Mặc dù chưa chính thức bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tại Mỹ nhưng xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ trong quý I năm nay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 10 năm qua.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 31.980 tấn mật ong trong quý I năm nay với giá trị 116,3 triệu USD, giảm 32% về lượng và giảm 3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lượng mật ong xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã giảm mạnh gần 90% so với mức 10.532 tấn của cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 1.145 tấn. Đây cũng là khối lượng thấp nhất mà ngành mật ong Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong hơn 10 năm trở lại đây.

Đáng chú ý là toàn bộ số mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều đến từ tháng 1 và không có lô hàng nào được ghi nhận trong tháng 2 và tháng 3.

Với sự sụt giảm này Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 7 về xuất khẩu mật ong vào Mỹ so với vị trí thứ 2 của năm ngoái. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu mật ong của Mỹ theo đó đã giảm xuống còn 3,6% trong quý I/2022 so với con số 26% của năm 2021.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ sụt giảm và bị ngưng trệ trong thời gian qua là do tác động bởi thông tin về mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lên đến hơn 400% mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Tuy vậy, vào ngày 8/4 năm nay, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng về mức thuế trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) mật ong nhập khẩu từ Argentina, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam.

Theo đó, thuế CBPG dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, từ mức 410,93% – 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% – 61,27%.

Như vậy, so với kết luận sơ bộ, biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam ở kết luận cuối cùng giảm gần 7 lần, giúp ngành mật ong có thể nỗ lực tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới.

Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nhiều lần đề nghị Mỹ đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tình hình sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Tại Mỹ, có hai cơ quan tham gia vào một vụ việc điều tra CBPG là DOC (xác định mức thuế CBPG) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ – ITC (xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước).

Biện pháp CBPG sẽ chính thức có hiệu lực trên cơ sở kết luận cuối cùng về bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Hiện nay, ITC đang điều tra về thiệt hại và dự kiến ban hành kết luận cuối cùng trong thời gian tới.

Cơ hội nào cho mật ong Việt Nam trong thời gian tới?

Trong trường hợp bị áp thuế 58,74% – 61,27% tại Mỹ, mật ong của Việt Nam vẫn còn cơ hội để xuất khẩu vào thị trường này.

Bởi theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong những năm qua giá mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ ở mức khá cạnh tranh so với các thị trường khác.

Ví dụ như năm 2021, giá xuất khẩu bình quân mật ong của Việt Nam vào Mỹ đạt 1.243 USD/tấn, thấp hơn 422 USD/tấn so với Ấn Độ và thấp hơn 1.935 – 2.011 USD/tấn so với mật ong Agrentina và Brazil.

Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy các nhà nhập khẩu mật ong tại Mỹ đang tìm cách đa dạng nguồn cung cấp và giảm nhập khẩu từ một số thị trường đang có nguy cơ bị áp thuế CBPG.

Theo USITC, trong quý I năm nay Mỹ đã tăng rất mạnh lượng mật ong nhập khẩu từ một số nước như: Mexico (+955,9%), Canada (+206,2%), Thổ Nhĩ Kỳ (+330%), Đài Loan (+225,4%), Australia (+390,1%), Thái Lan (+1.367%).

Do đó, thị phần của các nguồn cung cấp khác trong tổng nguồn cung mật ong vào Mỹ đã tăng mạnh lên 30% so với 12% của năm 2021.

Ở chiều ngược lại, cùng với sự sụt giảm của Việt Nam, nhập khẩu mật ong của Mỹ từ các thị trường cung cấp chính và đang nằm trong diện điều tra về bán phá giá khác như Ấn Độ, Argentina và Brazil đều giảm.

Cụ thể, lượng mật ong từ Ấn Độ vào Mỹ giảm 18,2%; từ Argentina giảm 14,1% và từ Brazil giảm 50,3%. Mặc dù vậy, thị phần của các thị trường cung cấp này không có sự suy giảm mạnh như Việt Nam.

Trước đó, nhập khẩu mật ong của Mỹ trong năm 2021 đạt 214.826 tấn. Trong đó, Ấn Độ, Việt Nam, Argentina và Brazil cung cấp đến 88% mật ong cho thị trường này.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu mật ong vào Mỹ trong năm 2021 và quý I/2022

Hiện Việt Nam có gần 40.000 hộ gia đình sinh sống bằng nghề nuôi ong, cùng hàng trăm công ty chế biến, kinh doanh và xuất khẩu. Mỗi năm, mật ong xuất khẩu sang Mỹ chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Vì vậy, những diễn biến từ thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành mật ong của Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành và các doanh nghiệp xuất khẩu trao đổi với các cơ quan của Mỹ ở các giai đoạn tiếp theo (đánh giá thiệt hại, rà soát thuế chống bán phá giá…) nhằm hỗ trợ ngành mật ong Việt Nam được đối xử công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc này để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam.

Cơ quan này cũng đang xúc tiến các hoạt động thương mại hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mật ong đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác lợi ích các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia.

Nguồn bài viết: Xem chi tiết

Chia sẻ bài viết

Chè 5 sao OCOP trên đỉnh Phìn Hồ
Chuẩn hội nhập - Sức lan tỏa cải thiện sinh kế

Bài viết mới nhất