Nhờ kiên trì sản xuất rau hữu cơ, bà con nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn không chỉ có thu nhập tốt mà còn được hưởng môi trường sinh thái trong lành.
Vùng sản xuất rau hữu cơ xã Thanh Xuân được chia thành các tổ nhóm PGS để quản lý.

Đến xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) không khó để bắt gặp cảnh hệ thống mương tưới tiêu, thoát nước có những đàn cá tung tăng bơi lội, minh chứng cho thấy môi trường khu vực này tốt.

Theo chia sẻ của bà con nơi đây, việc theo đuổi mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không chỉ giúp đem lại thu nhập tốt và ổn định cho nông dân mà còn tạo ra hệ sinh thái trong lành, an toàn cho sức khỏe con người.

Bà Chu Thị Chung, thôn Trung Na, Thanh Xuân tâm sự: Gia đình bà làm rau hữu cơ hơn chục năm nay và nhận thấy khâu làm cỏ là vất vả nhất, bởi rau hữu cơ tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ nên hầu như lúc nào bà con nông dân cũng có mặt trên đồng ruộng. Nhưng đổi lại, làm rau hữu cơ cho thu nhập tốt và ổn định nên phần lớn nông dân đã dần quen với việc coi nhổ cỏ là niềm vui.

Xã Thanh Xuân là địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ của Hà Nội. Với diện tích gần 30ha và hàng chục chủng loại rau củ quả. Bình quân, mỗi tháng Thanh Xuân cung cấp cho thị trường Thủ đô 40 – 50 tấn rau hữu cơ các loại.

Theo ông Ngô Văn Nghị, Giám đốc HTX Trung Na, xã Thanh Xuân: Khi làm Nông nghiệp hữu cơ, thay đổi lớn nhất là tập quán. Trước kia, không làm rau hữu cơ, nông dân chỉ sản xuất theo mùa vụ, giờ thành vùng rau chuyên canh, sản xuất quanh năm.

Thay đổi thứ 2 là môi trường sinh thái trong lành, các loại rau được đa dạng đan xen nhau. Nếu như trước đây 1 sào gần như chỉ có 1 loại rau, gây khó khăn trong việc tiêu thụ. Nay rau được trồng đa dạng xen canhm gối vụ nên việc tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều.

Trồng rau hữu cơ không chỉ giúp bà con nông dân xã Thanh Xuân, Sóc Sơn có thu nhập ổn định và còn được hưởng môi trường sinh thái trong lành

Còn ông Chu Xuân Tân, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: Xã Thanh Xuân xác định thương hiệu phải đặt lên hàng đầu. Rau tuy số lượng ít nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng nên việc quản lý đối với phân bón cũng như thuốc trừ sâu luôn được đặt lên hàng đầu và phải đảm bảo theo đúng qui trình hướng dẫn.

Theo cán bộ bảo vệ thực vật huyện Sóc Sơn, để rau hữu cơ Thanh Xuân bảo đảm chất lượng, nông dân trồng rau phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5 không, là không sử dụng phân bón hóa học, không dùng chất biến đổi gene, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không dùng các loại thuốc diệt cỏ và không dùng thuốc trừ sâu hóa học.

Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Hà, chia sẻ, trong chương trình sản xuất rau nhiều năm nay, đặc biệt năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận và chuyển giao rất nhiều tiến bộ kỹ thuật giúp bà con nông dân Thanh Xuân nói riêng và Sóc Sơn nói chung sản xuất rau an toàn.

Đó là các mô hình bẫy bả chua ngọt diệt trừ sâu khoang, màng phủ passline,… trên các loại cây trồng, đảm bảo cho việc sản xuất được an toàn ngay từ những ngày đầu. Hạn chế không dùng thuốc bảo vệ đến mức tối đa trong sản xuất nông nghiệp, để không ảnh hưởng tới môi trường và xã hội.

Nhờ kiểm soát chặt chẽ về quy trình và chất lượng, từ nhiều năm nay, rau hữu cơ Thanh Xuân đã xây dựng được thương hiệu, trở thành đối tác uy tín cung cấp rau cho các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, nhiều vùng rau chuyên canh khác của Hà Nội, từ bài học thành công của Thanh Xuân, cũng bắt đầu chuyển một phần diện tích sang sản xuất hữu cơ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, giai đoạn 2020 – 2025, thành phố Hà Nội coi việc thúc đẩy mở rộng sản xuất rau hữu cơ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, qua đó góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập bền vững cho nông dân

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Ngành FMCG phục hồi đẩy nhu cầu tiêu thụ đường tăng cao
Xuất khẩu thủy sản bứt phá, nhiều mặt hàng tăng trưởng kỷ lục

Bài viết mới nhất