Cây atisô thể coi như một loại cây trồng bồi dục môi trường sinh thái. Ở Lâm Đồng, nông dân trồng, kết hợp chế biến atisô cho thu nhập hàng tỉ đồng/ha.

Không cần đầu tư làm nhà lưới, nhà màng trồng rau quả hoặc hoa, cây cảnh theo hướng công nghệ cao, nhưng vẫn có nhiều hộ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn đạt thu nhập 1,5 – 1,8 tỷ đồng/ha canh tác từ trồng cây atisô. Có được kết quả trên là do các nhà nông tại đây đã liên kết sản xuất, kinh doanh theo mô hình HTX.

Ông Ngô Nam Phong trong vườn atisô

Theo ông Ngô Nam Phong, Giám đốc HTX Atiso Thuận Phát (TP Đà Lạt), Đà Lạt có nhiều khách thập phương đến thăm quan du lịch, rất thích hợp cho trồng, chế biến atisô bán cho du khách. Do trước đây sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, tranh bán tranh mua và chủ yếu xuất sản phẩm thô qua thương lái dẫn đến đa phần lợi nhuận thu được từ trồng atisô rơi vào tầng nấc trung gian chế biến, phân phối. Năm 2012, HTX Atiso Thuận Phát đã ra đời với 13 xã viên sáng lập và 40ha đất, canh tác theo chuỗi giá trị từ đồng ruộng tới người tiêu dùng. Nhờ đó, thu nhập của các hộ trồng atisô đã tăng hơn 60% so với khi chưa có HTX.

Cây atisô có thể xem là cây trồng bồi dục đất đai rất tốt.

Ông Ngô Quảng Nhân trồng 1,6ha atisô từ 12 năm nay, nhưng chỉ có 2 năm là 2020 và 2021 khó tiêu thụ sản phẩm vì dịch Covid-19. Còn lại, năm nào ông cũng thu được 2,4 – 2,9 tỷ đồng từ trồng, kinh doanh cây atisô (đã trừ chi phí vật tư và thuê mượn thêm lao động). Ông Nhân là một trong những thành viên tham gia HTX ngay từ những ngày đầu thành lập.

“Vô HTX có lợi là các thành viên thống nhất được giá bán, cho nhau kinh nghiệm thâm canh và giúp nhau tiêu thụ sản phẩm khi cần. Qua đó, các hộ trồng atisô trong HTX đã giảm được rủi ro thua thiệt không đáng có, cho giá trị thu nhập cao, ổn định hơn rất nhiều”, ông Nhân nói.

Một sản phẩm atisô của HTX Atisô Thuận Phát.

Ông Ngô Quang Khánh, thành viên HTX Atisô Thuận Phát cũng phấn khởi cho hay, HTX có cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm, có hệ thống tiêu thụ atisô ở các siêu thị, nhà ga sân bay và các trung tâm du lịch lớn trong cả nước. Bên cạnh bán sản phẩm atisô tươi cho người tiêu dùng tại chỗ, các hộ còn chế biến ra các loại atisô sấy khô, cao lá atisô, rượu rễ atisô bán cho khách du lịch mang đi xa hoặc bảo quản dùng dần. Nhờ đó, đã giúp lượng tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh, nâng cao giá trị của cây atisô lên rất nhiều.

Gia đình ông Khánh trồng 1ha atisô, khi chưa tham gia HTX, sản lượng bán ra được 3 tỷ đồng, lợi nhuận ngót 1 tỷ đồng. Sau khi tham gia HTX, vẫn với diện tích như trước nhưng giá trị, lợi nhuận tăng lên gần gấp đôi.

Sơ chế hoa atisô tại HTX Atisô Thuận Phát

“Trung bình 1ha atisô sẽ cho thu hoạch 1 – 1,2 tấn hoa, 1,5 tấn lá, 7 tấn thân và 0,6 tấn rễ, củ. Các bộ phận này đun chín với nước, uống thay cho nước chè hoặc cà phê, có tác dụng mát gan, lợi tiểu, thải độc cơ thể, giảm cholesterol trong máu. Lá và hoa atiso tươi còn dùng ăn thay cho rau xanh, rễ atisô ngâm với rượu gạo, giúp tăng cường sức khỏe”, ông Khánh chia sẻ.

Tìm hiểu thực tế các hộ trong HTX này chúng tôi thấy, atisô trồng ở đây sinh trưởng, phát triển rất khỏe, cây cao trung bình tới 1,2m, ít nhiễm sâu bệnh hại và có khả năng giữ ẩm đất, chống xói mòn rất tốt, có thể coi như một loại cây trồng bồi dục môi trường sinh thái.

Ths Sinh lý thực vật Nguyễn Đức Huy (Đại học Quốc gia TP.HCM) thông tin, ở Việt Nan cây atisô trồng được ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, nhưng thích hợp nhất vẫn là trồng tại các địa phương có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Sản phẩm rượu ngâm rễ atisô

Để sản xuất đạt hiệu quả cao, bền vững, Ths Huy khuyến cáo, nhà nông cần tuân thủ đúng quy trình VietGAP trên cây atisô, gồm: Chọn cây giống khỏe, cày phơi đất kỹ trước khi gieo trồng, dọn triệt để tàn dư thực vật ngay sau thu hoạch và trước khi xuống giống, đảm bảo mật độ trồng thích hợp (12.000 cây/ha), bón phân cân đối, đủ lượng vôi và NPK, sử dụng nhiều phân hữu cơ vi sinh hoặc hữu cơ hoai mục, dừng bón phân 35 – 45 ngày trước khi thu hoạch toàn bộ thân, lá, hoa và rễ củ.

Định kỳ, thu hái kịp thời những lá atisô bánh tẻ sẽ tăng thu nhập, tạo sự thông thoáng trong vườn cây, giảm thiểu sâu bệnh hại. Chỉ phun trừ sâu bệnh (rầy, rệp, bọ phấn…) ở ngưỡng thiệt hại kinh tế (> 5%). Chú ý, không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục nhà nước cho phép trên rau, quả an toàn,…

nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Trang trại rau hữu cơ đầu tiên tại Đắk Lắk của kỹ sư 9X
Hội thảo khoa học Truy Xuất Nguồn Gốc sản phẩm hàng hóa, thực trạng, giải pháp và nhu cầu tại tỉnh Vĩnh Long

Bài viết mới nhất