Anh Nguyễn Thành Luân là thành người đầu tiên đặt nền móng cho nghề nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Thất bại trầy trật vì nấm

Nguyễn Thành Luân cầm tinh con Khỉ, vốn thích bay nhảy nên học xong cấp ba anh xuất ngoại sang Đài Loan làm công nhân linh kiện ô tô.

Anh Nguyễn Thành Luân là người đầu tiên ở Hương Sơn xây dựng thành công mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo

6 năm bôn ba nơi đất khách quê người, Luân gom góp được ít vốn trở về quê ở thôn 5 xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn học nghề điện dân dụng. Tuy nhiên, quá trình hành nghề tại địa phương, thu nhập bấp bênh nên anh chuyển hướng học nghề trồng nấm từ một người bạn ở Hải Phòng.

Năm 2018, Luân bắt tay khởi nghiệp với nghề trồng nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi. Tuy nhiên, ý tưởng của anh tiếp tục thất bại, bởi thị trường nấm ăn, nấm dược liệu chưa phổ biến ở vùng đất “chảo lửa, túi mưa”.

Không bỏ cuộc, Luân chuyển hướng thử nghiệm trồng đông trùng hạ thảo. Đó là một ngày giữa năm 2018, anh bắt xe khách ra Hải Phòng than thở với bạn về những thất bại của mình. Khi được bạn động viên, Luân cất công đến các cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở Hà Nội, Thanh Hóa để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Thời cơ chín muồi, anh nhập phôi giống từ Hải Phòng về trồng thử nghiệm trên diện tích nhà xưởng khoảng 200m2.

“Gần 3 năm mày mò, tất cả các quy trình nuôi trồng tôi làm đều hỏng. Từ kỹ thuật nuôi, phối trộn nguyên liệu, điều tiết nhiệt độ, môi trường không có cái nào khả quan. Lúc ấy tôi đã nghĩ sẽ bỏ cuộc”, Nguyễn Thành Luân nhớ lại.

Cơ sở này hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều thanh niên có chí hướng khởi nghiệp từ nông nghiệp

Nam thanh niên chia sẻ, anh đã mất trắng không dưới 100 triệu đồng cho “đề tài” nghiên cứu của mình. Mãi đến giữa năm 2021 anh mới đúc rút được một quy trình chuẩn về đông trùng hạ thảo, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết ở Hương Sơn nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.

“Thất bại là mẹ thành công”

3 năm “phá tiền”, lời chỉ trích, hoài nghi của gia đình cũng như hàng xóm ngày một nhiều nhưng Luân bỏ ngoài tai mọi ý kiến làm mình bấn loạn. Anh tự nhủ “thất bại là mẹ thành công, thua keo này ta bày keo khác”, cuối cùng những mẻ đông trùng hạ thảo đầu tiên ra đời, màu vàng đậm, cây múp mẩy, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao nghị lực, sự táo bạo của chàng trai trẻ nên hỗ trợ thêm kinh phí, tạo điều kiện về mặt pháp lý để Luân xây dựng thương hiệu “Đông trùng hạ thảo Thiên Tâm”.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo được nuôi trồng thành công ở cơ sở Thiên Tâm

Hiện, cơ sở này đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: Đông trùng hạ thảo (sấy theo phương pháp sấy lạnh thăng hoa), đóng hộp loại 10g, giá bán 400 ngàn đồng; loại 20g, giá bán 800 ngàn đồng. Rượu đông trùng hạ thảo Thiên Tâm, loại cao cấp giá bán 400 ngàn đồng/chai 500 ml; loại thường giá 300 ngàn đồng/chai 500ml.

Khi được hỏi về thị trường, Luân chia sẻ hiện tại lượng cung không đủ cầu. Toàn bộ sản phẩm đều đang bán lẻ, thị trường tự do, chủ yếu thông qua mạng xã hội. Song về lâu dài, anh đang tìm kiếm thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô.

Khi đạt được sản lượng lớn, ổn định, anh sẽ quảng bá, bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, đồng thời mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các địa phương khác.

Đối với quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo, Nguyễn Thành Luân cho biết, tất cả các khâu đều quan trọng như nhau. Đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu (gạo lứt, nhộng tằm, đậu nành, dinh dưỡng vi sinh), sau đó hấp tiệt trùng toàn bộ nguyên liệu, bước 3 cho nguyên liệu vào phòng cấy giống đến ủ tối 7 – 9 ngày; tiếp đến đưa ra chiếu sáng và nuôi trồng.

“Mỗi lứa tôi nuôi trồng từ 2 – 3 ngàn phôi tươi. Sau 75 ngày tiến hành thu hoạch. Quả thể (thân đông trùng hạ thảo) sau khi tách được đưa vào sấy, đóng gói. Còn đế và một phần quả thể còn lại ngâm trong rượu nếp đạt chuẩn OCOP trong khoảng hơn 1 tháng, trước khi đem đóng chai, xuất bán ra thị trường”, anh Luân nói.

Đầu năm 2022, sản phẩm đông trùng hạ thảo và rượu đông trùng hạ thảo Thiên Tâm được tỉnh Hà Tĩnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao

Ông Phan Xuân Đức, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn đánh giá rất cao mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Thành Luân.

Theo ông Đức, Luân là một thanh niên có suy nghĩ táo bạo, dám đột phá, luôn biết học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn để phát triển mô hình kinh tế điểm cho địa phương.

“Đông trùng hạ thảo là đối tượng nuôi trồng rất mới ở Hương Sơn. Khi anh Nguyễn Thành Luân xây dựng thành công mô hình, chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa, đồng thời khuyến khích anh Luân mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình ở nhiều hộ dân khác nhằm góp phần đa dạng hóa ngành nghề kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Đức nói thêm.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Xuất khẩu thuỷ sản tăng vọt trong 2 tháng đầu năm
An Giang ký thỏa thuận xuất khẩu 3 triệu tấn gạo sang Sierra Leone

Bài viết mới nhất