200ha, không còn quy mô lớn như trước đây nhưng nhiều nhà vườn cũng đặt nhiều kỳ vọng vào vụ quýt hồng sẽ cho bội thu năm nay.

Các vườn quýt hồng ở Lai Vung hiện đã phục hồi, phát triển tốt và cho năng suất cao trở lại.

Vừa qua tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn “Sử dụng phân bón Phú Mỹ an toàn, cân đối, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững trên cây quýt hồng” với hơn 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo, chuyên gia nông nghiệp đến từ Cục BVTV, Sở NN-PTNT Đồng Tháp và bà con nông dân trong tỉnh.

Để có một mùa quýt hồng bán Tết thắng lợi, trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn Đồng Tháp phối hợp với PVFCCo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lai Vung và UBND xã Long Hậu đã triển khai thực thực hiện mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ an toàn, cân đối, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững trên cây quýt hồng tại 3 hộ trồng quýt hồng gồm ông Nguyễn Hoài Sơn, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Minh Nhựt tại xã Long Hậu với diện tích 7,5 công (1.000m2/công).

Anh Nguyễn Hoài Sơn, một trong 3 hộ được chọn làm mô hình cho biết, sử dụng phân bón hữu cơ Phú Mỹ trên cây quýt hồng đã giúp vườn quýt đạt năng suất cao, trái tròn đều, mọng nước, cây ít sâu bệnh và ít rụng trái. Từ đó giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong mùa quýt năm nay.

Anh Sơn vui mừng chia sẻ: Gia đình có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng quýt hồng bán vào mùa Tết, nhưng hơn 2 năm trước, vườn quýt hồng của gia đình được 5 – 8 năm tuổi xuất hiện bệnh vàng lá thối rễ dẫn đến chết cây hàng loạt, anh đã chuẩn bị có suy nghĩ đốn bỏ để chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác.

Rất mừng vào năm 2021, UBND tỉnh Đồng Tháp kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ và Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện đề án phục hồi “thủ phủ” quýt hồng đặc sản Lai Vung. Từ đó, đã giúp nông dân thay đổi nhận thức trong việc canh tác quýt hồng và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học, giảm dần phân bón, thuốc BVTV hóa học, qua đó giúp dần phục hồi vườn quýt hồng xanh tốt trở lại.

Mô hình bón phân Phú Mỹ cho năng suất quýt từ 80 – 100kg quả/cây, còn vườn quýt

sản xuất theo mô hình truyền thống cho năng suất chỉ từ 50 – 60kg/cây

Riêng năm 2022, gia đình anh Sơn có gần 8 công trồng quýt hồng bán vào vụ Tết Quý Mão. Trong đó, có 2 công quýt hồng được ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp chọn làm mô hình thí điểm sử dụng phân bón Phú Mỹ.

Theo anh Sơn đánh giá, sử dụng phân bón hữu cơ Phú Mỹ trong giai đoạn mang trái tốt hơn so với phân hữu cơ thông thường do hàm lượng hữu cơ trong phân cao. Sử dụng phân bón Phú Mỹ rất tiện dùng do hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón đã được cân đối sẵn nên nông dân không cần tính toán lượng phân để phối trộn, mỗi lần chỉ bón một loại phân bón với liều lượng dễ nhớ, hạt phân khô ráo, tròn đều, dễ tan… nên dễ sử dụng.

Trong phân bón có chứa trung vi lượng, rất phù hợp với cây ăn trái nói chung và cây quýt nói riêng trong giai đoạn mang trái, giúp hạn chế hiện tượng nứt trái. Riêng vườn quýt bón phân Phân bón hữu cơ RealStrong Acti-Plus (sau đây gọi tắt là Phân hữu cơ Phú Mỹ), phân NPK Phú Mỹ 20-20-15+TE, phân Ure, DAP và Kali Phú Mỹ của mô hình cho năng suất từ 80 – 100kg quả/cây, trong khi vườn quýt sản xuất theo mô hình truyền thống chỉ cho năng suất từ 50 – 60kg/cây.

Còn 1 tháng nữa vườn quýt hồng của gia đình anh Sơn mới bước vào thu hoạch phục vụ cho thị trường Tết, ước cho năng suất đạt từ 2,5 – 3 tấn/công, nếu bán giá 50 ngàn đồng/kg cho thương lái, sau khi trừ hết chi phí mỗi công lời gần 100 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp, mô hình được triển khai từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2022 sử dụng phân bón Phú Mỹ an toàn, cân đối, hiệu quả. Khi tham gia mô hình, nông dân sẽ được hướng dẫn sử dụng 70% lượng phân hữu cơ Phú Mỹ (560/800kg) và 50% lượng phân NPK 20-20-15+TE (200/400kg). Ngoài ra, nông dân cũng sử dụng các loại phân khác như Ure, DAP với lượng thấp. Riêng phân Kali, nhà vườn bắt đầu sử dụng từ thời điểm này về sau để tăng độ ngọt của trái.

Trong vụ quýt Tết Nguyên đán 2023, dự kiến sản lượng quýt hồng toàn huyện

cung ứng cho thị trường hơn 5.000 tấn trái, tăng gấp đôi so với năm trước

Quan sát qua các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây và trái quýt, nhận thấy, vườn trình diễn sử dụng bộ sản phẩm của PVFCCo (Phân bón hữu cơ RealStrong Acti-Plus và phân NPK Phú Mỹ 20-20-15+TE) giúp cây đâm đọt non nhiều ngay cả khi đang mang trái (cây khỏe), trái sáng bóng hơn so với đối chứng, tỷ lệ nứt trái thấp hơn so với đối chứng (do vỏ trái dày hơn)…

Bên cạnh đó, sử dụng phân bón hữu cơ Phú Mỹ có hàm lượng hữu cơ cao giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. “Trong vụ quýt Tết Nguyên đán 2023, dự kiến sản lượng quýt hồng toàn huyện cung ứng cho thị trường hơn 5.000 tấn trái, tăng gấp đôi so với năm trước” ông Lê Văn Chấn thông tin.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững
Tiềm năng, thách thức của chương trình OCOP

Bài viết mới nhất